Khoảng lặng sau sàn vàng

31/10/2009 12:13 GMT+7

Thời gian gần đây “chỗ đứng” của vàng trên thị trường tiền tệ càng sáng sủa hơn khi giá vàng vọt lên xấp xỉ 24 triệu đồng/lượng. Vàng không còn là một món hàng có khả năng bảo tồn vốn đơn thuần nữa mà trở thành công cụ để giới đầu tư kiếm lợi. Hơn nữa, do chưa có quy chế quản lý cùng với lợi nhuận kếch sù nên sàn vàng nở rộ như nấm sau mưa. Tuy nhiên, phần lớn người chơi vàng thua thiệt thì chủ sàn vàng lại luôn đắc lợi!

Lên sàn vàng như đi chợ!

So với “bay nhảy” trên thị trường chứng khoán, lướt sóng trên sàn vàng dễ hơn, có vẻ không cần hiểu biết nhiều, hơn nữa khớp lệnh giao dịch cũng nhanh hơn. Vì vậy, bất chấp công luận đã nhiều lần đề cập và cảnh báo sự thiếu minh bạch của các sàn vàng, nhiều người vẫn lao vào sàn vàng như những con thiêu thân lao vào lửa.

Nếu như trước đây 2 năm, cả nước chỉ có mỗi sàn giao dịch vàng ACB của Ngân hàng Á Châu thì hiện nay đã có hơn 20 sàn vàng mọc lên, kèm theo đó là hàng ngàn đại lý nhận lệnh. Cùng với tốc độ ra đời sàn vàng, điều kiện để “gia nhập” sàn vàng cũng dễ dàng hơn.

Trước đây nhà đầu tư (NĐT) phải ký quỹ đến 7% tổng giá trị giao dịch và phải giao dịch tối thiểu 50 lượng trở lên thì hiện nay, để thu hút NĐT, các sàn đã bắt đầu hạ tỷ lệ ký quỹ và khối lượng giao dịch tối thiểu xuống rất thấp. Thậm chí có nhiều nơi còn nới lỏng các quy định về mức cảnh báo và xử lý tài khoản thâm hụt để săn đón các NĐT.

Một năm trước đây, để được tham gia giao dịch trên sàn vàng SBJ thì NĐT phải có hộ khẩu, chứng minh nhân dân và ký quỹ 7%. Còn nay, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) Nguyễn Ngọc Quế Chi cho biết, các NĐT đến với sàn vàng này chỉ cần có chứng minh nhân dân và ký quỹ 5%.

Thêm vào đó, đơn vị này cũng đã chủ động hạ mức cảnh báo từ 5% xuống 3% và mức xử lý tài khoản từ 3% xuống 2%. Không chịu “lép vế”, nhiều sàn vàng khác còn nới rộng “cửa chơi” cho các NĐT cá nhân với khối lượng giao dịch tối thiểu được hạ xuống chỉ còn có 5 lượng và mức ký quỹ chỉ còn 3%, có nơi chỉ là 1%! Chính vì vậy, các sàn vàng cũ lẫn những sàn mới “mọc” với nhiều ưu đãi luôn nườm nượp dân chơi vàng, và có thể nói hiện nay lên sàn vàng dễ như đi chợ.

Một người cười, mười kẻ khóc

Từ đầu tháng 9 đến nay, giá vàng liên tục biến động mạnh theo chiều hướng tăng dần. Một trong những NĐT đã “bắt nhịp” cơ hội này và thu lợi khá nhiều là anh T.T.A., giám đốc một công ty kinh doanh vàng khá lớn ở TPHCM.

Giữa tháng 9, anh T.T.A. đã mạo hiểm thế chấp toàn bộ tài sản cá nhân và công ty cho ngân hàng để vay 40 tỷ đồng và “đánh lên” (mua vô) 1.900 lượng vàng khi giá vàng thế giới còn ở mức 943 USD/ounce và giá vàng trên sàn là 19,65 triệu/đồng.

Đến ngày 14-10, khi giá vàng thế giới lên 1.066 USD/ounce và giá vàng giao dịch trên sàn vọt lên 23,1 triệu đồng/lượng thì anh T.T.A. chốt lời, tiền lãi thu về gấp đôi số vốn bỏ ra.

Tuy vậy, anh T.T.A. chỉ là một trong những NĐT hiếm hoi lướt sóng thành công trong đợt bão giá vàng vừa qua. Còn lại, có đến 90% NĐT đã thảm bại vì hiếm người ngờ rằng giá vàng có thể leo lên 23,1 triệu đồng rồi lại nhảy lên gần 24 triệu đồng/lượng chỉ trong thời gian quá ngắn như thế. Vì vậy phần lớn NĐT trên các sàn vàng trong nước trong thời gian vừa qua đều “đánh xuống”, và hầu hết đều đã bị “cháy” tài khoản vì không đủ tiền để “đắp vào” khi tài khoản rơi xuống mức cảnh báo.

Không những vậy, nhiều sàn vàng quy định thời gian để NĐT “châm” tiền vào tài khoản chỉ 15-30 phút nên phần lớn NĐT đều bó tay và phút chốc bỗng trắng tay!

