Ung thư, căn bệnh giết người hàng đầu: Khả năng chữa trị ung thư trong nước

14/10/2008 22:24 GMT+7

Trước tình trạng ung thư gia tăng, trở thành một trong những căn bệnh giết người hàng đầu, câu hỏi khả năng tầm soát, chữa trị bệnh ung thư trong nước đến đâu đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.

Trước tiên, phải khẳng định dù y học thế giới và trong nước luôn có những tiến bộ, nhiều phương pháp chữa bệnh mới ra đời, nhưng đến nay ung thư ngày càng là căn bệnh đáng sợ nhất với con người.

Quan trọng là phát hiện sớm

Ung thư cũng như nhiều căn bệnh khác, muốn điều trị được trước tiên phải chẩn đoán chính xác và sớm. Về khả năng chẩn đoán, bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa (Medic), TP.HCM cho rằng: "Trước đây, do thiếu nhiều phương tiện, nên khả năng phát hiện sớm bệnh ung thư trong nước còn nhiều hạn chế. Nhưng nay, trong nước đã có nhiều phương tiện, máy móc phát hiện, chẩn đoán ở giai đoạn tiền lâm sàng nhiều loại ung thư, như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư ngoài da, ung thư máu, não... Vấn đề là mọi người cần quan tâm đi khám, tầm soát ung thư để phát hiện sớm vì để đến khi có triệu chứng thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn".

"Các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng, ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa. 1/3 bệnh ung thư có thể phòng ngừa; 1/3 có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp; 1/3 bệnh nhân ung thư còn lại được kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ sự can thiệp của các biện pháp giảm nhẹ" - TS-BS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội)

Về khả năng chữa trị ung thư, theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, khẳng định: "Nhiều loại bệnh ung thư, hiện trong nước khả năng các bác sĩ chữa trị khá tốt. Cụ thể, ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn I (khối u khoảng 1 cm, hay nhỏ hơn) thì kết quả điều trị sẽ đạt từ 80 -90%; việc phẫu thuật bảo tồn, hay tái tạo lại tuyến vú hiện nay Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM cũng đã làm được. Ung thư cổ tử cung, nếu bệnh ở giai đoạn I cũng cho kết quả điều trị đạt 80 - 90%, chưa kể ung thư cổ tử cung có thể phát hiện ở giai đoạn chưa có biểu hiện lâm sàng và điều trị ngay thì có thể bệnh sẽ dứt điểm. Ung thư đường ruột, đại tràng, trực tràng (căn bệnh ung thư đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ) nếu phát hiện, chữa trị từ giai đoạn I, II cũng cho kết quả đạt khoảng 80%. Ung thư tuyến giáp trạng (thường gặp ở nữ), phát hiện, chữa trị sớm kết quả đạt từ 90-95%. Với ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, nếu phát hiện sớm, khả năng chữa trị đạt kết quả cũng rất cao...". Còn theo Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, hầu hết các loại thuốc chữa ung thư tiên tiến trên thế giới Việt Nam đều đã có. "Nhưng tùy từng trường hợp bệnh mà cả bác sĩ và người bệnh cần cân nhắc sử dụng" - bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Cơ sở vật chất phục vụ điều trị

Nói như trên có nghĩa khả năng tầm soát, chữa trị ung thư ở Việt Nam đã ngang bằng các nước tiên tiến? Bác sĩ Phan Thanh Hải nhìn nhận: "Về khả năng phát hiện và chữa trị ung thư của mình cũng còn những hạn chế nhất định so với một số nước. Cụ thể, mức đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện chẩn đoán, chữa trị ung thư không đầy đủ, đồng bộ, một số bệnh viện chuyên chữa trị ung thư nhưng cũng còn thiếu một số máy móc cần thiết. Có nơi chỉ chuyên mổ xẻ, "cắt" khối ung thư rồi "thảy" bệnh nhân ra đó, không quan tâm nhiều đến khâu chăm sóc hậu phẫu; các cơ sở chữa trị ung thư còn thua người ta về tâm lý trị liệu - là khả năng giúp giảm bớt cơn đau hành hạ ở người bệnh ung thư... Bên cạnh đó, hiện mình còn thua người ta ở phương tiện chẩn đoán PET CT. Đây là máy có chức năng chỉ điểm vị trí ung thư nằm ở đâu; trong nước cũng chưa phát triển xét nghiệm gien để tìm mầm mống ung thư còn nằm trong tế bào; ở phương diện chữa trị trong nước cũng chưa phát triển phương pháp đốt khối ung thư bằng sóng cao tần...".

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cũng thừa nhận có những ung thư rất khó phát hiện sớm, vì thế khả năng chữa trị bị hạn chế, như: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày. "Với ung thư phổi, rất ít khi phát hiện được sớm, do bệnh ít có triệu chứng, dễ lầm với các bệnh khác; ung thư gan cũng khó phát hiện ở giai đoạn sớm, một số trường hợp khi phát hiện không còn chữa trị được nữa. Ung thư dạ dày cũng rất khó phát hiện bởi triệu chứng mập mờ, dễ nhầm lẫn với bệnh lý ở đường tiêu hóa. Vì thế, khi phát hiện thường bệnh đã trễ, khả năng chữa trị là rất khó...".

Có một thực tế hiện nay là khá nhiều người có điều kiện về kinh tế, chẳng may mắc bệnh ung thư thường tìm cách ra nước ngoài chữa trị. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong chuyến khảo sát mới đây tại 8 bệnh viện Singapore (nơi có rất nhiều người Việt Nam sang chữa bệnh ung thư), ngoài một số phương tiện kỹ thuật điều trị tiên tiến, điểm thu hút các bệnh nhân từ Việt Nam qua chữa ung thư còn là cơ sở vật chất, nơi chữa trị được thiết kế tạo sự thoải mái cho người bệnh; liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân ung thư giảm bớt cơn đau... là những điều mà bệnh viện trong nước hiện nay chưa đáp ứng được.

Những bệnh viện trong nước có khả năng điều trị ung thư hiện nay: Bệnh viện Ung bướu (điều trị nhiều loại ung thư), Bệnh viện Chợ Rẫy (chữa một số bệnh ung thư, có ung thư não), Bệnh viện Bình Dân (điều trị ung thư tuyến tiền liệt, đường tiêu hóa...), Bệnh viện Đại học Y-Dược (điều trị ung thư dạ dày, gan...), Bệnh viện Truyền máu - huyết học (chữa các bệnh ung thư về máu), Bệnh viện Vũ Anh, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện FV,  Bệnh viện An Sinh... (TP.HCM); Bệnh viện K T.Ư, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt - Đức... (Hà Nội); Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng); Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên (Thái Nguyên); Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế (Thừa Thiên-Huế); Bệnh viện Khánh Hòa (Khánh Hòa); Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (TP Cần Thơ)...

T.T - L.C

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.