Đường sắt Thống Nhất, đoạn từ tỉnh Bình Thuận đến TP.HCM: Làm gì để hạn chế tai nạn?

11/10/2005 08:49 GMT+7

Từ năm 2003 đến tháng 8.2005, trên tuyến đường sắt Thống Nhất, đoạn từ tỉnh Bình Thuận đến TP.HCM đã xảy ra 180 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 219 người chết và bị thương. Hạn chế thực trạng này bằng cách nào? Ông Trần Hữu Chiến - Phó giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng kỹ thuật toàn bộ cung đường sắt trên, cho biết:

- Hiện nay, chúng tôi đã và đang cho kiểm tra tất cả các con đường do dân tự mở mà không đảm bảo an toàn cho hành lang đường sắt. Đoạn nào nguy hiểm, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương rào chắn lại đồng thời giải tỏa những hộ nằm trong hành lang an toàn. Đây là một việc khó khăn vì không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt, đặc biệt TP.HCM là khu vực có mật độ dân cư đông đúc, lại có nhiều đường cắt ngang. Chúng tôi cũng đã xin kinh phí của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện các biện pháp bảo vệ như: xây dựng hệ thống tường rào an toàn từ đường Nguyễn Kiệm đến đường Lê Văn Sĩ; phối hợp với Sở Giao thông - Công chính TP.HCM thực hiện dự án xây tường rào từ Q.Gò Vấp đến Q.Thủ Đức; sửa chữa kết cấu các đường ngang, kiểm tra hệ thống biển báo; bố trí các lực lượng cảnh giới tại các đường ngang để cảnh báo cho dân biết khi có tàu sắp chạy qua... Với những đường ngang thường xảy ra tai nạn nhưng chưa có lực lượng chốt trực, chúng tôi đang đề nghị Tổng công ty và địa phương nâng cấp thành đường ngang có người gác, có barie, chẳng hạn như đoạn Long Khánh - Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Dĩ An tiến hành khảo sát cụ thể và phối hợp với chúng tôi xây dựng hàng rào song hành trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh này nhằm hạn chế các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

* Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đường sắt và vấn đề bồi thường, bảo hiểm khi xảy ra tai nạn?

- Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua đều do nguyên nhân khách quan. Điều quan trọng nhất để giảm thiểu tai nạn vẫn phụ thuộc vào ý thức người dân. Khi qua lại các đoạn đường dân sinh, người dân cần phải đề cao cảnh giác, quan sát thường xuyên các biển báo. Đường sắt nước ta hiện là con đường độc đạo nên sau khi xảy ra tai nạn, trưởng tàu chỉ cho tàu dừng lại và làm thủ tục bàn giao nạn nhân cho chính quyền địa phương.

Đình Mười
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.