Bứt phá trong tuyển sinh khối nghệ thuật

17/01/2014 02:50 GMT+7

Sau một năm thực hiện tuyển sinh riêng, số lượng thí sinh dự thi vào một số trường ĐH, CĐ khối nghệ thuật tăng cao và các trường này có điều kiện nhận được sinh viên đúng với yêu cầu.

 Bứt phá trong tuyển sinh khối nghệ thuật
Nhờ có thời gian tập trung ôn luyện môn năng khiếu, chất lượng thí sinh thi các ngành nghệ thuật tăng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Số lượng thí sinh tăng vọt

Được chủ động về thời gian, lại chỉ tổ chức thi môn năng khiếu nên ở đợt tuyển sinh năm vừa qua, các trường tuyển sinh riêng có nhiều lợi thế để thu hút thí sinh hơn các năm trước. NSƯT Nguyễn Trung Tín, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Lượng thí sinh tăng vọt so với những năm trước thi chung. Thí sinh có năng khiếu vừa có thể thi 3 đợt chung vừa có thể thi thêm vào trường. Các năm trước, trường chỉ nhận mỗi năm khoảng 500 hồ sơ, năm 2013 nhận được hơn 1.000 hồ sơ”.

Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, cho biết: “Thực ra lâu nay Nhạc viện TP.HCM vẫn thi riêng, chỉ có 3 năm 2010, 2011, 2012 là thi chung môn văn. Nay trở lại thi riêng với hình thức xét tuyển môn văn, thời gian lại không trùng với các đợt thi khác nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều hơn hẳn”.

Được biết, những năm trước Nhạc viện TP.HCM nhận được 500 hồ sơ mỗi năm. Trong năm 2013, trường thu hút hơn 600 thí sinh dự thi. Tương tự, lượng thí sinh thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tăng 75%.

Chất lượng đầu vào tăng lên

PGS-NSƯT Vũ Chí Nguyện, giảng viên Khoa Kèn, gõ Học viện m nhạc quốc gia Việt Nam, nhận định: “Khi tuyển sinh riêng, trường lẫn thí sinh đều có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho các môn năng khiếu. Thí sinh thay vì phải ôn tập một lúc nhiều môn như trước, giờ chỉ còn phải tập trung vào môn năng khiếu. Nhà trường cũng chủ động hơn trong khâu tổ chức thi. Thậm chí thi còn khó hơn những năm trước. Do đó, chất lượng đầu vào rõ ràng tăng lên”.

PGS Nguyện cho biết, tại học viện có một số môn năng khiếu tổ chức thi làm nhiều vòng, như sơ tuyển, trung tuyển và được bố trí làm nhiều đợt. Nhờ thế, thí sinh sẽ không có cảm giác dồn dập, nặng nề, có tinh thần thoải mái để bộc lộ năng khiếu ở mức cao nhất. Đồng thời, việc tuyển chọn các môn này cũng khắt khe hơn, các ngành như lý luận, sáng tác, chỉ huy, thanh nhạc chấm tới 6 đầu điểm.

NSƯT Nguyễn Trung Tín thông tin: “Có 2 điều nhìn thấy rõ nhất là lượng thí sinh và chất lượng đầu vào đều tăng. Năm 2013, điểm chuẩn nhiều ngành vào trường cao hơn năm trước 2 điểm. Ngay cả điểm trúng tuyển bậc CĐ cũng cao hơn điểm trúng tuyển bậc ĐH của năm 2012. Có lẽ do thí sinh không phải thi môn văn nên tập trung thời gian luyện thi môn năng khiếu nhiều hơn”.

Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương cho rằng việc tăng lượng thí sinh dự thi và chỉ tập trung vào thi môn năng khiếu sẽ giúp trường có cơ hội chọn được người tài hơn. “Những năm trước nhiều em đậu thủ khoa là nhờ điểm môn văn cao chứ không phải điểm chuyên môn cao. Năm 2013, các nhạc viện thống nhất với nhau điểm xét tuyển môn văn thấp nhất là 3,5 để tránh tình trạng các em giỏi năng khiếu chỉ vì điểm văn không cao mà bị rớt”, tiến sĩ Hương chia sẻ.

Không thi môn ngữ văn

Từ năm 2013, 10 trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng. Thay cho việc thi môn ngữ văn theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh thi vào ngành văn hóa - nghệ thuật của các trường này chỉ thi môn năng khiếu. Trường tuyển sinh khối C được sử dụng kết quả thi 3 chung để xét tuyển thí sinh. Các ngành tuyển sinh khối H, N, S xét tuyển môn ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.

Mỹ Quyên

>> ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh riêng một số ngành vào năm 2015
>> Nhiều ưu đãi cho sinh viên ngành nghệ thuật truyền thống
>> Tuyển sinh riêng: Không ai dám mạo hiểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.