Gói giải cứu 850 tỉ USD của ông Obama

19/12/2008 15:18 GMT+7

Nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ đang tụt dốc, tổng thống đắc cử Barack Obama đang xem xét một gói kích thích kéo dài hai năm với tổng trị giá lên đến khoảng 850 tỉ USD.

Hãng tin AP cho biết ông Obama chưa đưa ra quyết định về con số cuối cùng nhưng rõ ràng cũng phải vượt xa các kế hoạch giải cứu mà chính quyền Bush đưa ra trong thời gian qua. Có tin các cố vấn của ông Obama đã đề xuất chi tới 1.000 tỉ USD trong hai năm tới, tuy nhiên nguồn tin Đảng Dân chủ cho biết con số hợp lý là 850 tỉ USD.

Một số nhà kinh tế nhận định một gói kích thích quá lớn có thể gây tâm lý lo ngại trên thị trường tài chính, trong khi đội ngũ quản lý kinh tế của chính quyền Obama cũng muốn ra dấu hiệu thắt lưng buộc bụng về tài chính.

“Vua lừa” Madoff bị giam giữ tại gia

Cựu chủ tịch Nasdaq Bernard Madoff, tác giả vụ lừa đảo đa cấp 50 tỉ USD, mới đây đã được ra tù sau khi đóng 10 triệu USD tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, BBC cho biết Madoff sẽ bị giam giữ tại gia trong ngôi nhà ở Manhattan. Giữa tháng 1-2009, Madoff sẽ phải tiếp tục ra hầu tòa. Đầu tháng tới, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ tổ chức cuộc điều tra vụ lừa đảo Madoff và xác định tại sao chính quyền không phát hiện được thủ đoạn của Madoff.

Phát triển hạ tầng, tạo việc làm

Theo AP, gói kích thích khổng lồ này sẽ bao gồm các khoản chi cho xây dựng cầu đường và các dự án hạ tầng khác, xây các tòa nhà chính phủ tiết kiệm năng lượng, các trường học mới, phát triển các công nghệ sạch.

Chính quyền sẽ giảm thuế cho người thu nhập thấp và trung bình, không tăng thuế đối với người có thu nhập cao. Ông Obama cũng muốn đầu tư mạnh vào các chương trình hỗ trợ thực phẩm, dinh dưỡng cho người dân, cung cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện các chương trình đào tạo hướng nghiệp.

 

Công nhân của Chrysler tại Detroit thẫn thờ sau ngày làm việc cuối cùng hôm 12-12 - Ảnh: Reuters

Với mục tiêu xây dựng kế hoạch tạo 2,5 triệu việc làm trong hai năm tới, các cố vấn của ông Obama đã liên hệ với hàng loạt nhà kinh tế nổi tiếng để tìm lời khuyên. Theo dự báo của giới chuyên gia, nếu chính quyền không can thiệp, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng vọt lên đến 9% và sẽ chỉ bắt đầu giảm xuống từ năm 2011. AP dẫn lời thượng nghị sĩ Harry Reid: “Obama muốn đưa kế hoạch giải cứu đến quốc hội một cách nhanh chóng, do đó chúng tôi hi vọng sẽ thông qua gói kích thích trong vòng 7-10 ngày sau khi ông ấy lên nắm quyền (20-1-2009)”.

Hãng tin Reuters cho biết trong thời điểm khó khăn hiện nay, nhiều người dân Mỹ đang phải bán bớt đồ đạc, quần áo trong nhà, đồ trang sức... để có tiền mặt. Tuy nhiên, quyết định giảm lãi suất xuống còn 0-0,25% của Cục Dự trữ liên bang (FED) cũng đã giúp người dân dễ thở hơn. Theo AP, quyết định này đã đẩy lãi suất cho vay thế chấp mua nhà trả trong 30 năm xuống còn 4,5-5,06% so với mức 5,3% hồi đầu tuần. Nhiều người đã đổ xô đến các ngân hàng để tiếp cận các khoản vay dạng này.

Đại gia ôtô đóng cửa nhà máy

Hiện tại, khi gói giải cứu mới chưa xuất hiện, cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ vẫn đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Reuters cho biết mới đây Hãng Chrysler, một trong ba đại gia ôtô hàng đầu tại Mỹ, đã tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ 30 nhà máy sản xuất tại Mỹ trong vòng một tháng từ cuối tuần này, ít nhất là cho đến 19-1-2009 do doanh số bán hàng sụt giảm nặng nề.

Hơn 30.000 công nhân Chrysler tại Mỹ vẫn được nhận đầy đủ lương bổng trong giai đoạn này, tuy nhiên chi phí lao động chỉ chiếm khoảng 10% tổng chi phí sản xuất một chiếc ôtô. Dù nhận đủ lương, nhưng các công nhân Chrysler vẫn tỏ ra cực kỳ hoang mang về tương lai của họ. “Tôi không muốn nghỉ... Điều đó thật đáng sợ - AP dẫn lời công nhân Jerry Fogarty sống tại Detroit - Tôi thậm chí còn chưa mua quà Giáng sinh vì không biết điều gì sẽ xảy ra”.

Ngoài Chrysler, hai đại gia khác là General Motors và Ford cũng có những kế hoạch tương tự. General Motors trước đó tuyên bố sẽ tạm thời ngừng 30% công suất sản xuất tại Bắc Mỹ trong quý 1-2009 và đã ngừng việc xây dựng một nhà máy quan trọng tại Michigan. Cả Chrysler và General Motors đều sợ sẽ không còn đủ tiền để thanh toán chi phí hoạt động trong vài tuần tới. Trong khi đó, Ford cho biết sẽ đóng cửa 10 nhà máy tại Bắc Mỹ thêm một tuần trong tháng 1-2009. Trong tháng 11 vừa qua, doanh số của Chrysler giảm tới 47%, Ford sụt 31%, còn General Motors mất 41%.

Theo Hiếu Trung/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.