Vùng Bắc cực nóng bỏng

01/11/2005 23:35 GMT+7

Bắc Băng Dương và những vùng biển lân cận ẩn chứa tiềm năng dầu khí và hải sản vô cùng to lớn. "Cuộc chiến" giữa các quốc gia muốn giành quyền kiểm soát khu vực lạnh giá này gần đây đã trở nên quyết liệt.

Sau 30 năm, Canada đã gửi hai tàu chiến Shawinigan và Glace Bay tới cảng Churchill gần vùng Bắc cực vào tháng 8. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng B.Graham cũng đã tới thị sát khu vực này. Hai động thái trên nằm trong chuỗi những bước đi của Canada nhằm kiểm soát đảo Hans, một đảo đá tí hon không người ở phía bắc đảo Greenland thuộc Đan Mạch.

Vào năm 1973, Canada và Đan Mạch bắt đầu đàm phán phân chia eo biển Nares nằm giữa Greenland và đảo Ellesmere của Canada. Lúc đó, mỏm đá Hans bé xíu không được đưa vào nội dung bàn thảo vì khu vực xung quanh không có nhiều tiềm năng về hải sản và dầu khí. Tuy nhiên, tranh cãi về chủ quyền đối với đảo Hans đã trở nên hết sức nóng bỏng trong thời gian gần đây xuất phát từ triển vọng kiểm soát một phần hải trình Bắc - Tây. Theo các chuyên gia môi trường, hiện tượng ấm lên của trái đất có thể sẽ làm tan băng tại một số khu vực rộng lớn ở Bắc cực; khi đó có khả năng hải trình Bắc - Tây nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương sẽ lần đầu tiên được khai thông. Đến lúc đó, việc kiểm soát đảo Hans cũng có ý nghĩa tương tự việc làm chủ một đầu nút của hải trình đầy tính chiến lược. Gần đây, các quan chức cấp cao của Đan Mạch và Canada đã tiến hành những chuyến thị sát đến khu vực tranh chấp và điều đó khiến cho không khí tại hòn đảo lạnh giá này trở nên nóng bỏng bội phần.

Bất đồng giữa Canada và Đan Mạch là một ví dụ nhỏ trong vô số những tranh chấp chủ quyền ở vùng Bắc cực. Quyền kiểm soát hải trình Bắc - Tây hiện cũng đang là đề tài tranh cãi nóng bỏng giữa Mỹ và Canada. Trong khi Mỹ cho rằng khu vực này thuộc lãnh hải quốc tế thì Canada quyết giành nó về phần mình, còn Đan Mạch cũng không muốn trở thành người ngoài cuộc. Mỹ từng nhiều lần gửi tàu tới khu vực trên để tiếp tục chiến dịch chống lại đòi hỏi của Canada. Ngoài hải trình Bắc - Tây, Mỹ và Canada cũng đang lao vào cuộc tranh cãi về việc phân chia biển Beaufort, nơi có tiềm năng to lớn về dầu khí. Tranh chấp giữa Na Uy và Nga tại vùng biển Barents cũng nóng bỏng không kém. Vào thời Stalin, Liên Xô đã "kẻ" một đường thẳng từ cảng Murmansk lên vùng Bắc cực để khẳng định chủ quyền. Đến nay, khi mà các cuộc thăm dò khám phá ra rằng dưới đáy biển Barents là một vựa dầu vô cùng lớn thì tranh chấp trở nên quyết liệt. Sự kiện Na Uy bắt nhiều tàu đánh cá Nga gần đây thể hiện không khí căng thẳng tại vùng biển này. Ngoài Na Uy, Nga cũng vướng vào cuộc tranh cãi với Mỹ tại biển Bering. Năm 1990, Liên Xô và Mỹ đã ký một thỏa ước về phân chia lãnh hải biển Bering nằm giữa tiểu bang Alaska và vùng Siberia. Tuy nhiên, sau này Quốc hội Nga đã từ chối thông qua vì cho rằng thỏa ước trên đã lấy đi của nước Nga 50.000km2 lãnh hải, tương đương với việc mất trắng 200.000 tấn hải sản/năm cùng nhiều nguồn lợi khác.

Với sự phát triển của công nghệ thăm dò và với hiện tượng tan chảy của băng ở Bắc cực, những giá trị ẩn chứa trong lòng biển đang dần hiện hình. Điều này đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh chấp. Không đến mức có thể thổi bùng ngọn lửa chiến tranh nhưng không khí căng thẳng này sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu những bất đồng không được giải tỏa sớm.

Đỗ Hùng
(BBC, MosNews)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.