Làng "nói trẹp"

16/10/2008 23:32 GMT+7

Một người đàn ông vẻ hậm hực bước lên xe nhưng không nén được cười bèn mở cửa bước xuống hỏi người đối thoại: "Chú là người Quảng Cư à?". Người Quảng Cư nổi danh rứa đó!

Nói dọc, nói ngang

Nói không ngoa chứ ở Quảng Bình không ai là không biết làng Quảng Cư, bây giờ làng đã "lên" thị trấn. Đến huyện Lệ Thủy, đứng trên cầu Kiến Giang nhìn về hướng tây bắc, làng hiện ra với những mái ngói đỏ tươi, những ngôi nhà cao tầng. Xét về địa thế, Quảng Cư nằm ở vị trí rất đẹp bởi một mặt giáp dòng sông Kiến Giang, bên kia sông là chợ lớn nhất huyện, một mặt là cánh đồng "thẳng cánh cò bay". Xưa nay người làng làm nghề mộc nổi tiếng. Nhưng cái tài nói gây cười mà người làng vẫn gọi là "nói trẹp" mới làm cho Quảng Cư nổi như cồn!

Trước khi về làng, tôi tìm gặp ông Nguyễn Khắc Thái, ông cũng là người Quảng Cư, hiện sống ở TP Đồng Hới. Ông giỏi về lịch sử, văn hóa. Đã nghỉ hưu nhưng vẫn được mời đi giảng dạy cao học tại các trường đại học lớn. Theo ông, cái cách nói trào phúng của người Quảng Cư hoàn toàn khác những nơi khác ở chỗ nó không hẳn là nói khoác, nói trạng mà chỉ là những câu nói, cách ứng xử gây cười cho người nghe; nó không theo một khuôn mẫu nào, một câu chuyện nhất định nào mà là lối ứng khẩu trong từng tình huống khác nhau. Khởi thủy của nó là từ nghề mộc với đặc trưng làm tập thể, theo đoàn hội nên các tay thợ nghĩ ra những câu chuyện, lối đối đáp dí dỏm để vơi đi sự mệt nhọc hay đỡ buồn chán lúc nghỉ ngơi. Người ta gọi lối nói này là "nói trẹp".

Nhiều năm trôi qua mà ai cũng còn nhớ chuyện ông Hòe khi ông cùng với đoàn thợ lên làm nhà cho một người đàn bà có chồng đi vắng, ở với con gái. Suốt 3 ngày cưa cưa đục đục, mọi người trong đoàn cười nói rôm rả, duy chỉ ông Hòe chẳng nói chẳng rằng. Thấy lạ, bà chủ nhà nói với ông: "Anh ni bị răng rứa hè? Răng không nói chi hết rứa? Mạ con tui có chuyện chi thì anh cũng nói cho tiếng để biết mà sửa chơ". Nói mãi ông cũng cứ lắc đầu. Cuối cùng ông mới nói: "Cái miệng tui nói xấu lắm, nói ra luôn bị người ta chửi thôi", "thì anh cứ nói ra đi", "bà bắt tui nói đó nghe, rứa thì tui nói cho tui rờ ngực bà tí". Ông Hòe vừa dứt lời, cả đám thợ ôm bụng mà cười, cười chảy nước mắt. Một ý định chọc cười mà phải mất đến 3 ngày nhịn nói thì quả đúng là kỳ công!

Hỏi tìm một người nói "trẹp" siêu nhất ở Quảng Cư thì người này chỉ người kia, không ai chịu "thết đãi" khách lạ. Tôi đành quay lên chợ chiều ở làng ngồi uống nước. Chợ đông khách, người vào ra tấp nập, bán mua đủ thứ, rau quả bày la liệt. Uống chừng nửa ly nước thì tôi nghe bà bán chuối hỏi một thằng bé đi học về: "Cu, rứa hôm qua ba cháu đau nặng nhẹ mà đi bệnh viện rứa?". Thằng bé mang cái cặp to tướng trả lời nhanh: "Dạ, ba cháu đau quá đưa lên viện liền nên không kịp cân nên không biết nặng hay nhẹ bác à", "cái thằng quỷ sứ" - bà bán hàng chỉ biết "nạt yêu" đứa trẻ. Còn mọi người xung quanh thì tán thưởng: "Thằng ni nhỏ mà khá, không khéo hắn nói trẹp hơn ba hắn đó".

