Nigeria: “Cái nôi” của nạn lừa đảo qua mạng

30/10/2005 20:22 GMT+7

Hình ảnh của Nigeria đang bị tổn hại nặng nề trên trường quốc tế vì đất nước này là nơi tập trung những trung tâm lừa đảo trên mạng đáng sợ nhất thế giới. Trong lúc đang vất vả với nạn tham nhũng tràn lan, chính phủ Nigeria lại phải tìm mọi cách để đối phó với các loại tội phạm trên mạng.

Lừa đảo qua mạng bằng cách gửi thư điện tử nhờ giúp đỡ hoặc xin một số tiền nhỏ không phải là chuyện mới mẻ đối với đại đa số người lướt web mỗi ngày. Cứ mỗi ngày những người sử dụng các địa chỉ mail miễn phí như Yahoo Mail thường nhận được không dưới vài bức thư, trong đó người gửi tự xưng là dòng dõi hoàng tộc xa xưa hoặc đang sở hữu tài sản lớn nhưng bị phong tỏa... và yêu cầu bạn hãy chuyển tiền giúp đỡ. Không buồn xem nội dung của các thư rác này, hầu hết những người nhận đều bấm nút xóa. Tuy nhiên, vẫn có một số người cả tin đã trả lời và điều này giúp mang lại nguồn lợi lớn cho những kẻ lừa đảo tại trung tâm gian lận trên mạng Festac, gần Lagos (Nigeria). Những nạn nhân như thế được gọi là maghas, tiếng lóng mà các tay tội phạm trên mạng chỉ những nạn nhân da trắng "cả tin và ngu ngốc".

Cơ quan mật vụ Mỹ ước tính với những loại bẫy trên, bọn lừa đảo đã bỏ túi hàng trăm triệu USD/năm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân đã không đến trình báo nhà chức trách vì cảm thấy xấu hổ do để bị lừa gạt quá dễ dàng như vậy. A.Okauru, quyền giám đốc cơ quan tình báo tài chính thuộc Ủy ban tội phạm kinh tế và tài chính Nigeria, cho biết đã tịch thu được 700 triệu USD có liên quan đến tội 419 trong vòng 2 năm qua, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng.

Samuel, một thanh niên bảnh trai mới 19 tuổi với bề ngoài chải chuốt, là một trong những tay khét tiếng về lừa đảo trên mạng tại Festac. Thật ra Samuel cũng chỉ là nạn nhân của những tay trùm tổ chức các hệ thống dùng thư rác lừa gạt tiền, chuyên dụ dỗ những thanh niên mới lớn nhưng thất nghiệp để làm việc cho chúng. Trụ sở làm việc của Samuel là quán cafe internet Net Express, một nơi rất yên lặng và cực kỳ an toàn. Hằng ngày người thanh niên này bắt đầu "công việc" từ 22 giờ 30 tối đến 7 giờ sáng. Trung bình anh ta gửi 500 bức thư mỗi ngày và thường nhận được khoảng 7 thư phúc đáp. Samuel tiết lộ: "Nếu nhận được thư trả lời, như vậy 70% là tiền đã nằm trong túi của mình".

Đối tượng ưa thích của các tay tội phạm trên mạng như Samuel là dân Mỹ, những người mà chúng cho rằng giàu có và dễ bị gạt. Chúng thường biện minh cho hành động phạm pháp của mình - được gọi là 419 theo luật chống gian lận của Nigeria - là không có nạn nhân thực sự mà chỉ có maghas, tức những kẻ hám lợi và đây chỉ là một trò chơi không hơn không kém. Ngoài ra, các tên trùm tội phạm thường thuê người Nigeria có học thức sống ở Mỹ để đóng giả nhân viên hay thậm chí... đại sứ Nigeria tại đây. Nếu nạn nhân nghi ngờ sự chính xác của thông tin trong thư, ngay lập tức "đại sứ" hay "nhân viên sứ quán" sẽ xóa sạch mọi nghi ngờ còn lại trong đầu họ bằng cách xác nhận anh A, cô B có thực. Bên cạnh đó, trò chơi cũ rích nhưng vẫn còn tác dụng là nhờ các chiêu nhử mồi cực "thơm" như bạn sẽ trở nên giàu có hoặc gặp được người yêu trong mộng. Theo một kịch bản dạng cổ điển, tội phạm mạng sẽ gửi hình một cô người mẫu xinh như mộng đến một loạt các hộp thư điện tử bất kỳ và mạo nhận đó là mình. Sau đó chúng than rằng từ Mỹ đến Nigeria trong một chuyến công tác nhưng bị móc túi sạch sẽ và bị chủ khách sạn giữ lại vì không có tiền trả tiền phòng, rồi nhẹ nhàng yêu cầu một "hiệp sĩ" (tức nạn nhân vừa bị đưa vào tròng) là mình cần một số tiền để thanh toán tiền khách sạn cũng như vé máy bay để về Mỹ.

Thuỵ Miên
(Theo LATimes)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.