Đằng sau việc nợ thuế

19/09/2013 03:00 GMT+7

Doanh nghiệp nợ thuế không phải là vấn đề mới. Nhưng danh sách nợ thuế mà Cục thuế một số tỉnh, thành vừa công bố lại có rất nhiều điều phải suy ngẫm.

Doanh nghiệp nợ thuế không phải là vấn đề mới. Nhưng danh sách nợ thuế mà Cục thuế một số tỉnh, thành vừa công bố lại có rất nhiều điều phải suy ngẫm.

Trong danh sách này, có rất nhiều các tên tuổi lớn như Tập đoàn Vinashin, Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà - Thăng Long, CTCP Viglacera Hà Nội, CTCP Vinaconex 21...

Những thương hiệu này đã có thời được coi là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực mình hoạt động, nhưng khó khăn kéo dài nhiều năm khiến họ phải đứng vào danh sách các công ty nợ, chây ỳ thuế. Việc truy thu thuế như thế nào rồi sẽ có giải pháp với từng doanh nghiệp (DN). Điều cần phải suy ngẫm là các DN lớn, trong đó không ít là DN nhà nước hay tiền thân là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi còn khó như vậy thì các DN tư nhân, DN nhỏ, các cơ sở sản xuất, những hộ nuôi trồng còn khó khăn đến mức nào? Vậy những báo cáo về tình trạng kinh tế khả quan hơn trong những tháng qua liệu có chính xác? Các chính sách hỗ trợ đã đủ liều lượng, có tới được tay người thụ hưởng hay không? Xin dẫn một con số liệu để thấy, có rất nhiều vướng mắc thực chất vẫn chỉ gỡ trên giấy. Ví dụ như lãi suất (LS). Chúng ta liên tục công bố LS giảm; ngân hàng này tung gói ưu đãi, ngân hàng kia triển khai chương trình cho vay thấp... nhưng thực tế khác hẳn. Nhiều DN phản ánh vẫn phải vay vốn với LS trung bình từ 12 - 15%. Số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, vẫn còn 450.000 tỉ đồng dư nợ với LS trên 13%, cho vay LS trên 15% cũng còn tới 8,26%. Mức lãi vay này và bối cảnh khó khăn hiện nay, thử hỏi DN nào dám vay vốn để làm ăn? Lãi vay cao là vấn đề tồn tại nhiều năm, từ khi lạm phát 2 con số cho tới khi lạm phát được kéo xuống 1 con số nhưng việc này vẫn không thể giải quyết thấu đáo, chưa nói đến giải quyết theo hướng hỗ trợ DN. 

Nợ thuế vì khó khăn thì cần và nên có giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn, danh sách các DN đã công bố phần lớn là nợ đọng kéo dài, chây ì, thậm chí có khả năng nhưng cố tình không nộp. Tâm lý "ăn theo" khó khăn chung để nợ thuế là điều có thật. Nhưng DN nào có khả năng trả mà lại chây ì với cơ quan thuế lại là vấn đề cần làm rõ.

Tình trạng nợ thuế diễn ra trên diện rộng cho thấy, DN đang gặp nhiều khó khăn và bế tắc. Hầu hết các nút thắt như sức mua yếu, tồn kho tăng, LS cao, giá đầu vào (xăng, điện, nguyên liệu tăng)... đều chưa được giải quyết trong khi các giải pháp hỗ trợ lại quá khiêm tốn. Vì vậy, chính sách thuế linh hoạt, mềm dẻo để khoan sức dân, khoan sức DN là điều quan trọng nhất hiện nay. Bên cạnh đó, phải tiếp tục những giải pháp mạnh, đồng bộ để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Đó là cách tốt nhất để có nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.