Chương trình trung học phân ban: Nỗi lo đại trà

27/12/2005 00:04 GMT+7

Chương trình trung học phân ban đang đối diện với 2 vấn đề lớn: 1) Sau 3 năm theo học chương trình thí điểm phân ban (TĐPB), kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối năm học 2005-2006 là cái mốc đánh dấu thành quả sản phẩm đầu tiên của lứa học sinh được học chương trình TĐPB. Kết quả thế nào? 2) Đầu năm học 2006-2007, chương trình phân ban bắt đầu áp dụng đại trà trong cả nước vậy mà giờ này vẫn còn chưa quyết định có bao nhiêu ban để học sinh đang học lớp 9 bắt đầu suy nghĩ lựa chọn.

Bản thảo đâu để thẩm định?

Không ít học sinh đang học lớp 12 chương trình TĐPB có chung suy nghĩ: "Do chương trình không ổn định, nhiều môn quá tải, thiết bị thí nghiệm không đầy đủ... nên các em đã chịu nhiều thiệt thòi trong 3 năm qua. Với cái đà này, tỷ lệ học sinh giỏi các lớp TĐPB thường không cao bằng các lớp chưa TĐPB. Vậy thì kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH sắp tới sẽ ra sao?". Trước băn khoăn này, nhiều người có kinh nghiệm trong thi cử (nhất là mỗi khi chương trình thí điểm không được suôn sẻ cho lắm như chương trình TĐPB đang áp dụng) vẫn đoan quyết học sinh theo chương trình TĐPB sẽ không có kết quả bi quan như các em học sinh đã lo nghĩ, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sẽ có nhiều biện pháp để học sinh đang học TĐPB không bị thiệt thòi. "Nỗi lo dài hạn" được nhiều người quan tâm lại hướng về thời điểm khai giảng của tất cả học sinh theo học lớp 10 vào đầu năm học 2006-2007.     

Theo kế hoạch hoàn thiện sách giáo khoa lớp 10 phân ban của Vụ Trung học phổ thông (Bộ GD-ĐT), nhóm tác giả biên soạn sách học sinh và sách giáo viên lớp 10 phải chuyển bản thảo đến Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) trước 15.12.2005, bộ sách in thử phải hoàn tất trước 14.5.2006 để phục vụ cho đợt bồi dưỡng giáo viên lớp 10 từ 15.5 - 15.6.2006. Sau khi được tất cả giáo viên (trong đợt bồi dưỡng) góp ý, từ 16.6 - 31.7.2006, NXBGD tổ chức in sách đại trà để đầu tháng 8.2006 phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Tuy vậy, cho đến nay (hơn 10 ngày sau thời điểm 15.12.2005) thì  việc chọn bao nhiêu ban để áp dụng đại trà vẫn chưa được quyết định. Các tác giả được giao biên soạn sách đang "túc trực" ở các trại viết sách nhưng căn cứ vào đâu để "gút" bản thảo và giao cho NXBGD đây? Rồi NXBGD có gì để đưa ra thẩm định trước khi bước qua giai đoạn in ấn? Cái "vỡ" ban đầu này dễ dàng kéo theo những cái "vỡ dây chuyền" khác nếu những người có trách nhiệm không thật tích cực để giải quyết.

Không thể chờ đợi!

Mặc dù đã được lùi 2 năm để triển khai đại trà, mặc dù 44 Sở GD-ĐT, nhiều trường đại học, đông đảo giáo viên thực sự giảng dạy các lớp TĐPB đã có những đóng góp thật cụ thể với đoàn công tác của Bộ cách đây gần 1 năm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn không quyết đoán, cứ vẫn "đẩy quả bóng trách nhiệm" về phía dư luận. Có vẻ như các chuyên viên của Bộ GD-ĐT vẫn chưa thật tự tin lắm khi không tổng kết được những ưu khuyết điểm một cách rõ nét, không đưa ra hướng khắc phục theo lộ trình sớm sủa hơn. 

Ông Lê Văn A, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM - nơi có 82 lớp đang TĐPB, trong đó có 29 lớp 12 - nhận xét sau hơn 2 năm trường tổ chức giảng dạy chương trình TĐPB, giáo viên đã giảng dạy tốt hơn, học sinh cũng tiếp thu tốt hơn, năng động hơn. Ông A nói: "Thực tế trong 3 mùa tuyển sinh lớp 10 TĐPB vừa qua cho thấy nếu chỉ có 2 ban thì có nhiều học sinh không đủ khả năng theo học ban Khoa học tự nhiên lẫn ban Khoa học xã hội-nhân văn. Phải có ban Cơ sở để số học sinh này được lựa chọn, những tiết tự chọn sẽ giúp các em được học nâng cao những môn phù hợp với khả năng. Trong 2 phương án mà Bộ GD-ĐT đề xuất lần này, tôi cho rằng nên chọn phương án 2 (gồm 3 ban: ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội-nhân văn và ban Cơ sở). Chương trình chuẩn cũng không nên cứng nhắc mà có thể nâng cao ở từng thời điểm, khi thầy cô đã quen phương pháp giảng dạy, học sinh quen học theo phương pháp mới, điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước được nâng cao". Không thể chờ đợi mãi, ông A cho rằng Bộ phải quyết đoán hơn, không thể nay thế này, mai thế kia. Bộ GD-ĐT là cơ quan chuyên môn, lấy ý kiến nhưng cũng phải có tiên liệu, không lúng túng trước dư luận để đưa ra một phương án thuyết phục được xã hội, giúp cho Chính phủ sớm quyết định phương án thích hợp.  

N.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.