Tại sàn giao dịch vàng ACB, không ai không biết chị N.T.N.M. vì chỉ mỗi mình chị dám mượn nhiều CMND để mở 6 tài khoản chơi vàng. Tuy nhiên, trong các ngày 12, 13 và 14-10 vừa rồi, giá vàng liên tục tăng cao, do không xoay sở kịp (không có tiền để bù vào) nên 5/6 tài khoản của chị M. đều rơi vào tình trạng cảnh báo và chị đã mất đứt hơn 1,5 tỷ đồng!

Không những vậy, qua thời gian “cư ngụ” trên sàn vàng, vốn liếng của các NĐT ngày càng “cụt” dần. Là một trong những khách hàng đầu tiên của sàn vàng ACB, anh N.V.S. (đường Lý Thường Kiệt, Tân Bình) luôn được nhiều NĐT khác nhìn với ánh mắt đầy ngưỡng mộ bởi anh “nhập sàn” với số vốn khá nặng ký: 7 tỷ đồng! Hơn thế, mỗi lệnh giao dịch của anh S. thường có trị giá 2.500-3.000 lượng.

Tuy nhiên, sau nhiều đợt đoán “trật” đường đi của giá vàng, nhất là trong những ngày đầu của tháng 10 này, anh đã rơi vào “ngõ cụt”. Sau khi “đánh xuống” 2.500 lượng vàng ở mức giá 21 triệu đồng/lượng, anh S. “rung đùi” vì đinh ninh rằng giá vàng sẽ giảm do đây là mức giá mà các NĐT có thể chốt lời được. Thế nhưng giá vàng lại bất ngờ vọt lên 22 triệu rồi 23 triệu và chạm ngưỡng 24 triệu đồng/lượng, thế là số vốn 4 tỷ đồng còn lại của anh cũng “bốc hơi”!

Tương tự anh N.V.S., không những phải “bái biệt” sàn vàng mà chị M.T.H (đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) còn âm (nợ ngân hàng) 100 triệu đồng khi mất đứt 500 triệu đồng sau gần 2 năm “túc trực” trên sàn vàng.

Ngược lại, nhiều sàn vàng ngày càng “ăn nên làm ra”. Mặc dù chỉ mới thành lập chưa đầy một năm nhưng sàn vàng SBJ (của Ngân hàng Sacombank) đã thu hút được gần 4.000 NĐT và có khối lượng vàng giao dịch đạt 300.000 - 600.000 lượng/ngày.

Tại sàn vàng của Công ty CP Vàng Phố Wall, khối lượng giao dịch hiện nay cũng đã tăng gấp 4 lần (tương đương 3.000 tài khoản) so với lúc mới thành lập. Cùng với số lượng tài khoản, doanh thu của các sàn vàng cũng cao ngất. Chưa kể những khoản thu khác như lãi suất cho vay, hạn mức rút vàng, chỉ mới tính phí giao dịch mỗi lượng là 2.000 đồng thì mỗi sàn vàng đã thu vào hàng tỷ đồng mỗi ngày.

Nghề chơi cần có “công phu”

Trải qua nhiều chìm nổi, giờ đây anh N.V.S. chiêm nghiệm rằng: “Để đầu tư vàng có hiệu quả thì các NĐT đừng “nuôi trạng thái” quá lâu. Nếu thấy có lời hoặc lỗ từ 30 đến 40 giá thì NĐT nên đặt lệnh chốt lời hoặc cắt lỗ, không nên “ôm mộng ăn dày” hoặc để rơi vào mức cảnh báo.

Nhiều NĐT vàng nhận định rằng, giao dịch vàng qua tài khoản ngày càng khó có lời vì giá vàng càng ngày càng diễn biến khó lường và bị tác động bởi quá nhiều yếu tố, từ đồng USD mất giá cho đến các động thái gom xả hàng của các quỹ đầu cơ thế giới.

Nhắn nhủ với các NĐT mới, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi cho rằng trước khi lao vào cuộc chơi này các NĐT nên trang bị một số vốn kiến thức nhất định về nghiệp vụ kinh doanh vàng. Đó là điều kiện cần để NĐT có thể thường xuyên nắm bắt thông tin và diễn biến thị trường vàng thế giới và trong nước. Đồng thời, tối thiểu nhất là qua các đồ thị về vàng, NĐT có thể phân tích được sơ bộ đường đi của giá vàng.

Tuy nhiên, theo bà Chi, quan trọng nhất là NĐT phải biết chốt lời và cắt lỗ đúng lúc, không nên “nuôi trạng thái”, cứ thấy lời hoặc lỗ 2-3% thì nên đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, giá vàng ở các sàn vẫn không sát với giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới lên hay xuống 1 USD thì giá vàng trong nước phải “chạy” theo 10 - 20 giá mới hợp lý. Thế nhưng tại nhiều sàn vàng giá lại đứng yên hoặc thấp hơn hay cao hơn giá thế giới rất nhiều, do vậy, các NĐT chơi như “gà mắc tóc” và cầm chắc thua thiệt.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng NĐT nên chọn thời điểm thích hợp để tham gia thị trường. Cùng với đó, NĐT còn phải bỏ công nghiên cứu, theo dõi sát sao thị trường, nhất là thị trường chứng khoán Mỹ, tỷ giá, giá dầu thô… để tìm biết rõ lực mua lực bán (các động thái gom xả hàng của các quỹ đầu cơ, các quyết sách của các ngân hàng trung ương), từ đó có cách “ứng xử” thích hợp.

Theo Hoàng Liêm - Mai Thi / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.