Sài Gòn chiêu nạp nhân tài - Bài 2: "Thuyết khách"

24/10/2005 23:49 GMT+7

Điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa một văn phòng giới thiệu việc làm và một công ty môi giới, tư vấn nhân sự cấp cao là tính chuyên nghiệp. Ở những công ty này, có nhiều phòng ban riêng để đánh giá, kiểm tra, tư vấn về năng lực của ứng viên cho các công ty khách hàng. Đặc biệt, mỗi công ty lại có những kênh riêng để khai thác thông tin cũng như các bí quyết, kỹ thuật độc đáo để "săn" ứng viên cao cấp.

 

Kế sách "trị phương Đông"

 

M. là một phụ nữ người nước ngoài và có gần 20 năm kinh nghiệm về công tác "săn" nhân tài quốc tế. Không biết bằng cách nào, khi bà xuất hiện tại VN thì người của L. - một công ty cung cấp nhân sự cấp cao - đã nắm hết tiểu sử, công việc của bà sẽ làm tại đây. Nhắm được "sao" rất cần cho công ty mình, L. đăng báo "vu vơ" về tuyển một chuyên gia cao cấp. Nội dung tuyển mộ... vừa sít với những gì phụ nữ này có, từ trình độ, kinh nghiệm, tuổi tác... Mẩu tin tuy nhỏ nhưng cũng khiến bà... mừng run vì khả năng của mình quá khớp. Hẹn đàm phán qua điện thoại, e-mail, hai bên "OK" và đồng ý gặp nhau. L. cử một nữ chuyên gia người Việt đến thương thuyết. Điểm mạnh của phụ nữ đã phát huy hết trong cuộc gặp này: Họ tỉ tê với nhau về tình hình chồng con, cuộc sống, các món ăn ưa thích.

 

Nắm đúng tâm lý người xa quê hương, nhớ gia đình, L. xoáy vào chủ đề tình cảm và đưa ra những đề nghị rất chân tình. Ông Hòa An, Giám đốc Công ty L. kể: "Chúng tôi biết, bà ấy là người giỏi nên được các công ty "săn đầu người" tại VN săn lùng ráo riết. Nếu đem tiền ra để "chiêu mộ" thì e bất thành. Chúng tôi áp dụng luôn câu mà bà rất thích "tiền không phải tất cả!" để thuyết phục!". Ông An nói về thuyết "trị phương Đông": "Chúng tôi quyết định dùng tập tục, tình cảm của những người phương Đông để chinh phục bà trong một thời gian dài. Thường xuyên chúng tôi giữ được liên lạc, cho đến khi bà ấy cũng phải thốt lên: "Tôi rất tâm đắc vì được một công ty VN quan tâm đến mình như những người trong gia đình!". Ông An nhớ lại: "Thực ra, những kỹ thuật, bí quyết "săn" của chúng tôi khi áp dụng đều bị bà ấy biết. Bà ấy còn giỏi hơn chúng tôi mà. Nhưng rồi bà ấy ưng thuận. Tình cảm chứ không phải tiền mới là vấn đề ở đây". Hiện chuyên gia "săn" này đang được L. giao mảng cố vấn, đánh giá con người trong những dự án khó, người VN không có khả năng làm. Lương của bà tính bằng USD và đo theo... giờ.       

      

"Tiếp thị" một giám đốc tiếp thị

 


Nhân viên tuyển dụng hướng dẫn ứng viên làm bài text - ảnh: T.G

Một công ty thời trang đòi hỏi ứng viên vừa phải có kinh nghiệm, trình độ marketing, vừa am hiểu lĩnh vực thời trang. Đây là đơn đặt hàng tương đối khó bởi những ứng viên hội đủ yếu tố như vậy trên thị trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tiếp nhận đơn đặt hàng là N.G - một công ty "săn đầu người" có tiếng tại VN và đích thân bà Thùy Dương, Trưởng phòng Tư vấn nhân sự phải "ra tay". "Săn" ráo riết nhưng phải đến khi tình cờ gặp một người bạn, bà Dương mới biết được một ứng viên ưng ý. Nhưng cô này đang ở... Mỹ và làm giám đốc tiếp thị toàn cầu cho một công ty đa quốc gia. Một "sao bự" khó có thể tìm kiếm tại thị trường nhân lực VN! Dò hỏi, bà Dương biết được e-mail, điện thoại của T. và nối liên lạc. Bà Dương kể: "Yêu cầu của khách hàng còn khó ở điểm: họ cần người chuyên nghiệp để có thể lãnh đạo, tiếp xúc được tất cả mọi người, từ sếp đến nhân viên".

 

Liên tục trong khoảng nửa năm, bà Dương gửi cho T. gần... 30 e-mail và gọi không dưới 10 cuộc điện  thoại  xuyên  lục địa để liên lạc, tạo dựng quan hệ. Bà nhận định: "Biết cô ấy làm lãnh đạo cấp toàn cầu, tôi cũng đoán được cô ấy chuyên nghiệp cỡ nào rồi. Ngoài ra, khi tiếp xúc, tôi nhận thấy cô ấy dù bận bịu nhưng có tâm hồn rộng mở, sống chân thành với mọi người. Điều rất cần cho khách hàng của chúng tôi, một công ty mới vào VN".

