Cần chi trả BHYT cho điều trị hiếm muộn và tật khúc xạ ở trẻ

19/09/2013 21:05 GMT+7

(TNO) Hiện có khoảng 7% các cặp vợ chồng bị trục trặc đường sinh đẻ, nhiều trẻ em mắc tật khúc xạ…, nhưng các đối tượng này lâu nay không được chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

(TNO) Hiện có khoảng 7% các cặp vợ chồng bị trục trặc đường sinh đẻ, nhiều trẻ em mắc tật khúc xạ…, nhưng các đối tượng này lâu nay không được chi trả khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (BHYT).


Luật BHYT cần chỉnh sửa, bổ sung để bám sát thực tiễn - Ảnh: Thanh Tùng

Chiều nay 19.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi lắng nghe những ý kiến đóng góp cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT.

Một số ý kiến mới ở lần góp ý này đó là BHYT cần chi trả cho các trường hợp điều trị hiếm muộn vô sinh; tật khúc xạ ở trẻ em…

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho rằng cần bổ sung vào luật BHYT là BHYT chi trả cho nhóm bệnh nhân điều trị hiếm muộn, vô sinh.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, nhóm bệnh nhân hiếm muộn, vô sinh chiếm 7% dân số, trong khi việc điều trị rất tốn kém. Bác sĩ Diễm Tuyết cũng góp ý, BHYT cần chi trả cho việc điều trị tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị… - PV) cho trẻ em.

Đồng quan điểm, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cũng cho rằng cần đưa vào luật BHYT chi trả cho trẻ em chữa tật khúc xạ, vì hiện nay tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ rất nhiều.


Các bệnh viện, cơ quan BHYT cần nỗ lực hơn nữa để ngày càng nhiều người dân tham gia BHYT - Ảnh: Thanh Tùng

PGS-TS Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, góp ý: "Luật BHYT cần sửa đổi, bổ sung BHYT chi trả trọn vẹn cho các bệnh nhân phẫu thuật đặt Stent chữa trị bệnh tim mạch. Vì lâu nay với các bệnh nhân trong cùng một lần phẫu thuật mà cần phải đặt 2-3 nhánh Stent thì họ chỉ được BHYT chi trả 1 nhánh Stent mà thôi".

Theo ông Khôi, giá thành của mỗi Stent rất đắt (vài chục triệu mỗi nhánh Stent - PV), điều đó gây thiệt thòi cho người bệnh.

TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng bất cập khác trong chi trả BHYT cần sửa đổi, đó là “Bệnh viện phẫu thuật thay 2 khớp háng cho bệnh nhân, nhưng BHYT chỉ thanh toán công cho bệnh viện một lần thay”.

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Phó hiệu trưởng Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, góp ý: “Cần đưa vào luật cấm việc phân biệt đối xử với bệnh nhân BHYT, vì đây là thực tế vẫn còn diễn ra, gây bức xúc cho bệnh nhân”.

PGS-TS Ngô Minh Xuân cho rằng làm sao để người dân tự giác tham gia BHYT và họ vui vẻ khi tham gia, đó mới là điều cần thiết.
 
Ông Huỳnh Thanh Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhận định lần đóng góp ý kiến này, các đại biểu, đại diện các bệnh viện đã góp ý rất sát với thực tiễn.

“Đây là luật quan trọng, liên quan đến người bệnh, chính sách an sinh xã hội. Hy vọng, những đóng góp ý kiến lần này sẽ giúp luật BHYT áp dụng được dài lâu, đi sát với cuộc sống, giúp ngày càng có nhiều người dân tham gia BHYT...”, ông Huỳnh Thanh Lập nói.

Thanh Tùng

>> Cấp trùng hơn 12.600 thẻ bảo hiểm y tế
>> Thiếu thẻ học sinh, không được khám bảo hiểm y tế
>> Phiền hà thanh toán bảo hiểm y tế
>> Sẽ quy định trần mức chi bảo hiểm y tế
>> Phải tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.