Tuyên chiến với lãng phí - Bài 3: Ô tô con "ăn chặn" công quỹ

07/10/2005 23:46 GMT+7

Mua sắm xe công không đúng tiêu chuẩn định mức, thậm chí bằng nguồn vốn ngân sách dự phòng dành cho các khoản chi khẩn cấp, sử dụng xe công đi ăn nhậu, lễ chùa... - những biểu hiện của tình trạng lãng phí nguồn lực công vẫn năm này qua năm khác diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nhưng hiệu quả răn đe dường như vẫn còn hạn chế.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều đơn vị mua xe gấp hơn 2,5 lần định mức

Một trong những tỉnh, thành phố được sử dụng nhiều tiền ngân sách nhất để mua sắm xe công chính là TP Hồ Chí Minh. Mấy năm qua, ở nơi "đầu tàu kinh tế" của cả nước này, tiền ngân sách để sử dụng mua xe công cho nhiều  quận, huyện và các đơn vị trong thành phố đã không theo tiêu chuẩn định mức. Theo một nguồn tin có thẩm quyền thì năm 2003, Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh đã cấp từ nguồn "ngân sách địa phương" cho 78  cơ quan, đơn vị của thành phố sắm 87 xe mới, trong đó có 17 xe 7 chỗ ngồi, 34 xe loại 4 chỗ ngồi và 36 loại khác với tổng giá trị lên tới gần 35,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu chiếu theo định mức về mua sắm xe công theo Quyết định 122/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định mức, tiêu chuẩn mua sắm một số loại tài sản công... có hiệu lực vào thời điểm mua xe thì riêng trong năm 2003, số xe công mua quá định mức (400 triệu đồng/chiếc trở xuống) là 19 chiếc. Chẳng hạn như Nhà Thiếu nhi Thành phố mua 1 xe trị giá 595 triệu đồng; Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế mua 1 xe trị giá 545 triệu đồng; UBND  quận 11 mua 1 xe  vượt định mức 117 triệu đồng...

Sang năm 2004, Kho bạc Nhà nước Thành phố cũng cấp phát từ "ngân sách địa phương" cho 80 đơn vị trên 41,7 tỉ đồng để mua 59 chiếc xe, trong đó có 21 xe 7 chỗ ngồi, 17 xe 4 chỗ ngồi và 21 xe khác. Đáng lưu ý là năm 2004, việc mua sắm xe công vẫn phải thực hiện theo Quyết định 122/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng (tức cấp quận, huyện... chỉ được mua xe không quá 400 triệu đồng/chiếc) song đã có tới 13 chiếc xe được mua vượt định mức. Có những đơn vị mua xe gấp 2,5 lần định mức cho phép như Văn phòng UBND quận Bình Tân mua 2 xe trị giá 1,009 tỉ đồng; Văn phòng UBND huyện Bình Chánh mua 2 xe trị giá 1,07 tỉ đồng. UBND quận I cũng mua 1 xe vượt định mức 132 triệu đồng... Ngày 7.10, khi PV Thanh Niên  hỏi vì sao các cơ quan của thành phố mua vượt định mức mà Kho bạc thành phố vẫn duyệt, cấp phát, một cán bộ của Kho bạc thành phố ngạc nhiên nói rằng: "Kho bạc thành phố không biết kết quả chính xác về việc này. Xin chờ để hỏi lại" (!).

Vĩnh Phúc: Lấy cả tiền ngân sách dự phòng mua xe

Từng có "điều tiếng" về chuyện mua xe công, Vĩnh Phúc năm nay lại đáng được ghi nhận là tỉnh xa xỉ về vấn đề này. Được biết, trong quí I và quí II năm 2005, tỉnh này đã chi hàng tỉ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng để chi cho một số cơ quan trong tỉnh mua xe: Văn phòng UBND tỉnh đã xuất ra 550 triệu đồng để "mua xe ô tô cho Tỉnh đội". Cũng với khoản tiền trên, Văn phòng UBND tỉnh đã cấp cho Sở Bưu chính - Viễn thông của tỉnh mua ô tô. Tòa án tỉnh cũng được chi 450 triệu đồng, Công an tỉnh được chi 550 triệu đồng; Chi cục Định canh - Định cư được chi 472 triệu đồng, huyện Bình Xuyên được cấp 200 triệu đồng... Đó là chưa kể rất nhiều khoản chi khác lẽ ra được ưu tiên chi cho các hoạt động như phòng, chống bão lụt, dịch bệnh, thiên tai mà Luật Ngân sách nhà nước đã quy định thì lại chi cho việc bất hợp lý khác. Cho nên, số dự phòng chỉ còn lại 7,79 tỉ đồng. Không biết, nếu như năm nay, bão, lũ ảnh hưởng trực tiếp đến Vĩnh Phúc thì tỉnh này lấy gì để chi ? Trả lời PV Thanh Niên, ông  Nguyễn Kim Liên, Chánh thanh tra Bộ Tài chính khẳng định: "Việc dùng quỹ dự phòng để chi cho mua sắm xe công là hoàn toàn sai và bị cấm theo Luật Ngân sách nhà nước. Nguồn ngân sách dự phòng phải được dành cho một số khoản chi thường xuyên, nhất là cho phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt và thiên tai, dịch bệnh...".

