Chuyện “ôm” ở Long An (tiếp theo)

17/10/2006 15:20 GMT+7

Nếu vào các quán bia ôm, karaoke ôm, khách phải tốn khoản tiền vài trăm ngàn đồng hoặc nhiều hơn thế nhưng giỏi lắm cũng chỉ được “mò cua bắt ốc”. Còn vào quán cà phê ôm, tiền ít hơn (khoảng 40 - 50 ngàn đồng) nhưng có thể vô tư “khua khoắng”.

Cái chết từ những “ước mơ xanh”

Tên quán là “Ước mơ xanh” nhưng khi vào quán cà phê này (ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), khách sẽ được đưa ra ngồi ở mấy cái “chuồng cu” làm bằng tre lá, xung quanh đầy rác và nồng nặc mùi nước tiểu! Với giá phục vụ nước uống từ 15 - 20 ngàn đồng, khách sẽ được một “em” phục vụ 30 phút/suất và tha hồ “mò cua bắt ốc”. Nếu các anh có “nhu cầu”, các em sẽ “giúp” cho… tới bến với khoản tiền boa không dưới 20 ngàn đồng/lần. Còn muốn “đá giao hữu” thì xin mời qua nhà trọ đối diện.

Ở thị trấn Mộc Hóa và khu vực lân cận, quán cà phê liên kết với nhà trọ tạo thành vòng phục vụ khép kín. D., 21 tuổi, làm ở quán “Ước mơ xanh” khoảng 6 tháng cho biết “làm không có lương, chỉ hưởng tiền boa của khách”. Một ngày bắt đầu “làm việc” từ khoảng 11h trưa đến giữa khuya, mỗi suất 30 phút. “Nếu có khách, mỗi ngày kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng, nhưng mệt lắm”.

Có lẽ cô nói thật. Hôm chúng tôi ghé qua đây (gần 24h đêm), sau khi bưng ly cà phê để lên bàn, cô ngồi ịch xuống ghế, hai chân gác hẳn lên bàn, nhắm nghiền mắt lại, nói: “Anh muốn làm gì thì làm, mệt quá, em ngủ đây”. Nói xong, cô ngủ thật!

Ở Long An hiện nay, loại cà phê ôm như “Ước mơ xanh” gần như chỗ nào cũng có. Chỉ khác một điều: bia ôm, karaoke ôm “thu hút” người lớn, còn cà phê ôm là nơi tập trung của “bọn trẻ”. Chỗ nào có cà phê ôm là gần như có mấy cậu học sinh trung học phổ thông thường ghé vào để “ôm cho biết”. B., tiếp viên quán Ph. - gần Ủy ban xã Hòa Phú, huyện Châu Thành - cho biết có lần một chú nhóc học lớp 6 ở thị xã Tân An mò đến quán yêu cầu tiếp viên phục vụ. Khi vào trong phòng, chú “quậy tưng” đòi tiếp viên phải phục vụ như trong phim sex. Ngặt nỗi, chú nhóc mới 12 tuổi thì đâu có đủ “phương tiện, đạo cụ” để “đóng phim”, vậy mà chú cũng “quần” cô tiếp viên một trận ra trò cho đáng 50 ngàn đồng.

Cũng theo B., kể: có lần một ông cụ đi xe ôm đến quán. Sợ ông già đột quỵ chết bất tử, các tiếp viên từ chối. Ông cụ dứt khoát không chịu, vì “nếu về thì lỗ tiền một cuốc xe ôm”. Rốt cuộc, để tránh “rủi ro”, các cô phải bỏ tiền ra kêu xe ôm cho cụ.

Câu chuyện trên cũng chưa hài hước bằng tình huống mà ông Huỳnh Văn Phụng, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An) đã gặp: khi kiểm tra các quán cà phê đèn mờ dọc tuyến đường tránh ở thị xã Tân An, lực lượng chức năng đã nhiều lần phát hiện một vài thầy cúng chuyên tụng đám ma với bộ đồ “đặc hiệu” đang ngồi “thư giãn” với mấy cô gái trẻ (!?)…

Chống “ôm”: Lẽ nào bó tay?

