Bất động sản du lịch: Sôi động các dự án cao cấp

28/10/2009 10:07 GMT+7

(TNTT>) Theo thống kê của Tổng cục du lịch Việt Nam (VNAT), năm 2008, ngành du lịch đã đóng góp 3,5 tỉ USD cho nền kinh tế, trong đó 4,25 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam. Bất động sản (BĐS) du lịch ở Việt Nam đang là lĩnh vực đứng thứ hai trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, sức hấp dẫn của thị trường này còn rất lớn.

Đầu tư nhiều dự  án lớn

Đầu năm 2009, VNAT  đã phát động chiến dịch “Việt Nam Impression” với mục đích thu hút được 4,5 triệu du khách quốc tế. Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nền kinh tế đang ổn định trở lại, số dân hơn 80 triệu người là tiềm năng phát triển rất lớn cho BĐS du lịch khi mức thu nhập của người dân tăng lên”. Vì thế, rất nhiều dự án BĐS du lịch đang làm nóng thị trường dành cho người có thu nhập cao với các mảng phân khúc biệt thự, khu nghỉ dưỡng gần và ven biển tại: Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc…

Tính đến quý 3/2009, khoảng 60% các sản phẩm tung ra thị trường đã được bán hết, đó là các căn hộ bên bờ biển và biệt thự, với giá từ 195.000 USD đến 900.000 USD/căn, thậm chí trên 1,5 triệu USD/căn biệt thự. Như dự án The Ocean Villas tại Đà Nẵng (do Công ty Vinacapital Real Estate làm chủ đầu tư)  với 115 căn biệt thự sang trọng có diện tích từ 500-1.400m2, giá bán từ 375.000-871.000 USD/căn, dự án Hyatt Regency Danang Residences cũng được chào bán các căn biệt thự ven biển. 

Một số dự án bất động sản du lịch khác cũng được tung ra thị trường: Sanctuary Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu) với khoảng 70 biệt thự, khu phức hợp Sea Links (Mũi Né, Phan Thiết)... Bên cạnh đó, còn có những dự án đầu tư với quy mô thuộc “hàng khủng” như: Dự án phức hợp tài chính-du lịch Quốc tế Venus (Cát Bà) do tập đoàn GIICO đầu tư với số vốn đầu tư 551 triệu USD, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Phú Quốc của tập đoàn Millennium với kinh phí 1,6 tỉ USD với 1.200 căn biệt thự, 2 sân golf, 1.500 căn hộ…

Theo số liệu của CBRE, các dự án bất động sản du lịch trong khoảng từ hai đến ba năm tới sẽ cung cấp khoảng 970 biệt thự và 565 căn hộ ở khu vực phía Bắc, khoảng hơn 1.000 biệt thự và 510 căn hộ ở khu vực miền Trung, và khoảng 5.100 biệt thự ở khu vực phía Nam…

Còn nhiều rào cản

Dù thị trường bất động sản du lịch đang “hot” nhưng một số vấn đề về pháp lý cũng gây tâm lý e ngại cho các chủ đầu tư. Trong hội nghị quốc tế VnTPO diễn ra vào hai ngày 21, 22-10 vừa qua, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS du lịch Việt Nam, cho biết: “Dù Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nhưng vẫn chưa có điểm nhấn về quy hoạch du lịch để hấp dẫn khách quốc tế. Đặc biệt là chất lượng dịch vụ còn quá yếu. Đồng thời các yếu tố về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng cũng gây trở ngại đến sự phát triển của  BĐS du lịch”.

Điều này cũng được ông David Simister, CEO CBRE Thailand, khẳng định: “ Ở Việt Nam, vấn đề cấp visa vẫn còn rườm rà, và công tác tiếp thị hình ảnh du lịch chưa thực sự chuyên nghiệp nên chưa hấp dẫn được nhiều khách quốc tế đến đây nghỉ dưỡng. Đồng thời Việt Nam vẫn chưa có điểm đến nào ấn tượng như Phuket của Thái Lan”. Cũng trong hội thảo VnTPO này, vấn đề xây dựng casino, một hình thức “trò chơi có thưởng”, được quan tâm khi nó được coi là loại hình giải trí tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Yến Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.