Lấy đường phố làm… sân trường

05/12/2011 07:16 GMT+7

Trong khi những trung tâm thương mại, khu đô thị mọc lên nhanh chóng, nhiều trường học tại Hà Nội vẫn không có đất làm sân chơi cho học sinh.

Trong khi những trung tâm thương mại, khu đô thị mọc lên nhanh chóng, nhiều trường học tại Hà Nội vẫn không có đất làm sân chơi cho học sinh. 

9 giờ sáng, có mặt tại Trường tiểu học Bà Triệu (31 Tô Hiến Thành, Q.Hai Bà Trưng), chúng tôi chứng kiến hàng trăm học sinh hồn nhiên nô đùa chạy nhảy, đá bóng trên vỉa hè, lòng đường trong giờ ra chơi.

Anh Nguyễn Văn Bình làm nghề xe ôm ở trước cổng trường cho biết, đã nhiều lần chứng kiến các em gặp tai nạn giao thông khi ra đường chơi trong giờ nghỉ giải lao, nhẹ thì xây xát, nặng thì đi cấp cứu.

Cô Nga, một người bán hàng nước gần khu vực này chia sẻ: “Chưa từng thấy ở đâu như ở đây. Ngôi trường giữa trung tâm Thủ đô mà lại chật chội thế này”. Trong sân trường có một khoảng, thì đã tận dụng làm chỗ để xe cho giáo viên, bà Nga cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thúy, nhà ở phố Bùi Thị Xuân có con học tại trường này cho biết, trường chật chội, học sinh không có chỗ chơi, nhưng vợ chồng chị vẫn phải cho con học tại đây vì tìm trường cho con không phải dễ.

“Nhìn con chơi với chúng bạn dưới lòng đường, cũng rất lo, nhưng chẳng biết làm thế nào vì cả phường chỉ có duy nhất trường này, phụ huynh không có lựa chọn nào khác”, chị Thúy kể.

Đến đây sáng thứ hai hằng tuần, sẽ bắt gặp cảnh hàng trăm học sinh rồng rắn trên phố để về xếp hàng chào cờ trên hè phố. Do nhà trường có đến 3 điểm học, ngoài cơ sở chính là 31 Tô Hiến Thành, còn 2 cơ sở khác là 37 Tô Hiến Thành và 173 Bà Triệu nên mỗi thứ hai đầu tuần, học sinh tại các cơ sở lại “hành quân” về cơ sở chính làm lễ chào cờ.

Buổi chào cờ của Trường tiểu học Bà Triệu cũng diễn ra rất chóng vánh. Chỉ xếp hàng hát quốc ca, đội ca rồi giải tán. “Mỗi khi chào cờ xong, các cháu lại vừa đi vừa nô đùa để về lớp trong khi các phương tiện vẫn phóng vèo vèo bên cạnh”, người lái xe ôm kể trên cho biết.

Trường tiểu học Bà Triệu vốn là một biệt thự 3 tầng được ngăn thành nhiều phòng học, sự chật chội đã kéo dài mấy chục năm nay. Nhiều cấp lãnh đạo đã xuống thăm và hứa sẽ cho trường đến một cơ sở mới. Tuy nhiên, rất nhiều trung tâm thương mại, nhà cao tầng lần lượt mọc lên xung quanh một cách chóng vánh thì Trường tiểu học Bà Triệu vẫn không được thêm chút mặt bằng nào để làm sân chơi.

Giờ ra chơi ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu (35 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm) tuy không có cảnh học sinh nô đùa trên đường phố nhưng cũng khiến nhiều người trăn trở do sân trường rất hẹp nhưng lại có quá đông học sinh.

Mỗi khi ra chơi, hàng trăm học sinh túa ra khoảng sân giống đoạn hành lang rộng chừng vài chục mét vuông khiến “sân trường” ken đặc học sinh trong nháy mắt. Nhiều em không biết chơi trò gì trong không gian chật hẹp, chỉ đứng bấu vào hàng rào sắt, đưa mắt dõi theo người đi đường, thèm khát một không gian đủ để có thể hoạt động tay chân .

Sân trường quá nhỏ còn khiến quyền được dự ngày khai giảng của nhiều học sinh bị xâm phạm. Từ nhiều năm nay, dư luận Thủ đô không lạ với việc nhiều trường phải tổ chức lễ khai giảng mà chỉ có… đại diện học sinh tham gia.

Có trường chọn cách năm nay lớp này được dự khai giảng thì sang năm... ở nhà; có trường cho tất cả đến trường nhưng mỗi lớp chỉ khoảng vài chục học sinh được xuống dự lễ, còn lại ngồi trong lớp.

Với những trường như Bà Triệu, Võ Thị Sáu..., muốn tổ chức các hoạt động lớn thì phải nhờ UBND phường cho quây một đoạn phố. Sự kiện lớn hơn nữa thì cả trường phải kéo nhau ra... công viên Thống Nhất.

Thông tư liên tịch giữa Bộ Y Tế và Bộ GD-ĐT quy định các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường phổ thông nêu rõ: “Bảo đảm có sân chơi, sân tập và cây xanh. Diện tích để trồng cây xanh bảo đảm từ 20% đến 40%; Diện tích để làm sân chơi, sân tập từ 40% đến 50% so với tổng diện tích của nhà trường”. Tuy nhiên, rất nhiều trường tiểu học tại Hà Nội không đủ điều kiện như quy định.

 Lê Quân - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.