Phố cưới công nhân thời lạm phát

21/10/2008 09:09 GMT+7

Công nhân vốn đã nghèo, nay lại rơi đúng vào thời lạm phát nên những đôi đến làm lễ vu quy nơi phố cưới tại huyện Dĩ An này đã "cắt" tất cả những gì "râu ria" để vun vén cho những "tiết mục" chính.

Nếu ngày trước, nhiều cặp còn "mạnh tay" quay phim, lãng mạn chụp ảnh ngoài trời... thì giờ đây, đề cập đến những thứ này thường nhận được lời thở dài từ những đôi uyên ương: "Thôi anh ạ", "Bỏ đi em à". Và tất nhiên, họ thường chọn những dịch vụ với mức giá "chạm đáy" trong ngày trăm năm có một này.

Tiết kiệm tối đa

Ngày 12.10, trong vai một công nhân (CN), tôi vào một nhà hàng tại phố cưới tại huyện Dĩ An (Bình Dương) để đặt tiệc cưới. Chủ nhà hàng Kim Phượng xởi lởi: "Em nên đặt sớm đi, chứ... "trâu chậm là không có nước để uống đâu". Hỏi ra mới biết, lịch cưới của nhà hàng vào các chủ nhật của tháng 10 đã "cháy", tháng 11 chỉ còn ngày 30 là trống.

Ông chủ khoe: "Đợt này, chủ nhật nào anh cũng tổ chức tới 14 đám cưới, có khi 7 đôi cùng cưới một lúc". Các nhà hàng tại khu "phố cưới CN" này thường tổ chức khép kín từ cho thuê váy cưới, trang điểm cô dâu, chụp ảnh... tới tổ chức tiệc cưới, cho thuê ban nhạc... Tôi ngồi một lúc mà nam, nữ CN đến đặt tiệc... rầm rầm.

Đôi bạn sắp kết tổ uyên ương Trương Văn Hạ (quê ở Hà Trung, Thanh Hoá) và Phạm Thị Thu Huệ (Nhuế Dương, Khoái Châu, Hưng Yên) ngượng ngùng bước vào để đặt tiệc cho buổi cưới vào cuối tháng 11. Ông chủ nhiệt tình đưa ra nhiều sự lựa chọn của nhiều dịch vụ, nhưng dường như sự lựa chọn của đôi bạn trẻ này chỉ có một: Chọn dịch vụ nào... rẻ nhất.

"Chị đặt cho em 300 tấm thiệp cưới, loại 1.600đ/chiếc, loại "bèo" nhất. Chị làm 12 mâm, chọn loại giá "kịch sàn" là 600.000đ/mâm, sơ cua 3 mâm ("sơ cua" là số mâm phát sinh khi khách đến, nếu không dùng đến thì nhà hàng không tính tiền - NV)" - chị Huệ nói một lèo. Anh Hạ tâm sự: "Nếu tăng ca "mệt nghỉ" thì thu nhập của 2 đứa cũng chỉ khoảng trên 3 triệu đồng/tháng, thu vén lắm mới đủ cho chi tiêu hàng ngày, nên nghĩ đến cưới, 2 đứa hãi lắm".

Vậy nên, cả hai đã quyết định cắt những "râu ria" như quay phim, nhạc sống... rồi chỉ chụp ít ảnh. "Hai đứa chọn áo cưới loại rẻ nhất, tôi thuê 60.000đ, còn Huệ thuê váy giá 100.000đ, chụp ảnh cũng chụp loại rẻ nhất là hơn 1 triệu đồng/album. Tiết kiệm mà anh, chỉ cần có một đám cưới "không đến nỗi" là được" - Hạ giải thích.

Một bà chủ nhà hàng ở đây cho biết: Năm ngoái, với giá 600.000đ/mâm là đã có cỗ cưới ngon rồi, nhưng năm nay, 600.000đ là mức "bèo bọt" nhất. CN không dám bớt tiền tiệc cưới, họ đành loại đi những thứ phụ trợ như quay phim, chụp ảnh... Chỉ năm trước thôi, nhiều cặp có thể chơi sang quay phim lễ cưới để gửi về quê, thì năm nay, số đôi quay phim giảm đi rõ rệt. ảnh chụp hôm ăn cưới cũng bị cắt giảm đi. Nhạc sống cũng... cắt.

Vì phục vụ chủ yếu cho CN nên chi phí và cách phục vụ ở khu phố cưới này cũng rất... CN. Các đôi uyên ương được tặng bánh cưới, tặng một tấm hình khổ 25x35. Nếu đặt trên 15 mâm thì được khuyến mãi thêm dàn nhạc. Nếu không, muốn có nhạc thì phải thuê với giá 500.000-600.000đ. Có quán chỉ cần đặt hơn 10 mâm là được khuyến mãi người dẫn chương trình (MC) và rượu sâmpanh. CN chỉ cần đặt cọc từ 500.000đ - 1 triệu đồng cho nhà hàng là có thể tổ chức đám cưới.

