Nỗi đau kiều bào trong thảm họa

24/11/2010 23:53 GMT+7

Các cán bộ Đại sứ quán VN tại Campuchia hôm qua phát hiện thêm kiều bào thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp hôm 22.11.

Đến cuối giờ chiều qua, con số Việt kiều thương vong chính thức do Sứ quán VN cung cấp là 9 người chết, 8 bị thương và 1 người mất tích. Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Người VN tại Campuchia, cho hay con số này có thể còn cao hơn. Ông Chi nói hội đã báo chi hội ở các quận, huyện, tỉnh, thành rà soát các gia đình có người mất tích để liên hệ với các cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm. Trước mắt, Hội đã xuất quỹ để hỗ trợ 100.000 riel (gần 500 ngàn đồng)/trường hợp.

Suốt hôm qua, đoàn 3 cán bộ của Đại sứ quán VN ở Campuchia đã đến từng gia đình Việt kiều có người gặp nạn để thăm hỏi, động viên cũng như trao tiền hỗ trợ. Gia đình nào có người chết thì nhận 100 USD để lo tang lễ. Các nạn nhân bị thương được trao 50 USD để lo thuốc men điều trị.

Nước mắt kiều bào


Một người chăm chú tìm tên người thân tại Bệnh viện Calmette - Ảnh: Tiến Trình

Tại huyện Pon Nhie Lue ở tỉnh Kandal kế cận Phnom Penh, phóng viên Thanh Niên tiếp xúc với gia đình bà Nguyễn Thị Còn, mẹ chị Nguyễn Thị Nhớ, nạn nhân thiệt mạng trong cuộc giẫm đạp. Ngôi nhà của chị Nhớ nằm trong xóm nổi bên mép sông Tonle Sap. Đường vào nhà được đóng ván gỗ, chòng chành, chênh vênh như chính cuộc sống của họ. Chị Nhớ làm phục vụ trong quán cà phê ở Phnom Penh, còn chồng thì làm nghề sửa xe. Chị Nhớ ra đi ở tuổi 22 để lại đứa con gái mới 4 tuổi. Mẹ chị kể trong nước mắt: “Có hội đua thuyền rồi nó ham vui quá thì đi coi thôi. Nó đi với 3 đứa bạn mà bạn nó sống. Có mình nó chết à”. Bà Còn kể khi không thấy con gái về bà bảo con rể đi tìm. Đến Bệnh viện Calmette thì thấy xác Nhớ ở đó. Mặt cô bị vỡ xương nhiều chỗ, dưới cổ còn in dấu giày đàn ông.

Tại một gia đình khác cũng trên mép sông Tonle Sap, người ta đang chuẩn bị quan tài để liệm xác anh Nguyễn Văn Chạy, 18 tuổi. Cha anh là ông Nguyễn Văn Thơm kể: “Bữa đó tui không cho nó đi chơi… Nó qua năn nỉ mẹ nó, kêu là cho nó đi chơi lần cuối thôi”. Và quả thật, đó là lần đi chơi cuối cùng của anh Chạy. Thi thể anh được đặt trong nhà để đợi liệm xác. Trên đầu là ảnh một thanh niên trẻ măng.

Còn tại một ngôi chùa ở Phnom Penh, cảnh tượng có lẽ còn xót xa hơn khi một gia đình có đến 2 người con thiệt mạng, đó là Nguyễn Văn Sóc, 13 tuổi, và Nguyễn Thị Bình, 21 tuổi. Mẹ của 2 em là bà Nguyễn Thị Ẩn, 55 tuổi, làm nghề buôn phế liệu cho hay, bà có 7 người con. Bình và Sóc là hai đứa nhỏ nhất. Cháu bà Ẩn, em Ton Pi Sit, 6 tuổi, cũng thiệt mạng trong vụ giẫm đạp.

Dư luận phẫn nộ

Gia đình các nạn nhân hôm qua bày tỏ sự giận dữ về công tác ngăn ngừa và ứng phó thảm họa của giới hữu trách. “Tôi rất đau lòng và phẫn nộ. Không biết cảnh sát làm gì nữa, tại sao họ lại để chuyện như vậy xảy ra?”, AFP dẫn lời anh Phea Channara nói tại tang lễ người em gái 24 tuổi của mình. Một người khác tên Hun Sangheap kể ông đã giúp lôi các nạn nhân ra và phàn nàn rằng lực lượng cứu hộ có mặt rất trễ.

