Đi tìm tiểu thuyết Việt Nam

23/10/2010 23:15 GMT+7

Tối 21.10, tại buổi tọa đàm Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã có dịp nhìn lại những vấn đề của tiểu thuyết Việt Nam hiện nay.

Điểm đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết hiện đại trong những năm gần đây, chính là sự nổi lên của một vài cây bút trẻ, được cho là có tiềm năng. Đại diện những người trực tiếp cầm bút, nhà văn Nguyễn Việt Hà cho rằng, những tiểu thuyết gia thế hệ 7x trở đi đã rất thành thạo kỹ thuật viết tiểu thuyết căn bản. Dẫn ví dụ từ giải thưởng tiểu thuyết của Công ty sách Bách Việt, nhà văn Việt Hà cho hay khi nhận được ngót nghét 100 bản thảo thì có đến 1/3 trong số những bản thảo này sử dụng nghệ thuật viết hiện đại, quan tâm đến cách viết, kết cấu, ngôn ngữ...

Nhưng bên cạnh đó, những tiểu thuyết thật sự “dài hơi” về dung lượng và sâu sắc về nội dung chưa nhiều. Nhiều người viết những tác phẩm trên danh nghĩa là tiểu thuyết nhưng lại không được gọi là tiểu thuyết đúng nghĩa. Theo nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện phó Viện Văn học Việt Nam, những nhà văn trẻ rất thạo nghề viết, nhiều tác giả trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x viết cực khỏe, nhưng tinh chất để lại chưa thật sự nhiều và ấn tượng. Có những tác phẩm trau chuốt về kỹ thuật viết, sử dụng nhiều thủ pháp, nhưng không đi đến đâu.

Ông Điệp lý giải phải chăng là do Việt Nam chúng ta thiếu độ dày của triết học, mỹ học nên ảnh hưởng đến sáng tạo văn chương; do cơ chế thỏa mãn sớm của một bộ phận người cầm bút khi thấy tác phẩm của mình bán chạy, hoặc giả là do tính thời thượng và xu hướng đọc của độc giả, bắt người viết phải viết những cái họ thích, chứ không phải viết những cái để đời? Những yếu tố sex, sốc, bạo lực xuất hiện nhan nhản trong tiểu thuyết những năm trở lại đây, ông Điệp cho đó là thảm họa. “Người ta có quyền viết về sex, bạo lực, sự độc ác của con người. Nhưng sau khi viết phải soi rọi lại những gì của con người, trên hết là bộc lộ được tính nhân văn”, nhà phê bình này bày tỏ. Ông nhận xét: gần như chưa nhìn thấy gương mặt trẻ nào có khả năng tạo nên một bứt phá, dấu ấn thật vĩ đại cho tiểu thuyết hiện nay.

Gần đây, có nhiều tên tuổi được chú ý, bởi những tác phẩm đã thể hiện được cái nhìn sâu sắc của người viết, đó là Thuận với T mất tích, Chinatown, Paris 11 tháng 8, nhưng theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “chúng ta vẫn đang đi tìm tiểu thuyết Việt Nam”.

Hướng đi cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam phụ thuộc vào lớp nhà văn trẻ. Theo ông Phạm Xuân Nguyên, nhà văn trẻ cần xác định đọc chậm, đọc sâu thay vì đọc nhanh, viết nhanh, đọc nông, viết hời hợt như hiện tại. Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại còn thiếu tính đô thị và tư duy đô thị, chủ yếu vẫn là tư duy cổ truyền là nguyên nhân của sự hạn hẹp trong sáng tác.  

Trần Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.