Nhức nhối tình trạng kỳ thị “dân nhập cư”

15/12/2005 23:32 GMT+7

Nếu không có lực lượng di cư thì sau 20 năm đổi mới, ta không thể có được các khu đô thị, khu công nghiệp lớn như hiện nay" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận tại Hội thảo quốc gia "Chính sách và pháp luật đối với người di cư tới đô thị và các khu công nghiệp" tổ chức tại TP.HCM hôm qua 15.12.

"Từ hiến pháp, luật đến pháp lệnh đều không vi phạm các quyền cơ bản của công dân, nhất là những quyền trực tiếp liên quan đến người di cư đến đô thị. Nhưng thực tế vẫn còn những nơi phân biệt đối xử" - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội - Văn phòng Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, phát biểu. Ông Tiên cho biết, nghiên cứu trên được tiến hành tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lĩnh vực giáo dục bị kêu nhiều nhất. Hầu như các quy định như tuyển sinh, đánh giá, hỗ trợ vay vốn... đều dựa trên hộ khẩu. Học sinh có hộ khẩu thường trú thì dễ dàng học trường công, không có là rất khó khăn. "Tại TP.HCM, số dân di cư chiếm 30%, song tỷ lệ học sinh là con em họ chỉ 10%, tức là số đối tượng hưởng thụ quyền giáo dục chỉ bằng 1/3 so với dân địa phương, ấy thế mà họ còn bị phân biệt đối xử và thu phí trái tuyến thì quá thiệt thòi" - ông Tiên nói.

Giá điện, giá nước cũng có sự phân biệt rõ ràng. Ở TP.HCM, giá nước người dân di cư phải trả cao hơn gần chục lần giá định mức cho người thường trú. Giải trình trước HĐND, Công ty cấp nước cho rằng do nước sạch chưa đủ cung cấp cho người dân thành phố, nếu giải quyết giá nước cho người di cư bằng với dân thành phố thì mỗi năm doanh thu của công ty giảm 147 tỉ đồng, nghĩa là ngân sách phải bù lỗ chừng ấy...

Một nghiên cứu khác của Tổng cục Thống kê ở các khu vực Hà Nội, khu kinh tế Đông Bắc, Tây Nguyên, TP.HCM và khu công nghiệp miền Đông, cho thấy người di cư đến các vùng này có đến trên 60% gặp khó khăn về nhà ở; trên 23% gặp khó khăn về điện thắp sáng, nước sinh hoạt, việc làm... Khi gặp khó khăn, hầu hết người di cư tìm đến người thân, bạn bè, họ hàng... và chỉ 11% tìm đến chính quyền nhờ giúp đỡ.

Lý giải nguyên nhân, bà Trần Thị Thanh Diệu, Thường trực HĐND TP.HCM, cho rằng lượng dân di cư đến tăng cao làm thành phố quá tải trên hầu hết các lĩnh vực, khiến tình hình khó khăn không chỉ với người di cư mà cả với dân thành phố. Vì thế, có sự phân biệt đối xử, thiếu công bằng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiên, một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự phân biệt là việc gắn hộ khẩu khi giải quyết nhiều chính sách cho người di cư. Thậm chí, "người dân di cư không thể đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử ở nơi mình đến vì quy định phải làm ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú..." - ông Tiên nói.

Ngay trong phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bức xúc: "Tôi lấy ví dụ, một gia đình có công cách mạng, được thưởng huân chương kháng chiến, chuyển từ Tiền Giang về Bến Cát, Bình Dương. Việc nhập hộ khẩu rất dễ, nhưng trong việc thực hiện chính sách người có công, địa phương yêu cầu gia đình phải cam kết không yêu sách gì, không xin nhà tình thương... Tôi không còn biết nói gì hơn… Tôi lên án, chứ không phải lên tiếng, về vụ việc này và đề nghị những người đưa ra yêu cầu trên phải bị xử lý".

"Cần phải coi di cư là một xu hướng tất yếu, là động lực tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội đi lên. Nếu không có lực lượng di cư thì sau 20 năm đổi mới, ta không thể có được các khu đô thị, khu công nghiệp lớn như hiện nay" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhìn nhận và được các đại biểu đồng tình. Từ cơ sở này, các đại biểu cho rằng không có lý do gì để phân biệt đối xử giữa người dân địa phương với người di cư. "Đầu tiên là không gắn hộ khẩu với việc giải quyết các chính sách xã hội khác. Tiếp đó, cần nhanh chóng sửa đổi quy định về đăng ký hộ tịch thông thoáng hơn; điều chỉnh mức lương tối thiểu; có chính sách khuyến khích xây dựng nhà cho công nhân; các thành phố lớn không nên phát triển các dự án thâm dụng lao động phổ thông mà đưa ra các thành phố vệ tinh nhằm giảm áp lực di cư; cần có một cơ quan quản lý Nhà nước cụ thể về vấn đề di dân đô thị..." - ông Nguyễn Văn Tiên đề xuất giải pháp. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Viện Kinh tế và Các vấn đề xã hội thuộc Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đồng tình: "Vấn đề là ở chỗ di dân rồi nhưng quyền và nghĩa vụ vẫn ở nơi đăng ký thường trú. Chính sách sắp tới phải gắn liền hai cái này với nhau".

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Đã đến lúc chấm dứt các biện pháp hạn chế hành chính

"Tôi cho rằng bản thân người lãnh đạo ở địa phương cũng là người có trách nhiệm, chứ không phải là người thiếu trách nhiệm với người di dân. Nhưng vì sao họ phải dùng các biện pháp hành chính như hộ khẩu làm rào cản ? Đó là bởi sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng về kinh tế xã hội, văn hóa không đồng bộ và không kịp thời. Tôi cho rằng nếu duy trì các biện pháp đó lâu dài thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ bất lợi cho cả hai phía: người lãnh đạo lẫn người dân. Người di cư tự do cầu cạnh quá đến lúc người ta không cần hộ khẩu nữa thì đó là vấn đề xã hội rất lớn, vấn đề an ninh trật tự rất lớn. Biện pháp này trong giai đoạn đầu thì có thể được, để kéo dài là không tốt, sinh ra đối xử phân biệt. Tôi thấy nên chấm dứt dần là được rồi đấy! Bây giờ, ta phải giải quyết các vấn đề liên quan như nhà ở, học hành... để người dân không bị hạn chế nữa".

Minh Đức  

Đức Trung

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.