Chính quyền thừa nhận họ đã không lường hết mọi tình huống khi khoảng 3 triệu người đổ về Phnom Penh để dự lễ hội. “Chúng tôi lo ngại việc lật thuyền và móc túi chứ không ngờ đến một thảm họa giẫm đạp”, phát ngôn viên chính phủ Khieu Kanharith phát biểu. Ông cho biết thêm Ban quản lý khu du lịch đảo Kim Cương và cây cầu cùng tên thuê một công ty an ninh tư nhân để giữ gìn trật tự nên cảnh sát chỉ phụ trách vòng ngoài. Cảnh sát đang thẩm vấn những người chịu trách nhiệm của khu du lịch này.

Lê Loan

Xa xôi hơn nữa là xã Sari Kakeo, huyện Lvia Em, cũng thuộc tỉnh Kandal. Đây là một xóm đạo nghèo. Để đến được đây, người ta phải đi phà hoặc thuyền từ bên kia huyện Kien Svay, vượt qua ngã ba sông, nơi sông Tonle Sap và sông Mê Kông nhập dòng. Bà con Việt kiều hôm qua tập trung ở một nhà thờ nhỏ để làm tang lễ và cầu nguyện cho em Nguyễn Ngọc Trinh, 12 tuổi. Em và mẹ mình là Lê Thị Thấm đều bị kẹt trong đám đông hoảng loạn trên cầu đảo Kim Cương đêm 22.11. Nhìn bức ảnh chụp thi thể em, không thể không xót xa khi thấy các vết đạp còn in trên mặt. Mẹ em may mắn sống sót nhưng bị thương rất nặng, đang phải nằm viện. Bên ngoài nhà thờ là tấm bia ghi: “Phê rô Nguyễn Ngọc Trinh. Sinh nhật 7.11.1999. Tạ thế 22.11.2010”. Em Trinh vừa bước qua tuổi 12 được vài ngày thì đã lìa xa cõi đời.

Từ 351 đến 456 người chết

Theo số liệu chính thức từ Ủy ban Chịu trách nhiệm giải quyết vụ thảm họa của Campuchia thì tính đến hôm qua, số người thiệt mạng là 351 người cùng 404 người bị thương. AFP thì dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ith Samheng đưa con số còn cao hơn: 456 người chết và 395 người bị thương.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại các bệnh viện, đến đầu giờ chiều qua, tất cả thi thể đã được người thân và chính quyền địa phương đưa về an táng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người Campuchia từ các tỉnh, thành lân cận kéo về các bệnh viện để tìm kiếm người thân. Tại Bệnh viện Calmette, người ta vẫn vây quanh danh sách những người bị thương đang điều trị để hy vọng có tên người thân mình trong đó. Anh Sopheak từ tỉnh Kandal cho biết anh đã lên thủ đô 2 ngày để tìm con trai. Anh đã đến nhiều nơi, nhưng vẫn chưa thấy tên con.

Danh sách Việt kiều thiệt mạng do Sứ quán VN cung cấp

Nguyễn Văn Sóc, 13 tuổi
Nguyễn Thị Bình, 21 tuổi (chị Sóc)
Ton Pi Sit, 6 tuổi (người nhà Bình và Sóc)
Hout Vanthy, 10 tuổi
Dương Thị Loan, 35 tuổi (mẹ Hout Vanthy)
Nguyễn Ngọc Trinh, 12 tuổi
Nguyễn Thị Nhớ, 22 tuổi
Nguyễn Văn Chạy, 18 tuổi
Nguyễn Thị Bé, 54 tuổi

Số người bị thương quá đông đưa tới tình trạng nhiều bệnh nhân đã qua nguy kịch phải chuyển ra nằm ngoài lối đi. Tại các bệnh viện khác thì tình hình có khá hơn. Chị An Ann, Phó phòng Kế hoạch Bệnh viện Preah Ket Mealea cho biết toàn bộ nạn nhân được điều trị tại đây, trong đó có một phụ nữ bị đạp rách cơ bụng, đã qua cơn nguy kịch. Bệnh viện này tiếp nhận 56 nạn nhân trong đó có 14 người tử vong trước khi đến nơi.

Các cơ quan truyền thông lớn của Campuchia đã mở đợt kêu gọi hỗ trợ các nạn nhân và được hưởng ứng đông đảo. Từng hàng người đứng trước các đài truyền hình lớn như CTN, Bayon và Đài truyền hình quốc gia. Tại các cơ sở y tế, cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm cũng đã đến tận nơi để trao tận tay số tiền giúp đỡ các nạn nhân. Hôm qua, nhiều tổ chức của VN sang hỗ trợ tài chính, thuốc men, góp phần giúp nước bạn vượt qua mất mát.

Việt Phương - Tiến Trình
(từ Phnom Penh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.