Đường về xa lắc

26/11/2010 08:40 GMT+7

Đường về của hai người phụ nữ sau phiên xử sao gian nan. Người thì hạnh phúc tưởng đâu đã nằm gọn trong tay phút chốc tan biến. Người thì bỗng nhiên tai họa rớt xuống đầu, trở thành góa phụ khi đứa con trong bụng đang lớn dần.

Cơn mưa tầm tã ở miền Trung trong ngày áp thấp không ngăn được dòng người đến dự phiên tòa. Phòng xử lưu động (hội trường UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chật kín, cả trăm người phải chen nhau ngoài cửa sổ.

Chị T., vợ nạn nhân, ôm di ảnh chồng trước ngực, dắt con nhỏ bước vào phòng xử. Bé Th. con chị, 6 tuổi, đầu chít khăn tang ngơ ngác nhìn đám đông, tay cứ xoa xoa lên tấm ảnh của cha mình. “Ba con?” - tôi hỏi. Bé Th. đưa tay chỉ vào tấm ảnh trước ngực mẹ. Nó vẫn không biết hôm nay người ta xử kẻ đã giết chết cha mình.

Đau lòng

Cả trăm người im phăng phắc nghe vị đại diện viện kiểm sát đọc bản cáo trạng. Khoảng 20g ngày 20-9-2010, Thái Hồ Duy đến nhà chị Nguyễn Thị Y. (vợ đã ly dị của Duy) để ăn cơm. Trong lúc chờ chị Y. nấu cơm thì điện thoại di động của chị đổ chuông. Sẵn tay, Duy nghe máy. Đầu dây bên kia là anh Ung Văn Tr., bạn cùng lái xe với Duy, gọi điện để hỏi chị Y. (làm nghề thợ may) may áo quần cho con anh xong chưa, nhưng Duy trả lời với thái độ ghen tuông và tắt máy. Một lát sau anh Tr. đến nhà chị Y. để hỏi Duy về thái độ lúc nãy. Hai người to tiếng cãi cọ, sau đó anh Tr. bỏ về.

Duy và chị Y. vào nhà ăn cơm. Vì thức ăn ít nên Duy ra ngoài mua thêm. Trên đường đi thì anh Tr. gọi điện cho Duy và hai bên lời qua tiếng lại. Khi trở về, Duy đã thấy anh Tr. đứng trước nhà chị Y.. Lúc này, hai người tiếp tục cãi vã. Duy bảo Tr. về để gia đình ăn cơm nhưng Tr. vẫn đứng ngoài cửa sổ, hai người lời qua tiếng lại, thách đố nhau. Duy lấy con dao trong nhà bếp chạy ra đâm anh Tr.. Vết thương quá nặng nên chỉ mấy giờ sau anh Tr. đã tử vong.

Dự cả trăm phiên tòa có bị cáo phạm tội giết người, chưa bao giờ tôi có cảm giác lạ như vậy. Trong ánh mắt nhiều người đến dự tòa có chung một nỗi buồn. Vừa thương xót cảnh tan tác một gia đình nghèo, vừa tiếc cho đôi vợ chồng chớm đoàn tụ lại phải xa rời nhau.

Không khí phiên tòa im ắng lạ thường. Chỉ có cuộc hỏi đáp giữa chủ tọa phiên tòa (Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng) và bị cáo. Duy bảo do sự ghen tuông vô cớ của mình mà đã gây ra sự việc đau đớn cho gia đình người bạn. Bị cáo cúi đầu: “Xin nhận phán quyết của tòa về tội lỗi do mình gây ra”. Phía dưới, chị T. cứ ôm mặt khóc mỗi lần nghe nhắc đến tên chồng. Mẹ chồng chị T. thì thầm: “Cả đêm qua tui thấy con T. không ngủ mà cứ đi lui đi tới trong nhà. Nó đang mang bầu nên vợ chồng tui lo lắm, nhỡ có chuyện gì thì khổ”.

- Bị cáo đã ly dị vợ, thế có quyền gì mà ghen tuông? - chủ tọa hỏi.

- Dạ, vì bị cáo yêu vợ quá. Lúc anh Tr. điện đến bị cáo tưởng anh có tình ý gì với vợ mình. Giờ bị cáo đã nhận ra, xin nhận mọi tội lỗi này - Duy giọng run run trong chiếc áo tù phong phanh.

