Người trị bệnh "ngồi lớp 6, học lớp 1" ở Quảng Ngãi

09/10/2006 22:45 GMT+7

Năm ngoái, có chuyện khá khôi hài ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: nhiều trường học vẫn tiến hành dạy chương trình lớp 1 cho học sinh lớp 6. Nghe chuyện lạ này, Bộ GD-ĐT đã cử một đoàn thanh tra về kiểm tra xem thử chuyện thật hay bịa. Rồi những chuyện ì xèo sau đó liên tục diễn ra. Tất cả đều chĩa mũi dùi về phía ông Đoàn Dụng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Sơn - tác giả của việc công khai "chữa căn bệnh thành tích" trong ngành giáo dục ở huyện mình. Cuối cùng thì chân lý cũng thuộc về người thầy giáo thẳng thắn và trung thực này.

* Trở lại chuyện "sáng lớp 6, chiều lớp 1", đã có bao nhiêu em trong lớp học ấy sau một năm "sáng-chiều" như thế đã thoát được... lớp 1?

- Ông Đoàn Dụng: Theo chỗ tôi biết thì có 9 em "thoát hiểm", số còn lại đang tiếp tục hoàn thiện dần kiến thức để các em ấy có thể ngồi đúng lớp. Điều tôi quan tâm là đánh giá đúng năng lực của từng em chứ không phải cố bằng mọi giá để đạt được chỉ tiêu đề ra bằng những báo cáo không trung thực. Lúc còn làm Hiệu trưởng Trường PTTH Vạn Tường, tôi thấy nhiều em thi vào lớp 10 có tổng hai môn Văn và Toán đều 0 điểm, song mở học bạ thì trong số đó, có em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến lớp 9. Tôi rất buồn và bắt đầu dị ứng với các báo cáo thành tích. Vì vậy, khi được điều về làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Sơn năm 2003, tôi buộc phải làm những điều mà trước đó chưa ai làm: thay đổi cách đánh giá về dạy cũng như học lâu nay. Vừa khai giảng năm học mới là Phòng GD-ĐT huyện cho kiểm tra chất lượng đầu năm của số học sinh lớp 6. Có năm, hàng trăm em lớp 6 bị điểm 0 qua kỳ kiểm tra này. Các hiệu trưởng không thể nói chuyên môn của trường mình rất tốt, học sinh lớp 5 tốt nghiệp tiểu học 100% mà khi kiểm tra, có quá nhiều em lớp 6, nguyên là học sinh lớp 5 của trường, lại "ăn" điểm 0 được. Qua 3 năm làm thí điểm theo cách vừa kể, tôi thấy số học sinh lớp 6 dính điểm 0 qua đợt kiểm tra đầu năm ngày một ít đi. Như vậy thì "bệnh thành tích" mà chúng tôi đang chạy chữa ấy không hẳn là đã kháng thuốc!


Trong hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 của ngành giáo dục, ông Đoàn Dụng (ảnh) (Quảng Ngãi) cùng thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Hà Tây) là hai người được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khen thưởng vì sự dũng cảm của họ. 
* Được biết, từ nhiều năm qua, ở huyện Bình Sơn, việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi đã được cải tiến. Ông có thể tiết lộ những cải tiến ấy?

- Ông Đoàn Dụng: Theo tôi, thi là để đánh giá đúng năng lực của giáo viên chứ không thi để lấy danh hiệu. Tôi không chấp nhận thi giáo viên dạy giỏi như lâu nay. Chẳng hạn như để giáo viên chọn giờ, chọn tiết dạy, chọn học sinh (đối tượng để thực hiện tiết giảng) là không được. Trước khi thực hiện tiết giảng ấy, giáo viên nọ phải "chạy" đến ông hội đồng này, bà tổ trưởng nọ để gửi gắm. Ngay cả việc phát biểu của học sinh trong tiết giảng hôm đó cũng không thật, vì đã được giáo viên “mớm cung” cho rồi. Kiểm tra bài em nào, trò nào phát biểu, nói ý gì... đều được sắp đặt sẵn. Làm như thế thì chỉ đóng kịch với nhau mà thôi. Giáo viên dạy giỏi là có thể dạy tốt ở bất cứ tiết học nào chứ không phải giỏi ở mấy tiết chuẩn bị! Ở Bình Sơn, trường nào đăng ký thi giáo viên dạy giỏi thì Phòng GD-ĐT sẽ cho trong khoảng thời gian một hoặc hai tháng bất kỳ nào đó, giáo viên đó dạy bất kỳ tiết giảng nào mà phòng chọn. Làm như thế, anh nào thực sự giỏi mới dám đăng ký vì biết chúng tôi chọn tiết nào mà chuẩn bị trước! Vì vậy, có giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh rồi mà thi cấp huyện vẫn cứ không đạt. Sắp tới tôi sẽ có tờ trình, xin đặc cách luôn cho những giáo viên không thi cũng đạt giáo viên dạy giỏi. Đó là những thầy cô giáo năm nào lớp họ dạy cũng có học sinh xuất sắc, đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Những người này họ không muốn thi chứ không phải họ không có năng lực. Vậy thì tại sao ta lại không công nhận cho họ là giáo viên dạy giỏi?

T.Đ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.