Cuộc đua vào ghế đệ nhất phu nhân nước Mỹ

22/02/2004 21:14 GMT+7

Trong khi các ứng viên của đảng Dân chủ ra sức vận động để được chọn là nhân vật đại diện ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm, một cuộc đua khác giữa các bà vợ của họ cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Những người đàn bà này đang muốn chứng tỏ mình là người thích hợp nhất cho vai trò tổng thống phu nhân. Và người phụ nữ được đánh giá cao chính là vợ của ứng viên đang đứng đầu bảng: bà Heinz Kerry, phu nhân của thượng nghị sĩ John Kerry.

Làm sao để ra dáng đệ nhất phu nhân ?

"Không có một khuôn mẫu nào cho đệ nhất phu nhân cả, đó là một vị trí mà bất cứ ai cũng có thể thích hợp. Kể từ thời Tổng thống Roosevelt đến nay, chúng ta đã có vị đệ nhất phu nhân năng nổ nhất: Hillary Clinton và bây giờ chúng ta có Laura Bush, người ít hoạt động trước công chúng nhất", chuyên gia từng viết sách về chủ đề đệ nhất phu nhân nước Mỹ - M.Gutin phát biểu. Tuy nhiên, trong tâm trí của người dân Mỹ vẫn tồn tại hình ảnh truyền thống về một đệ nhất phu nhân luôn xuất hiện bên cạnh tổng thống trong các hoạt động trước công chúng, thường xuyên tham gia công việc từ thiện, tích cực quảng bá bảo vệ môi trường, đề cao quyền lợi trẻ em hay vai trò của phụ nữ... Thông thường, khi theo chồng về Nhà Trắng, các đệ nhất phu nhân thường từ bỏ công việc riêng của mình mà dành thời gian cho các hoạt động "đánh bóng tên tuổi của chồng" như trên.

Hơn lúc nào hết, trong thời gian tranh cử, các ứng viên đệ nhất phu nhân tranh thủ tối đa thời gian ở bên chồng, thể hiện cho công chúng thấy ứng viên của họ có một sự hậu thuẫn chắc chắn từ bên trong "hậu trường". Nhưng cũng có những trường hợp cá biệt, trong đó có bác sĩ J.Steinberg - vợ của ông H.Dean, từng là một trong những ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ trước khi tuyên bố rút lui hôm 18/2. Ngay từ đầu chiến dịch, bà đã quyết định tiếp tục làm việc bình thường mà không tham gia chiến dịch tranh cử với chồng. Một số nhà bình luận cho rằng bà là hình ảnh một người phụ nữ độc lập của thời hiện đại, nhưng phần lớn đồng ý sự vắng mặt của bà đã gây trở ngại cho ông Dean. Chắc chắn nhiều người sẽ không thích thú ý tưởng ứng viên của họ kêu gào sự ủng hộ trong khi vợ ông ta lại dành thời gian cho chuyện khác.

Đệ nhất phu nhân tiềm năng lý tưởng

Hãng AFP nhận xét rằng với sự giàu có, duyên dáng và thẳng thắn, bà Heinz Kerry chính là ứng viên lý tưởng cho vị trí đệ nhất phu nhân. Trái ngược với Steinberg, bà luôn đứng đằng sau vỗ tay mỗi khi đức lang quân John Kerry phát biểu, vui mừng trong vòng tay của Kerry mỗi khi ông chiến thắng, thậm chí dành nhiều thời gian cho các chuyến vận động solo cho chồng, thẳng thừng chỉ trích ông Bush và không ngần ngại trả lời phỏng vấn từ đề tài giáo dục, thuế khóa cho đến y tế. "Tổng thống (Bush) cùng với chính sách kinh tế của ông ấy làm cho tôi rất tức giận. Chúng rất bất công. Đó không phải là cách của người Mỹ. Người Mỹ không bất công như thế", bà mạnh miệng chỉ trích ông Bush. Cách "nói toạc móng heo" của bà Kerry cũng gây thích thú cho các nhà bình luận nhưng không ít lần làm các quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Kerry phải "thót tim". Bà từng chẳng ngần ngại nói rằng mình sử dụng thuốc xóa nếp nhăn (bà lớn hơn chồng 5 tuổi) rằng bà sẵn sàng... "hoạn" bất kỳ ông chồng nào có thói trăng hoa.

Heinz Kerry là người gốc Bồ Đào Nha, sinh ra ở Mozambique và lớn lên ở Nam Phi. Bà thành thạo 5 thứ tiếng và từng làm việc cho LHQ. Chồng trước của bà cũng là thượng nghị sĩ nhưng thuộc đảng Cộng hòa đối lập, ông John Heinz. Sau khi Heinz qua đời vào năm 1991 vì tai nạn máy bay, bà được thừa kế gia sản đồ sộ của tập đoàn thực phẩm nhà chồng (tài sản bà sở hữu hiện ở mức khoảng 500 triệu USD). Dù có vợ giàu như thế nhưng ông Kerry đã phải đem thế chấp 1/2 căn nhà đang sinh sống mà ông có quyền sở hữu để vay tiền cho chiến dịch tranh cử, còn vợ ông chỉ đóng góp 2.000 USD như tất cả những người khác trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Chính Tổng thống Bush "cha" là "ông mai bất đắc dĩ" cho mối tình Kerry - Heinz khi cử bà đi dự Hội nghị thượng đỉnh trái đất năm 1992 ở Rio de Janeiro (Brazil) - nơi lần đầu tiên hai người gặp nhau rồi lấy nhau 3 năm sau đó (bản thân bà Kerry từng thuộc đảng Cộng hòa, bỏ phiếu cho Bush "cha" và chỉ mới chuyển sang đảng Dân chủ trong thời gian gần đây). Bà cho biết trong trường hợp ông Kerry thắng cử, bà sẽ vẫn tiếp tục làm công việc hiện nay trong tổ chức từ thiện của người chồng quá cố. Còn khi được hỏi sẽ theo mô hình đệ nhất phu nhân nào, bà Kerry gay gắt: "Tôi sẽ vẫn là tôi".

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.