Những phát hiện mới về công dụng của cá ngựa

14/11/2005 21:37 GMT+7

Theo sách y học Trung Hoa, cá ngựa (hải mã) được sử dụng làm thực phẩm thuốc từ hơn 600 năm về trước. Các công dụng chữa bệnh của cá ngựa đã được liệt kê rất đa dạng như chữa trị chứng mệt mỏi, suy nhược cơ thể; viêm nhiễm hoặc áp xe cổ họng, đờm dãi; các bệnh về hô hấp, hen suyễn; suy giảm khả năng tình dục; các bệnh về tim và hệ tuần hoàn, thận, gan và thậm chí cá ngựa còn được dùng để trị chứng khó sinh ở phụ nữ.

Từ trước đến nay, công dụng của cá ngựa chủ yếu dựa theo kinh nghiệm dân gian, được rút ra từ thực tế của các bệnh nhân đã từng thử nghiệm. Trước năm 2000, các nhà khoa học khi nghiên cứu thành phần hóa học của cá ngựa chỉ chú trọng đến các nguyên tố vi lượng, các acid amin, acid béo... và chưa phát hiện được hợp chất có hoạt tính đặc biệt nào từ cá ngựa. Ngoại trừ một vài nghiên cứu về di truyền học, hình thái ngoài hay sinh sản của cá ngựa; cơ chế phân tử của sinh lý học, dược lý học và miễn dịch học vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng.

Gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu thành phần phân tử các hợp chất trong cá ngựa ở cấp độ gène và protein. Đây là một hướng nghiên cứu mới, hiện đại, chứng minh cơ chế phân tử quyết định đến công dụng y học của loài sinh vật này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cá ngựa chứa các phân tử miễn dịch có hai nguồn gốc khác nhau: từ yếu tố di truyền bẩm sinh và từ hệ miễn dịch do quá trình chọn lọc tự nhiên. Dạng miễn dịch từ quá trình tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên bao gồm các peptide kháng lại các vi sinh vật, các nhân tố làm tăng cường khả năng tiêu diệt tế bào ngoại lai, các protein chống  ôxy hóa, các phân tử có khả năng giải độc, các lectin và protein có liên quan đến quá trình tạo máu... Các phân tử miễn dịch từ di truyền bẩm sinh của cá ngựa có thể cùng tác dụng trong quá trình chống oxy hóa và chống lão hóa của cơ thể. Thú vị là đã phát hiện ra rằng cá ngựa có chứa ít nhất 5 gène kháng khối u, điều này đã mở ra một hướng mới trong nghiên cứu cơ chế khả năng chống ung thư của cá ngựa cũng như khả năng sử dụng nguồn dược liệu quý giá này.

Người ta còn tìm thấy trong cá ngựa tất cả các thành phần của chuỗi vận chuyển điện tử trong tế bào. Đây là các phân tử có chứa hàm lượng nguyên tố sắt cao, sự có mặt của chúng giải thích công dụng chống mệt mỏi, tái tạo hồng cầu của cá ngựa khi sử dụng chúng phối hợp với một số dược liệu cổ truyền khác. Một điều đáng nói nữa là cá ngựa có chứa enzyme sinh tổng hợp prostaglandin, là chất đóng vai trò điều hòa thần kinh, hormone và hệ miễn dịch. Prostaglandin và tiền chất của nó có khả năng kích thích sự tiết hormone oxytocin và sự cường dương bằng cách tác động đến vùng điều khiển tình dục của tuyến yên trong não người. Ngoài ra, chính hàm lượng cao của Docosahexaenoic acid (DHA) - vật liệu cơ bản để sản sinh tinh trùng, liên quan chặt chẽ đến khả năng sản sinh tinh trùng được tìm thấy trong cá ngựa đã giải thích và chứng minh cho tác dụng tăng cường sinh lý ở nam giới của cá ngựa.

Cũng chính vì công dụng chữa bệnh hữu hiệu của cá ngựa mà nguồn này đang bị suy giảm một cách nghiêm trọng, do bị đánh bắt quá nhiều vào mục đích thương mại. Bảo vệ, duy trì nguồn lợi cá ngựa để khai thác, sử dụng là chiến lược đúng đắn và lâu dài.

Đào Việt Hà (Viện Hải dương học)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.