- Thế vì sao yêu vợ mà lại ly dị? - chủ tọa bảo Duy nhìn thẳng vào hội đồng xét xử để trả lời.

Duy chậm rãi:

- Dạ, trước đó do bị cáo rượu chè nhiều nên vợ chồng xảy ra mâu thuẫn rồi ly dị. Nhưng trong những ngày xa vợ con đi làm ăn bị cáo mới thấm thía sự mất mát lớn. Rồi một ngày trời mưa, khi chở nước lọc tới bỏ cho một trường học thấy người ta đưa rước con, bị cáo nghĩ con mình cũng có cha mẹ mà bơ vơ tội nghiệp không được như mấy đứa trẻ ở trường kia nên muốn quay lại.

Đầu năm 2009, Duy trở về chí thú làm ăn, đến xin vợ tha thứ. Duy bỏ hẳn chuyện đàn đúm rượu chè trước kia, đưa hết lương cho vợ. Mỗi ngày, Duy thức dậy từ sớm để lo cho con đến trường, chiều chạy xe xong lại tất tả đến trường rước con về. Dù vợ chồng Duy chưa đăng ký kết hôn lại nhưng thấy cảnh họ tíu tít bên nhau, hai gia đình nội ngoại mừng thầm trong bụng. Hàng xóm thấy thương cũng vun vén, động viên mong hai người sớm quay lại.

- Nếu như vậy sao anh không đi đăng ký kết hôn trở lại?

Duy nhìn về phía người vợ đang ngồi ở hàng ghế, lẩm bẩm:

- Dạ... dạ, bị cáo cũng định rứa mà chưa kịp thì...

Trả lời câu hỏi của tòa về chuyện Duy đòi quay lại với chị có đúng không, chị Y. nhỏ nhẹ: “Thưa tòa, lời khai của ảnh là đúng. Trước kia ảnh rượu chè quá mới xảy ra chuyện vợ chồng ly tán. Nhưng một thời gian anh trở về xin mẹ con tui tha thứ vì anh đã trót lỡ lầm. Anh hứa tu thân để lo cho con cái. Kể từ đó anh về ở hẳn bên nhà, lo lắng làm ăn, đón đưa con cái đi học”.

“Thấy ảnh chí thú làm ăn, tui với ảnh định mấy bữa nữa ra phường đăng ký kết hôn lại. Ai ngờ xảy ra chuyện đau lòng này...” - Y. buồn bã nói vì giờ đây con đường Duy trở về với mẹ con chị xa lắm.

Ngồi dưới hàng ghế dành cho gia đình người bị hại, vợ anh Tr. giữ khư khư di ảnh của chồng. Còn bé Th. chưa nhận ra nỗi đau mất bố. Một người hàng xóm dự phiên tòa thương cảm: “Ngày thằng Tr. chết, con T. mang bầu hai tháng. Mai mốt đây sinh nở không biết tựa vào ai”.

Nhà nghèo xơ xác. Sau ngày cưới, chị T. và anh Tr. tiếp tục cuộc đời ở trọ tại căn nhà nhỏ trong hẻm, sống đầm ấm cùng cha mẹ chồng. Cha của anh Tr. chỉ xin tòa nói một câu cho thỏa lòng. Ông khóc: “Chừ mọi chuyện đã xảy ra rồi. Mất con tui đau xót lắm. Còn con người ta có xử đi tù mấy năm thì mình có vui được gì, nhà họ cũng đau như mình. Vợ chồng tui già lắm rồi cũng không sống được bao lâu nữa. Tui chẳng hận thù ai nữa, mong gia đình bên ấy có trách nhiệm bồi thường hằng tháng cho đứa cháu nhỏ có tiền học hành. Giờ mất thằng Tr., đám nhỏ biết tựa vào ai, tui sợ đám nhỏ đứt học giữa chừng tội nghiệp lắm”.

“Nếu một ngày được ra tù, bị cáo mong được đến bên bàn thờ thắp cho anh Tr. nén nhang, cúi đầu xin lỗi vợ con anh tha thứ. Bị cáo đã cướp đi người cha của đứa trẻ” - Duy nhìn về phía bé Th. với vẻ ân hận.

Tòa nhận định hành vi của Duy là nghiêm trọng, bị cáo phải chịu mức án nghiêm khắc, nhưng xét thấy khi xảy ra vụ án có một phần lỗi của người bị hại nên tuyên Duy 12 năm tù.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.