Cộng đồng người Việt trẻ ở Úc: Những thú vị bất ngờ

29/10/2005 20:01 GMT+7

Nhân dịp Duyên dáng Việt Nam lên đường sang Úc, tôi thử lang thang vào mạng và phát hiện những thú vị bất ngờ...

1 Người Việt có mặt tại Úc khởi đi từ giữa thập niên 1970, với khoảng 500 người, trong số đó có khoảng 20 gia đình. Đứa bé đầu tiên được ghi nhận có cả cha lẫn mẹ là người Việt ra đời tại Sydney năm 1970, hiện định cư tại Melbourne. Trải qua nhiều biến động, hiện số người Việt sống tại Úc đã lên tới khoảng 300.000 - 350.000 người. Nếu so sánh con số trên với con số 155.000 người được thống kê vào năm 1996, có thể khẳng định rằng số lượng kiều bào ở Úc đã tăng một cách nhảy vọt. Sự nhảy vọt này là do một số lượng người Việt rất lớn đã di dân vào Úc bên cạnh số lượng sinh trưởng tại đây trong thập niên 1990. Theo website Người Việt tại Úc, cộng đồng Việt Nam tại Úc là một cộng đồng trẻ với 50% dưới 35 tuổi. Trong hơn hai thập niên qua, có thêm trên 60.000  em bé có dòng máu Việt Nam được sinh ra tại Úc.

Mỹ Linh (giữa) nhận giải thưởng "Queensland Multicultural Awards 2005"

2 Đa số người Việt tại Úc sống tập trung tại các thành phố lớn, nhất là Sydney và Melbourne thu hút đến trên 150 ngàn người. Vì lý do ngôn ngữ, liên hệ gia đình, bè bạn, việc làm và nhất là do tình đồng hương, bà con thường sống quây quần với nhau, phân bố nhiều nhất ở các bang New South Wales (40,4%), Victoria (36,5%), Queensland (7,3%). Trong các bang, những địa phương đông người Việt nhất là Cabramatta (báo chí Úc còn gọi là Saigonmatta, 35km về hướng tây nam trung tâm thành phố Sydney), Kingspark (20km về hướng tây bắc trung tâm thành phố Melbourne), Springvale (25km về hướng nam trung tâm thành phố Melbourne).

Tuy là cộng đồng người nước ngoài trẻ nhất nhưng người Việt đã gây nên một số tiếng vang trên nhiều lĩnh vực tại xứ sở đa văn hóa, đa sắc tộc Úc châu. Tại bản tin điện tử của Cộng đồng người Việt thấy hiện lên những tên tuổi đáng hãnh diện như đạo diễn Khoa Đỗ - đoạt danh hiệu Người trẻ Úc gốc Việt 2005, Ken Lê - Vô địch bóng bàn Úc châu 2004, Nguyễn Hương Thảo - đại diện giới trẻ Úc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Rồi Justin Nguyễn, được tuyển chọn vào danh sách những người rước đuốc Thế vận hội tại Úc. Hoặc như chị Phan Thị Cẩm Tú, TGĐ Công ty Clever Link Internet and Technology Services, được ghi danh vào cuốn sách Top ICT Companies in Australia 2003... Gần đây, tháng 5/2005, Nguyễn Mỹ Linh là một trong 7 cá nhân được trao giải thưởng đa văn hóa "Queensland Multicultural Awards 2005". Mỹ Linh đến Úc năm 1983 lúc mới 14 tuổi và sau đó liên tục gặt hái nhiều thành công. Mỹ Linh đã thay mặt 7 người đoạt giải nói lời đáp từ. Đây không chỉ là vinh dự cho cá nhân Mỹ Linh mà còn là niềm hãnh diện chung của cộng đồng người Việt tại bang Queensland.

Với câu hỏi, liệu Duyên dáng Việt Nam sang Úc có trở ngại gì với hiện tượng cực đoan như một vài thông tin trên mạng? Chiều 26/10, từ Melbourne, bạn đọc Anthony Nguyễn đã mail câu trả lời về cho phóng viên Thanh Niên: "Đúng là có chuyện kêu gọi trên đài của Hoang Nam ở Úc để đi biểu tình này nọ nhưng tôi nghĩ nếu có, nó sẽ không quá lớn để được gây chú ý. Những người di tản hồi 1975 thì đã về Việt Nam nhiều lần và dần dần chấp nhận chuyện một cảnh hai quê. Số vượt biên thập niên 80-90 cũng đã trên dưới 20 năm rồi, phần lớn bà con lo mưu sinh chứ không rảnh để nghe theo "lời kêu gọi". Còn hầu hết bạn trẻ gốc Việt thì vô tư! Bạn bè, người thân quen của tôi vẫn thường xuyên về nước, thăm quê nên hết lòng ủng hộ chương trình Duyên dáng Việt Nam... Tôi tin được thưởng thức chương trình Duyên dáng Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Úc sẽ càng yêu mến quê hương hơn".

3 Tôi lần tìm vào một số địa chỉ tại một website. Nếu những người ở độ tuổi 30 trở lên còn dùng tiếng Việt để tự giới thiệu mình thì những bạn trẻ từ 25 trở xuống thường dùng tiếng Anh. Tuy thế, trong các cuộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ, họ lại hát nhiều bài hát Việt đang thịnh hành trong nuớc của các tác giả như Trần Tiến, Thanh Tùng, Dương Thụ... Qua mạng internet, họ cùng hợp lực ra những đặc san tiếng Việt với nhiều nội dung hướng về quê hương, xứ sở. Đặc biệt, còn có những chương trình văn nghệ, thể thao với sự tham gia của học sinh, sinh viên người Úc gốc Việt với du học sinh Việt Nam đến từ trong nước. Tuy vẫn còn một số cách biệt nhưng họ đã cùng vượt qua những rào cản để đến với nhau trong tình tự quê hương.

Ông Chau Nguyen, du học sinh trước 1975, hiện định cư tại Melbourne, cho biết: "Tôi vào website thanhnien.com.vn, được biết đây là chương trình văn hóa văn nghệ chưa từng diễn ra tại Úc. Trước đây chỉ có Thúy Nga Paris sang diễn ở Sydney Casino và Melbourne Casino, nay với chương trình Duyên dáng Việt Nam của báo Thanh Niên, tôi tin sẽ rất thành công". Thật bất ngờ, anh thông báo điều ấp ủ từ lâu: "Tôi biết ở trong nước chương trình Duyên dáng Việt Nam nhằm gây Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình. Nay nhân sự kiện này, tôi muốn góp một tay, hằng năm cá nhân tôi ủng hộ 20 triệu đồng (phân thành hai đợt) nhờ Thanh Niên trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho các em học sinh cấp 1-2 ở Phổ Cường và cấp 3 ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) - nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã chiến đấu và hy sinh".

Sau một số e-mail chi tiết, ông cho biết sẽ chuyển đến VP báo Thanh Niên tại miền Trung 10 triệu đồng đợt 1 trong tuần cuối tháng 10/2005.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.