Tội phạm nhắm vào sinh viên quốc tế ở Úc

03/04/2012 03:58 GMT+7

Sinh viên (SV) quốc tế đang sống ở vùng ngoại ô Jesmond của thành phố Newcastle, bang New South Wales (Úc) là mục tiêu của bọn tội phạm địa phương.

Sinh viên (SV) quốc tế đang sống ở vùng ngoại ô Jesmond của thành phố Newcastle, bang New South Wales (Úc) là mục tiêu của bọn tội phạm địa phương.

Cảnh báo trên được những người ủng hộ SV ĐH Newcastle ở Jesmond đưa ra sau khi 3 SV châu Á tại đây bị cướp, theo báo Newcastle Herald.

Phục kích ngoài thư viện vào giữa đêm

Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 25.3 khi một SV Ấn Độ bị 3 trẻ vị thành niên bản địa ép vào tường, lấy bóp ngay tại nhà thuê của nạn nhân. Tuần trước đó, 2 SV Hàn Quốc cũng bị cướp nhưng không báo cảnh sát. Ông Mohamed Ebrahim, một trong những người ủng hộ SV ĐH Newcastle, cho hay phần lớn SV quốc tế mà ông tiếp xúc từng là nạn nhân của nạn hành hung hoặc cướp bóc bên ngoài khu học xá của trường. Ông nhận định: “Trong hàng loạt vụ cướp mới đây, chưa có tội phạm nào bị bắt nên chúng nghĩ rằng không ai có thể chạm đến mình. Do đó, chúng ngày càng lộng hành và hay dùng chiêu chờ SV ở ngoài thư viện vào giữa đêm, theo dõi con mồi rồi ra tay”. Theo Newcastle Herald, những kẻ này có thể là trẻ vị thành niên địa phương xem SV là “mục tiêu mềm” và tin rằng nguy cơ bị bắt rất thấp.

Sau những vụ việc kể trên, ông Ebrahim và bà Heather Richards, Chủ tịch Hội SV ĐH Newcastle (NUSA), kêu gọi nhà trường lắp máy quay an ninh, mở thêm đèn ở khu học xá và giảm giá xe công cộng cho SV. Trong khi đó, Trevor Gerdsen - quyền trợ lý phó hiệu trưởng ĐH Newcastle - thông báo nhà trường đã xem xét lại thủ tục an ninh, các tuyến tuần tra và kế hoạch lắp đặt máy quay.

 
Khu học xá của ĐH Newcastle yêu cầu cần có thêm máy quay để đảm bảo an ninh cho SV quốc tế  - Ảnh: studentblog.newcastle.edu.au

SV Việt Nam nên làm gì?

Chủ tịch NUSA Richards cho rằng có nhiều lý do mà SV quốc tế không báo cảnh sát khi gặp nạn. Bà Richards nói rõ: “Vài SV ngại báo cáo vụ việc, có thể do họ không biết hệ thống cảnh báo ở Úc hoặc nghĩ rằng có báo cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Do đó, bà Richards đề nghị khi bị tội phạm tấn công, SV có thể báo nặc danh tại website nusa.org.au, với 7 ngôn ngữ khác nhau.

Huỳnh Bảo - cựu Chủ tịch Hội SV Việt Nam tại ĐH Deakin, thành phố Melbourne (Úc) - nhận định với phóng viên Thanh Niên: “Vụ việc ở ĐH Newcastle đáng để cảnh báo nhưng không quá nghiêm trọng đối với SV Việt Nam. Các bạn chỉ cần cẩn thận tối đa khi ra đường là được. Đừng đi ra đường quá khuya, tránh những nơi vắng và nên đi theo đám đông. SV quốc tế châu Á thường yếu thế vì sống xa quê nên dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Do đó, các bạn SV cần trang bị cho mình kiến thức phòng vệ để tránh việc đáng tiếc xảy ra”. Theo Bảo, hầu hết các trường đều cấp cho SV một số điện thoại khẩn cấp để đề phòng trường hợp gặp chuyện không may trên đường. Ngoài ra, các bạn SV có thể gọi số 000 (miễn phí) đến cảnh sát.

Vụ 3 SV châu Á bị cướp nói trên đã khơi lại vụ SV Việt Nam Vũ Ngọc Minh bị một số thanh niên Úc gốc châu Á đánh trọng thương tại thành phố Melbourne hồi tháng 12.2010. Minh vốn là SV Trường Thương mại và kỹ thuật Melbourne thuộc ĐH Deakin, đã hôn mê rất lâu trong bệnh viện sau khi bị hành hung. Huỳnh Bảo, vốn là người theo dõi và quan tâm Minh trong lúc nằm viện, cho hay Minh đã hồi phục khoảng 90% và đi học trở lại từ tháng 6.2011. Theo Bảo, vụ việc của Minh dường như chưa được giải quyết do hình ảnh từ máy quay an ninh không đủ để thấy rõ mặt những kẻ gây án và nhân chứng duy nhất đi với Minh cũng đã trở về Việt Nam. Tuy nhiên, Bảo nhận định: “Từ vụ của Minh đến nay, mọi chuyện vẫn bình thường. Người dân Melbourne nói riêng và người dân Úc nói chung vẫn rất thân thiện, không có dấu hiệu phân biệt chủng tộc”. 

Minh Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.