Muốn cười cũng khó

30/10/2009 01:07 GMT+7

Nhân chuyện khó tin liên quan đến các giải thưởng của Vedan và những lời giải thích liên quan, người ta chợt nhớ lại nhiều chuyện cũ cũng không kém khôi hài trong cách hành xử công quyền ở xứ ta.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, chiều 4.11.2008, có tin đồn về việc đê Đông Lao, cách thành phố Hà Đông (Hà Nội) 6 km bị vỡ và sông Nhuệ có khả năng bị phân lũ khiến nhiều người dân quanh thủ đô hoang mang, hoảng hốt... Chiều 5.11.2008, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh giải thích với báo chí, tin đồn vỡ đê lan truyền ngày 4.11 xuất phát từ sơ suất đánh máy trong công văn của lãnh đạo UBND thành phố Hà Đông. Theo ông Khanh, đoạn văn bản nguyên văn là "các đơn vị phòng ngừa, chuẩn bị phương án sơ tán dân trước 5 giờ chiều". Tuy nhiên, cán bộ văn phòng đã đánh máy thiếu hai chữ "chuẩn bị", khiến nhiều người hiểu lầm. Lãnh đạo Hà Nội đã triệu tập Chủ tịch UBND thành phố Hà Đông để làm rõ vụ việc và xử lý trách nhiệm!

Nay thì đến chuyện một nhà máy Vedan đã phá hoại môi trường kéo dài đến hơn chục năm, gây bao tai họa cho người dân dọc sông Thị Vải và môi trường, lại được trao đến 3 giải thưởng về sản phẩm "An toàn vì sức khỏe cộng đồng". Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Natusi, một trung tâm tư vấn về thương hiệu ở TP.HCM, nhận trách nhiệm về những "sơ sót" trong khâu tổ chức. Tuy nhiên, các sai sót đó lại xảy ra hàng loạt đến mức khó tin.

Thông thường, ban tổ chức các giải thưởng sẽ đề xuất danh sách để hội đồng xét thưởng làm căn cứ chọn ra doanh nghiệp xứng đáng được giải. Sau khi có kết quả, ban tổ chức mới in giấy tuyên dương doanh nghiệp và chuyển cho người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu. Thế nhưng Natusi đã tiến hành các bước ngược quy trình trên. Bà Sinh cho biết căn cứ vào danh sách đề xuất (không rõ ai đề xuất!), Natusi đã in mẫu giấy tuyên dương cho kịp tiến độ, trên các giấy này chưa ghi tên doanh nghiệp. Natusi chuyển giấy tuyên dương chưa ghi tên ấy cho ông Bùi Văn Quyền (Vụ trưởng và là Trưởng đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ tại TP.HCM, cũng là Trưởng ban tổ chức giải thưởng) và ông Hoàng Thủy Tiến (Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế) để họ ký tên (khống chỉ).

Ông Quyền cũng xác nhận ông đã có ký khống trên các mẫu giấy này, khi đó trên giấy chưa có tên doanh nghiệp. Bà Sinh cho biết sau khi hai người trên ký xong, Natusi mới cho in tên doanh nghiệp lên giấy tuyên dương, trong đó có tên Vedan. Tuy nhiên sau đó, hội đồng xét thưởng đã loại sản phẩm của Vedan ra khỏi danh sách. Lẽ ra giấy tuyên dương của Vedan phải bị bỏ đi thì nhân viên Natusi lại sơ sót, vẫn phát giấy này cho Vedan. Trong quá trình xử lý hồ sơ, nhân viên đã cho chạy in giấy chứng nhận theo danh sách đề xuất ban đầu của Trung tâm Natusi, thay vì danh sách theo quyết định cuối cùng của ban tổ chức (?).

Về việc trao giải, bà Sinh cho rằng khi trên sân khấu trao giải cho các DN đoạt giải thực sự, thì ở hậu trường một số nhân viên lại phát giấy chứng nhận đã lỡ in cho Vedan. Rồi bà cũng nói, ngay cả việc MC xướng tên Vedan đoạt giải cũng là "nhầm lẫn" trong danh sách đề cử...

Nói tóm lại: Những chuyện đổ trách nhiệm cho cấp dưới, cho người khác không phải là chuyện mới. Chuyện dài lô cốt ở TP.HCM gây kẹt xe lại được giải thích do... trời mưa quá to. Hàng chục nhà máy gây ô nhiễm trong nội thị không di dời được lại giải thích do... cơ chế. Xây bờ kè ven biển không có cốt thép để sóng đánh vỡ thì bảo do ngân sách thiếu... Chuyện vĩ mô hơn, thì do... lỗi hệ thống! Vì vậy, cá nhân những công chức (cần nhắc lại là nhận lương từ tiền thuế của dân) không có lỗi, không có trách nhiệm gì cả!

Chuyện đó mới nghe thì thấy tức cười, nhưng nó cứ diễn đi diễn lại thì lại là chuyện bình thường, ai muốn cười cũng khó!                  

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.