Tiếp cận khách hàng bằng siêu thị

01/11/2009 00:39 GMT+7

Tại các thành phố lớn, con đường dễ dàng trong việc tiếp cận với người tiêu dùng nhất đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất là đưa hàng vào siêu thị. Thế nhưng làm thế nào để đưa được hàng vào siêu thị là một vấn đề không dễ.

Khoảng gần chục năm trước, hàng nước mắm, nước tương của Công ty Trung Thành trầy trật lắm mới tìm được chỗ đứng trên kệ hàng các siêu thị. Giờ đây, chuyện đã khác khi nhiều siêu thị mới mở chủ động tìm đến đề nghị công ty đưa hàng vào bán. Con đường đưa hàng vào đến quầy kệ của siêu thị không hề đơn giản, chị Vương Cẩm Vân, trợ lý Tổng giám đốc Công ty Trung Thành kể: “Một DN muốn đưa hàng vào siêu thị thì điều kiện đầu tiên là phải chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo. Sau đó phải có vốn, có thương hiệu thì mới mong duy trì được vị trí ở kệ. Nhiều siêu thị có đánh giá chỉ số phát triển như doanh số, lợi nhuận trên kệ hàng; nếu sản phẩm nào không đáp ứng được chỉ số này, hàng sẽ không tiếp tục được nhận bán”.

Theo bà Vân, tốt nhất DN cần có thời gian chuẩn bị tiềm lực tài chính, làm thương hiệu trước. Khi đã bắt đầu có uy tín, có một lượng khách nhất định, mới nên đưa hàng vào siêu thị bởi với những sản phẩm mới, lượng hàng bán ít nên một số siêu thị áp dụng phương thức thanh toán gối đầu, có khi chỉ trả 20% giá trị tiền hàng còn lại sẽ trả dần khi cung cấp hàng mới. Do đó, nếu không dày vốn, DN khó lòng bám trụ.

Theo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, trong hệ thống siêu thị của Hà Nội, hàng Việt Nam chiếm khoảng 85%, ở các siêu thị cao cấp, tỷ lệ này thấp hơn một chút, từ 70-75%.
Nếu đưa hàng vào siêu thị thành công, DN không chỉ bán được hàng mà còn vì đạt được mục đích quảng bá sản phẩm. Bởi lẽ, để hàng vào được siêu thị, tức là đã qua được các bước kiểm tra từ thực nghiệm đến hồ sơ giấy tờ, và đã “góp mặt anh hào” cùng các sản phẩm trung, cao cấp.

Chị Nguyễn Thanh Huyền ở số nhà 2A, ngách 48 ngõ 100 Tây Sơn, Hà Nội chọn hàng tại siêu thị Thái Hà cho biết: “Khi mua thực phẩm ở siêu thị, tôi cũng tin tưởng hơn vì đây là sản phẩm đã được kiểm định, có chất lượng đảm bảo”.

Ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng phòng Phát triển nội địa, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) giải thích: “Điều quan trọng nhất là chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm và thứ hai là giá cả phải cạnh tranh. Chúng tôi có nhiều hình thức hợp tác với nhà cung cấp để có phương án thanh toán linh hoạt. Ví dụ mua đứt bán đoạn, nhận làm đại lý gửi bán hay cùng hợp tác kinh doanh... Khi DN có sản phẩm tốt, đã có đủ hồ sơ chứng nhận chất lượng, có giá cạnh tranh nên gặp trực tiếp chúng tôi để cùng bàn phương án hợp tác, chúng tôi luôn chào đón các nhà sản xuất. Họ có thể gửi e-mail cho chúng tôi theo địa chỉ pttt@haprogroup.vn. Về điểm yếu, tôi thấy một số DN Việt Nam cung cấp hàng với chất lượng không ổn định, mẫu mã chậm cải tiến, khó cạnh tranh được với hàng ngoại".

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Trở ngại lớn đối với DN khi đưa sản phẩm vào bán tại các hệ thống siêu thị đó là các loại giấy chứng nhận, hóa đơn chứng từ... Những DN nào muốn đưa hàng vào siêu thị cần làm bài bản ngay từ đầu, có chiến lược dài hơi. Họ cần đầu tư cho hệ thống bao bì bắt mắt, điều kiện bảo quản tốt, có mã vạch hàng hóa theo quy định để thuận lợi cho việc bán hàng trong siêu thị. Một số DN bán hàng vào siêu thị nhưng chưa trọng chữ tín, bình thường thì cung cấp hàng vào siêu thị, khi cháy hàng thì lại bán ra ngoài để lấy giá cao hơn. Người sản xuất và nhà phân phối phải cùng chia sẻ lợi ích, chia sẻ khó khăn thì mới bắt tay lâu dài được”.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.