Ninh Bình: Duyệt chi vượt cả định mức, vượt cả số xe

Còn tại tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh cũng đã duyệt chi mua xe ô tô con sai chế độ tại 2 đơn vị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh được duyệt chi 1 xe con trị giá trên 613,52 triệu đồng, vượt định mức 63,52 triệu đồng (theo định mức quy định là cấp sở chỉ được mua xe không quá 550 triệu đồng). Không chỉ có thế, Sở này được xác định là đã mua vượt định mức về số lượng so với tiêu chuẩn trong quyết định 105/QĐ-TTg năm 2004 của  Thủ tướng là 1 xe. Một điều lạ là Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã được Tổng cục Thuế cấp kinh phí mua 1 xe ô tô nhưng không hiểu sao UBND tỉnh Ninh Bình vẫn duyệt "hỗ trợ" cho Cục này mua 1 xe ô tô con với giá 600 triệu đồng (vượt định mức 50 triệu đồng). May cho Cục Thuế Ninh Bình chưa bị xử lý về việc này do đến nay chưa sử dụng đến số tiền duyệt chi.

Hà Nội: Mua xe công vượt tiền vì giá xe tăng

Tại Hà Nội, trong 2 năm 2003-2004 và các tháng đầu năm 2005, toàn thành phố Hà Nội đã mua 120 xe các loại. Năm 2003, UBND quận Ba Đình mua 1 xe với giá trên 468,3 triệu đồng, vượt so với quy định tại Quyết định số 122/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng khoảng 68,3 triệu đồng. UBND huyện Đông Anh cũng  mua  xe Toyota Camry 2.4 giá trên 560 triệu đồng, vượt định mức 133,47 triệu đồng... Ngoài ra, một số đơn vị khác như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã mua 1 xe với giá gốc đã vượt quy định là gần 141 triệu đồng; giá gốc mua xe của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cũng đã vượt khung 115 triệu đồng;  Sở Thương mại Hà Nội mua 1 chiếc vượt mức gần 141 triệu đồng; UBND quận Hoàn Kiếm mua xe vượt mức cho phép   trên 158,82 triệu đồng... Tổng hợp ở 11 đơn vị mua xe trên, đã có 9  đơn vị mua 10 chiếc xe vượt giá quy định của Chính phủ với số tiền trên 1 tỉ đồng.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 7.10, ông Nguyễn Kim Liên, Chánh thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, mức mua vượt của các đơn vị trên có thể chấp nhận được do vào thời điểm số xe trên được mua (cuối năm 2003 đến giữa năm 2004), giá xe trên thị trường tăng mạnh.

Ông Nguyễn Kim Liên, Chánh thanh tra, Bộ Tài chính:

Nên giảm bớt đối tượng sử dụng xe công

* Thưa ông, vừa qua Thanh tra Tài chính đã  tiến hành một số cuộc thanh tra, kiểm tra việc mua sắm, sử dụng xe công ở một số bộ, ngành, địa phương. Xin ông cho biết qua đợt thanh tra này tình trạng vi phạm các quy định trong việc mua, sử dụng xe công tăng hay giảm?

- Qua 2 đợt thanh tra, nhìn toàn cục thì các bộ, ngành hầu như không có vi phạm nhưng cũng có vài địa phương, việc mua sắm theo định mức, tiêu chuẩn còn có sai. Ngoài nguyên nhân về chủ quan thì thực tế cũng có chuyện là tuy Chính phủ đặt ra quy định về định mức mua xe nhưng vào thời điểm như cuối năm 2003 và đầu năm 2004 thì có việc giá xe tăng cao nên để mua đúng loại xe theo tiêu chuẩn quy định thì giá xe lại cao hơn.

* Nhưng ngay cả vào những thời điểm giá xe trên thị trường không biến động (tăng cao) thì nhiều nơi vẫn mua xe trái quy định?

- Có vấn đề thực tiễn là ở các vùng đồng bằng thì ít vi phạm hơn các tỉnh miền núi. Đơn giản vì ở vùng cao, quan chức, cán bộ  trong tỉnh được mua xe thì lại phải đi nhiều, đường xa và đèo dốc... Nếu sử dụng xe phân khối thấp thì không chịu đựng được và nhanh hỏng cho nên phải mua loại xe có mức tiền cao hơn.

* Nếu thế thì Bộ Tài chính có chuẩn bị kiến nghị sửa đổi gì về chế độ, định mức xe công không, thưa ông?

- Cũng khó lắm, không làm nổi.  Bộ Tài chính cũng vừa trình Chính phủ về một số ý kiến về định mức, tiêu chuẩn xe công nhưng cũng theo hướng là giảm bớt đối tượng được sử dụng xe công. Sắp tới, có thể chỉ có bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, các bộ trưởng được sử dụng xe công riêng còn cấp dưới thì không được sử dụng nhưng thời gian nào thực hiện thì Chính phủ còn đang cân nhắc. Theo tôi, các chức danh còn lại nếu có chế độ xe phục vụ thì nên đưa vào lương hết. Anh nào có điều kiện thì mua xe, không có thì đi xe công cộng. Bây giờ cứ để mỗi bộ một đội lái xe, nhiều lúc đủ nhưng nhiều lúc thừa, gây lãng phí thật. Cá nhân tôi nghĩ là cán bộ nhà nước đi công tác xa thì nên thuê xe đi rẻ hơn là cứ mua sắm xe về. Như hiện nay, nhiều giám đốc công ty tư nhân họ vẫn thuê xe khi nào cần, tiết kiệm nhiều hơn là trả lương cho một lái xe.

*Ông có nhận xét gì về tình trạng lạm dụng xe công vào việc riêng còn nhiều?

- Chính phủ có quy định nhưng nơi này, nơi kia họ làm lén thì là một chuyện khác. Luật thì cấm nhưng nhiều khi ông chủ tịch, bí thư tỉnh này nhìn ông chủ tịch, bí thư tỉnh kia. Chẳng lẽ mình lại kém hơn mấy ông kia... Để xử lý dứt điểm được chuyện này thì phụ thuộc nhiều vào các thủ trưởng đơn vị. Phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu để xử lý.

M.Q

Mạnh Quân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.