 

Bà Dương "điều tra" được T. là người gốc miền Bắc. Cô sinh ra trong một gia đình không có "gia thế" trong ngành thời trang. Bản thân T. khi còn ở VN phải tự lực, vừa học, vừa làm, vừa nuôi em ăn học. Nhưng những gì cô làm được thì đáng nể: Khoảng 5 năm về trước, nhiều bạn xem truyền hình chắc vẫn ấn tượng về một video clip quảng cáo cho một sản phẩm tiêu dùng. Ở đó, để quảng cáo cho sản phẩm, copywrite đã lần đầu tiên đưa ra ý tưởng "nhãn hiệu cầu chứng" của một hiệp hội tiêu dùng (một cách gián tiếp "nhờ" hiệp hội tiêu dùng này khẳng định hộ chất lượng của sản phẩm). Cho đến thời điểm hiện nay thì nhiều công ty quảng cáo vẫn copy lại ý tưởng này để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Và không ai khác, người sinh ra ý tưởng này là T., khi đó vừa học vừa làm tại một công ty đa quốc gia tại VN.

 

Một buổi phỏng vấn được N.G sắp đặt. Chỉ qua hai giờ đồng hồ, các sếp của công ty khách hàng đang có mặt tại VN "OK" luôn vì T. quá giỏi. Nhưng thế chưa đủ, điểm khó nhất để được nhận vào tập đoàn này là ứng viên ngoài khả năng chuyên môn còn phải làm cho tất cả mọi người yêu mến, dễ chịu khi tiếp xúc. Và cô đã chinh phục được tất cả! Họ "OK", cô trở thành giám đốc marketing và hưởng mức lương gần 80 triệu đồng/tháng.

 

Chinh phục một sếp nữ

 

Năm 2004, Công ty NetViet nhận được một nhu cầu tuyển dụng: ứng viên phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa, tiếng Anh tốt, có kinh nghiệm, biết nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Nhận được đơn đặt hàng, bà Thiên Trang, Phó giám đốc NetViet băn khoăn: Kiếm được người chuyên ngành hóa có chuyên môn đã khó, kiếm được người thông thạo tiếng Anh chuyên môn càng khó hơn. Dịp may đến với bà trong một lần nói chuyện với ứng viên. Anh này chỉ cho bà một người bạn và cho bà số điện thoại. Tìm hiểu, bà Trang biết chị này tuổi Ngọ (sinh năm Bính Ngọ 1966), hiện đang làm ở khu công nghiệp Đồng Nai. Biết chị này rất bận bịu, phải di chuyển rất xa để đi làm, bà Trang quyết định xin một cuộc hẹn tại một quán cà phê ở quận 1, nơi xe đưa rước trả chị về Sài Gòn sau ngày làm việc. Gần hai tiếng đồng hồ trao đổi kết hợp với phỏng vấn, bà Trang "overview" được chị này đang làm cho một công ty... đối thủ của công ty khách hàng mình vì chung ngành nghề. Buổi gặp mặt kết thúc với câu trả lời từ "ứng viên": "Không!".

 

Hơn một tháng sau, công ty khách hàng lại hối thúc. Bà quay lại thuyết phục chị này. Chị này cho biết: Thời gian qua, chị đã "điều tra ngược" lại công ty tuyển dụng và biết được đó là công ty nước ngoài có môi trường cạnh tranh rất khốc liệt. Người mà chị được nhắm thay thế chuẩn bị về nước nên họ rất cần người. Ngoài ra, vị trí (nếu) chị tiếp nhận chỉ có ảnh hưởng tại VN trong khi tại công ty đang làm, chị có quyết định và tiếng nói trong phạm vi các nước... Đông Nam Á. Tại công ty đang làm, chị đã gắn bó trên 10 năm nên được ưu ái, cất nhắc. Ra đi cũng thấy bứt rứt. Rõ ràng, cơ hội ra đi không bằng cơ hội ở lại. Lần thứ hai, bà Trang - người có kinh nghiệm "săn đầu người" cấp cao nhất tại NetViet gặp câu trả lời: "Không!".

 

Hai ba tháng sau, công ty khách hàng lại hối thúc. Lần này, họ hạ yêu cầu xuống, không săn "sao" nữa mà săn người ở năng lực thấp hơn. Lý do, họ không thể tìm được người có trình độ cao mặc dù đã nhờ không chỉ một mình NetViet tìm. Vì danh dự và cũng không tin sẽ thuyết phục được chị kia nên bà Trang cũng không gọi lại. Ba tháng sau, đi qua Diamond Plaza, bà Trang tình cờ gặp lại "ứng viên". Chị hỏi: "Công ty đã tìm được người chưa?". Bà Trang bảo chưa. Hai người chào hỏi xã giao rồi chia tay. Một đêm trôi qua, thời gian vừa đủ để bà Trang tìm hiểu được "ứng viên" đang có chuyện với công ty đang làm việc nên có nhu cầu "chuyển dịch". Sáng hôm sau, bà quyết định gọi điện hỏi: "Tình hình sao rồi, chị có nhu cầu thay đổi không, có muốn quay lại không?". Và lần này bà mới nhận được câu hỏi tìm hiểu về công ty khách hàng. Hai người hẹn gặp nhau.

 

Nhưng chuyện vẫn chưa thể "OK" vì khi quay lại công ty khách hàng, họ nói: Chúng tôi không cần "sao" nữa! Kế hoạch phát triển đã thay đổi một cách căn bản cho phù hợp với những người điều hành ở cấp thấp hơn. Bà Trang thất vọng nhưng vẫn cố thuyết phục họ bố trí một cuộc phỏng vấn. Kết quả thu được không ngờ: Chỉ qua một giờ gặp gỡ, công ty khách hàng đã "OK"!  Họ thỏa mãn hoàn toàn về "sao" mình đã hằng tìm kiếm. Nhưng lại phải thay đổi kế hoạch phát triển công ty một lần nữa. Lần này như mong muốn: ứng viên được cử làm giám đốc phát triển sản phẩm mới, lương tháng khoảng 1.700 USD/tháng.                 

 

Phóng sự của Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.