Theo ghi nhận của chúng tôi, chuyện “ôm” hiện nay ở Long An đã gây cho không ít người lâm vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí tan nhà nát cửa. Như ông C. ở xã Tân Lập (Mộc Hóa) vay ngân hàng được 9 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Ai dè, nghe lời ông bạn “khố rách” cùng xóm rủ, ông chưa vội về nhà mà vào một quán bia ôm “chơi cho biết”.

Có lẽ lần đầu vào quán hưởng “vật lạ”, ông hứng chí chơi luôn… một ngày. Khi vợ con tìm gặp, đưa ông về nhà, kiểm lại tiền thì đã đi đứt gần 8 triệu đồng! Hoặc như “thằng nhóc” 15 tuổi quê ở Cần Đước đến Mộc Hóa giữ trâu mướn, tiền công mỗi tháng 500 ngàn đồng gửi về cho mẹ nuôi hai đứa em nhỏ ăn học. Nào ngờ, sau một lần bị người lớn rủ và bao đi uống bia ôm, cu cậu bị… ghiền. Mấy tháng sau không thấy con gửi tiền, bà mẹ đến hỏi ông chủ thì mới té ngửa: toàn bộ tiền công đã bị cu cậu mang đi uống bia ôm hết sạch.

Mới đây nhất là chuyện chị H. (vợ anh K, nhà ở Cái Bè, Tiền Giang) khóc đứng, khóc ngồi khi phát hiện chồng đã boa sạch trên chục triệu đồng vào những trận bù khú ở các quán bia ôm. Làm nghề thu mua chuột đồng trong mùa lũ, năm nay chị gom hết vốn được 20 triệu đồng cho chồng đi đặt mua chuột. Nửa tháng trời không thấy anh trở về, sợ gặp chuyện không may, chị tức tốc đến Mộc Hóa tìm. Khi gặp được mặt chồng thì hỡi ôi, trong túi anh chỉ còn đủ tiền xe về nhà…

Ông Trần Văn Hửng, Chánh thanh tra Sở VHTT Long An, cho biết “tình hình ôm chỗ nào cũng có”. Còn ông Huỳnh Văn Phụng thừa nhận “vấn nạn ôm”  đang là vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh. Dù chưa nắm được số lượng có bao nhiêu quán, nhưng khi kiểm tra thì thấy “dữ quá”, có cả trăm quán… Bên cạnh đó, nhà trọ mọc lên khắp nơi, khâu quản lý cũng lỏng lẻo nên dễ dàng trở thành bãi đáp cho hậu “ôm”.

Cũng theo hai ông, các biện pháp phòng, chống tệ nạn “ôm” hiện kém hiệu quả. Ví dụ, việc cấm tiếp viên ngồi với khách là không khả thi do các nhà hàng, quán bia… đều có “tai mắt” khi bị kiểm tra. Nếu bắt được quả tang tiếp viên ngồi với khách thì mức phạt 500 ngàn đồng/lần là “quá bèo” đối với chủ quán. Còn bị rút giấy phép kinh doanh thì cũng chẳng sao, chỉ cần đổi chủ, xin giấy phép mới! Đó là chưa nói đến chuyện một số cán bộ công chức trong lực lượng phòng chống TNXH “tự nguyện” làm “tai mắt”, bảo kê cho những hàng quán “ôm” này. Cho nên mới có chuyện “đi kiểm tra thì không phát hiện gì, nhưng khi đi nhậu chơi thì gặp tiếp viên ngồi phục vụ hoài”, ông Phụng kết luận.

Kỳ 1: Nhậu phải “lết bánh”, chơi phải “hết cảnh”!

Theo Đăng Nguyên/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.