Chị Phạm Hồng Nhị (Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) đang làm tại Cty SC Vina cho hay: "Điều đau đầu là phải tính toán số khách có thể đến để đặt mâm, không lại lâm vào tình trạng thiếu mâm thì ê mặt, mà thừa mâm thì tốn kém lắm. Khoảng 60% khách đến là bọn em "thắng" rồi".

Nhị nhẩm tính ở góc độ... kinh tế học: "Nếu cỗ vừa đủ, trừ tiền trả cho nhà hàng, bọn em còn dư một chút để trang trải các khoản chi khác, vì một mâm có 12 người, mà mỗi người ít nhất phải mừng 100.000đ, bạn thân thì còn cao hơn. Trong khi đó, tổng chi phí cho một mâm (tính gộp cả tiền bia, nước ngọt, áo cưới cô dâu) tầm khoảng 1 triệu đồng/mâm".

Nhị phát hiện một điều: "Cưới ở đây còn đỡ tốn kém hơn ở quê anh ạ. Ở quê cưới rề rà, rồi có khi phải thuê xe cộ rước dâu... Ơ đây thì... chớp nhoáng. Nhưng mà vẫn... méo mặt đấy".

Buồn vui phố cưới

9 giờ chủ nhật 12.10. Nhiều nhà hàng đã chăng lọng đỏ trước cửa, các cô dâu đã đến sớm để trang điểm cho ngày trọng đại. 11 giờ, không khí bắt đầu sôi động. Các cô dâu, chú rể tình tứ bên nhau, đứng dưới lọng đỏ, tươi cười đón khách.

Khung cảnh trong một tiệc cưới.

Đoạn đường chỉ có 3 nhà hàng (Ngọc Thanh Quang, Kim Phượng, Thiên Hồng Thanh), vậy mà trưa nay có tới 15 cặp cô dâu, chú rể, đứng san sát. Cảm tưởng nếu chú rể không tỉnh táo sẽ... quơ nhầm phải tay cô dâu khác. Cô dâu, chú rể nào cũng tươi cười đón khách (chủ yếu là thanh niên CN) kiêm người... chỉ chỗ gửi xe cho khách.

Ngoài quốc lộ 1A, những chiếc xe container hạng nặng chạy ầm ầm, bụi cuốn mù trời. Mặc! Đôi Xuân Tặng - Thu Nga vẫn... kiên quyết bám trụ mặt đường gió bụi. "Nếu không ở ngoài này thì bạn bè chẳng biết mình tổ chức ở phòng nào, nên phải chịu khó vậy thôi, dù phấn son đã dính đầy bụi" - chị Nga giải thích.

Khách đến ngày càng đông, túm năm tụm ba ở lề đường tán chuyện ngay cạnh hàng loạt cô dâu, chú rể, khiến một góc phố náo nhiệt, ai đi qua cũng phải... ngoái nhìn. Những ông bố, bà mẹ chân quê, lúng túng trong những chiếc complê, áo dài nở nụ cười để cảm ơn khách.

Một cô dâu cho biết: "Đám cưới xa xứ nên chỉ có bố mẹ là vào được thôi, chứ tiền đâu mà họ hàng vào nhiều được. Vậy mà việc lo tiền tàu xe, rồi chỗ nghỉ trọ... cũng khiến bọn em đau đầu. Có khi, bố mẹ chú rể không vào được, vậy là phải thuê bố mẹ giả để trao nhẫn cưới cho cô dâu. Đám cưới CN, nhiều nụ cười, nhưng nhiều khi buồn lắm anh à".

12 giờ 30. Tiệc cưới đồng loạt mở. Lúc này đủ các thể loại nhạc đã nổi lên. Tiếng MC nọ đan với tiếng MC kia. Do mặt bằng chật hẹp, lại 12 người/bàn, thậm chí, có khi vui, họ lại ngồi tới 16-17 người/bàn.

Đôi Ngọc Hoàn - Xuân Mai được trang bị một cặp pháo sáng, rồi ngượng ngập tiến vào trong tiếng hoan hô vang dội của hội hôn, dưới hàng quạt trần chạy hết công suất nhưng bất lực trước cái nóng ngột ngạt. Không khí lúc này ồn ào cực độ, tiếng "dzô" của đám thanh niên hoà lẫn với những tiếng giới thiệu giống nhau như nhân bản của những MC nghiệp dư.

Chỉ 30 phút sau là tiệc tàn. Khách lần lượt ra về, còn lại cô dâu, chú rể ở lại... khui nóng tiền mừng để chi trả các khoản. "Tiền mừng chỉ là "góp gạo" giúp sức nhau thôi, chứ bọn em có được cầm đâu, phải trả nợ nhà hàng ngay. Người ta thì có tuần trăng mật, nhưng bọn em sau khi cưới là lại lao vào làm việc thôi" - cô dâu Thanh Nga (Quỳnh Phụ, Thái Bình) ngậm ngùi.

Ai đó đã nói rất đúng: Đám cưới công nhân có một chút rình rang của phố thị, một chút lặng lẽ của nhà nghèo. Nhất là ở thời lạm phát này...

Theo Đoàn Tất Thảo / Báo Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.