Kinh nghiệm làm phim kiểu Mỹ

11/10/2006 22:44 GMT+7

Sáng qua 11/10, ông Gregory Frazier Phó chủ tịch Hiệp hội điện ảnh (HHĐA) Mỹ, trong chương trình tham dự Liên hoan phim APEC tại VN đã có cuộc làm việc với các nghệ sĩ của Hội Điện ảnh VN.

Trong cuộc trao đổi hết sức thoải mái này, ông Frazier giới thiệu hoạt động của HHĐA Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa khi xu hướng của xã hội hiện đại là xem phim trên internet và điện thoại di động. Frazier cho biết Hollywood có 6 hãng phim lớn, một năm sản xuất khoảng hơn 200 phim, chính 6 hãng phim này đã liên kết thành HHĐA Mỹ.

Ông Frazier khẳng định: Một bộ phim hay của Mỹ không nhất thiết phải  tiêu tốn nhiều tiền nhưng nhất thiết có kịch bản hay, cách kể chuyện ấn tượng để nói lên một thông điệp giản dị nhưng thiết yếu với xã hội. Kinh nghiệm của điện ảnh Mỹ cho thấy khi xã hội hóa điện ảnh rồi thì cuộc đào thải những năng lực cá nhân và tập thể đều trở nên rất quyết liệt. Ví dụ như một hãng phim làm Khiêu vũ giữa bầy sói thành công rất lớn cả về giải thưởng Oscar (1990) và doanh thu nhưng không thành công với bộ phim tiếp theo, dẫn đến phá sản. Thế nhưng điều này không thể xảy ra với các tập đoàn điện ảnh lớn vì họ còn nhiều hoạt động khác hỗ trợ cho điện ảnh khi cần thiết. Điều đó cho thấy điện ảnh VN muốn tồn tại bền vững phải nhanh chóng hình thành những tập đoàn giải trí hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau mà điện ảnh chỉ là một lĩnh vực trong đó.

 


Gregory Frazier

Trong khi tạo nên những tập đoàn giải trí lớn thì họ cũng hướng tới việc thành lập những nhánh nhỏ, mang tính mũi nhọn để sản xuất dòng phim kén khán giả. Hai dòng ngược chiều của cùng một hoạt động chính là cơ sở vừa đảm bảo doanh thu cho các hãng, vừa tạo nên những tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh Mỹ. Đặc biệt, những mũi nhọn này không chỉ hoạt động ở Mỹ mà đặt ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới với mục tiêu là khai thác càng nhiều, càng hiệu quả những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc khắp thế giới (khoảng 65 quốc gia có hoạt động sản xuất của điện ảnh Mỹ)... Tuy chưa thể áp dụng những kinh nghiệm nói trên vào hoạt động sản xuất của ta, nhưng với các nghệ sĩ điện ảnh VN thì đây là cơ hội để họ hình dung rõ thêm những yếu tố dự báo trong tương lai gần của điện ảnh VN khi quá trình xã hội hóa đã và đang trở thành hiện thực.

P.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.