Giãn lộ trình tăng vốn ngân hàng thêm 1 năm

14/12/2010 17:29 GMT+7

(TNO) Chiều nay (14.12), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thông báo việc Chính phủ (CP) đã đồng ý gia hạn thêm 1 năm đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) chưa tăng đủ vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng.

Không đủ tiền để tăng

Theo lộ trình tăng vốn tại Nghị định 41 của CP, các NHTM phải thực hiện tăng vốn điều lệ qua hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ 1.000 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng, kết thúc vào tháng 12.2009 và từ 2.000 tỉ lên 3.000 tỉ đồng vào hết tháng 12.2010. Sau khi lộ trình tăng vốn giai đoạn 1 bị chậm và kéo dài đến hết quí 1 năm 2010, giai đoạn 2 của lộ trình này dự kiến kết thúc vào cuối năm nay, tiếp tục được kéo dài tới hết tháng 12.2011.

Theo ông Dương Quốc Anh - Chánh thanh tra giám sát NHNN, mục tiêu tăng vốn sẽ vẫn được thực hiện theo đúng quyết định của Thủ tướng tại Nghị định số 41, đảm bảo các NHTM đủ năng lực tài chính để hoạt động an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, do có ba khó khăn ở thời điểm hiện tại nên CP đã đồng ý sửa đổi Nghị định số 41, trong đó tiếp tục gia hạn thời gian cho các NHTM chưa tăng đủ vốn.

Ông Anh cho biết, do nhận thấy thị trường chứng khoán trong năm 2010 hoạt động khá ảm đạm, trong khi nhiều ngân hàng cùng tăng vốn một lúc, làm cho cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước, việc bán cổ phần để tăng vốn của các NHTM gặp nhiều trở ngại.

 Ngân hàng có thể lợi dụng “sân sau” của mình để bắt tay với ngân hàng khác cùng tăng vốn. Cụ thể, nếu hai ngân hàng cùng có 2 tập đoàn, hoặc tổng công ty đứng đằng sau có thể mua cổ phần chéo của nhau để lách qui định về việc hạn chế tỷ lệ góp vốn của công ty có liên quan tới ngân hàng mẹ. Điều nay hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng ngân hàng biến tiền gửi của khách hàng thành vốn góp, gây ra rủi ro vô cùng nguy hiểm cho hệ thống

TS Lê Xuân Nghĩa

Cùng với đó, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng đầu tư ra các quốc gia khác. Vì thế hầu hết các nguồn tăng vốn điều lệ chủ yếu của tổ chức tài chính như: phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu ra công chúng, hay cho các nhà đầu tư nước ngoài đều không thuận lợi.

Ngoài ra, do trong năm qua CP đã có chỉ đạo hạn chế các tập đoàn, tổng công ty góp vốn ra ngoài lĩnh vực chính và yêu cầu các doanh nghiệp này thoái vốn tại các tổ chức tài chính để tập trung vào hoạt động kinh doanh chủ yếu của DNNN khi thực hiện tăng vốn điều lệ.

Nên phân khúc thay vì ép tăng vốn

Việc ra thêm thời hạn cho các ngân hàng thời điểm hiện nay nhận được nhiều sự ủng hộ và đồng tình của các chuyên gia, cũng như lãnh đạo của các NHTM.

Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng NHNN nên tính tới việc trình CP sửa đổi qui định tại nghị định 41 cho phù hợp hơn với năng lực, qui mô và "sức khỏe" của từng NHTM.

Theo TS Nghĩa, việc “ép” các NHTM tăng vốn trong bối cảnh của những khó khăn trên sẽ dễ dẫn tới việc các ngân hàng lách luật, tạo ra những khuất tất trong tài chính. Ông Nghĩa cho rằng, những ngân hàng không thể đủ lực để tăng vốn sẽ tìm các lách qui định, tạo ra sự thiếu minh bạch về tài chính.

“Một NH ở nông thôn không cần thiết đầu tư quá nhiều vào công nghệ, đào tạo chuyên viên thẩm định dự án quá tốn kém… Cho vay nông dân không cần quá nhiều vốn liếng” - ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa kiến nghị, nên tạo phân khúc và sân chơi đủ tầm vừa phải phù hợp với "sức khỏe" của từng NHTM, không nên ép ngân hàng tăng vốn bằng mọi cách.

Vì vậy, trong quá trình được gia hạn và sửa đổi Nghị định 41, theo TS Nghĩa, NHNN nên tính tới việc sửa đổi sao cho phù hợp với năng lực và qui mô của từng ngân hàng, không nên duy ý chí áp đặt cứng nhắc.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.