Trời về chiều, nghe người ta kháo rằng ông Vận "nói được mà làm được lắm" nên tôi quyết tâm đi tìm. Vào đến ngôi nhà nhỏ, thấy một ông già ngồi trước thềm, tôi cất tiếng hỏi: "Dạ thưa đây có phải nhà bác Vận không?", ông già bảo không phải, "dạ thế bác Vận ở đâu ạ", "tui là Vận đây" - ông nói. Thì ra ông đang ngồi chơi ở nhà con trai, còn nhà ông ở phía sau. Ông kể: "Hồi lễ đua thuyền mừng Tết Độc lập mồng 2 tháng 9, làng tui đóng một chiếc thuyền to lắm, thuyền hơi nặng, hạ thuyền hơi chậm nên ai cũng hỏi răng mà hạ chậm rứa. Ôi dào, chúng tôi phải ghìm thuyền lại chứ thả ra là hắn tuột thẳng sang tận chợ Tréo ấy chớ, lại mất công lôi về". Ông kể tiếp: "Lần đó, cả đoàn ra thăm đồng, lúc về trụ sở hợp tác tui mới nói đoàn bị lạc mất 4 người, ai nấy hoảng hốt hỏi ai lạc, lạc ở mô? Lạc ở ngoài đồng chơ lạc mô! Mấy cán bộ về kiểm tra ngẩn tò te, nghĩ đồng ruộng thì làm sao mà lạc được. Thì lúa tốt quá che mất đường đi nên lạc thôi!".

Ông nhớ, đợt lụt trước mấy người trên Mai Thủy về hỏi: "Năm ni lụt sâu không bác? Nghe rứa tui nói: sâu hay cạn thì hỏi bà chứ tui thì cắm lút sào rồi đó". Ông Vận đã ở tuổi thất thập cổ lai hi.

Chọc không tức

Có nhiều câu chuyện người Quảng Cư nghĩ ra như là để gây sự với người khác, thế nhưng nghe xong, người bị chọc không tức tối mới là... chuyện bình thường. Ví như chuyện một đám thợ mộc hỏi: "Chú đi mô mà lật đà lật đật rứa?", "tui đi tìm thuốc cho vợ", "vợ đau chi, vô đây tui bày cách chữa cho". Sau khi sốt sắng chỉ bày cẩn thận cách sắc, uống từng loại thuốc, trong đó nhất định phải có đọt tre ngà, đám thợ bảo người đó về đi, cứ thế, cứ thế mà làm. Lâu sau, người này quay lại thắc mắc: "Tui mần như rứa mà răng vợ tui không khỏi?" thì đám thợ thủng thẳng: "Cao như đọt tre ngà mà không khỏi thì bọn tui đây cũng chịu".

Có lần nước lũ vừa rút, một người đi đường hỏi chị Hà: "Đường đi được không chị?", chị trả lời: "Nhiều chỗ đi được", nghe thế người ấy liền phóng xe đi. Nhưng lát sau đã thấy quay lại, cả người và xe đều ướt. Gặp chị Hà đang đứng bên đường bèn vặn: "Răng chị nói với tui là đi được", "thì tui nói chưa xong câu, còn mấy chỗ không đi được mà anh đã đi rồi chơ".

Có một người mà vừa nhìn thấy tôi đã tức cười trong bụng và chỉ muốn cười với anh đó là Nguyễn Hiệu, hiện đang làm việc tại Hạt kiểm lâm huyện. Ngồi với tôi, trên khuôn mặt anh lúc nào cũng thường trực nụ cười. Khi anh vào thăm địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), người ta đưa cho anh cuốn sổ để ghi cảm tưởng thì anh bảo: "Tui không ghi mô, tui mà ghi vào là hư mất cuốn sổ đó". Ai đều ngạc nhiên, ghi cảm tưởng bằng bút thì hư sao được. Ép quá anh mới nói: "Tui sẽ ghi 2 chữ "nhút nhát" thì không hư sổ là gì. Vì ở quê tôi, thấy máy bay là xông lên bắn còn ở đây các anh đào địa đạo trốn nên tôi muốn ghi như thế". Nghe xong mọi người trong đoàn cười trừ chứ chẳng ai tức giận. Lần khác, cả mấy anh em trong trạm đi rừng tuần tra, đêm khuya giăng võng ngủ giữa rừng ai cũng nói chuyện rồi cười vang. Riêng anh Hiệu vẫn nằm im, chừng khuya quá anh mới đố: "Hai cây mà mọc một quả, ai nấy đều chê là cây gì?". Tất cả im ắng suy nghĩ mãi vẫn không ra rồi ngủ thiếp đi. "Đến khoảng 2 giờ sáng, mấy đứa đập mình dậy hỏi: "Anh nói cây gì", mình trả lời: "Cả mấy thằng đông rứa không biết được thì anh biết sao được". Thế là đành ngậm... tức mà ngủ tiếp.

Cả ngày không nghe hết chuyện, không kể hết chuyện ở làng Quảng Cư. Ai muốn cười vui, đến Lệ Thủy, qua cầu Kiến Giang, rẽ phải là gặp người làng...

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.