2010, xuất khẩu vũ khí tăng kỷ lục

26/11/2010 08:22 GMT+7

(TNTS) Trong vòng 2 tháng 10 và 11.2010, hai cường quốc xuất khẩu vũ khí là Mỹ và Nga đã công bố số liệu về xuất khẩu vũ khí năm 2010.

Vượt qua khủng hoảng

Trong năm 2010 này, phía Mỹ công bố đã xuất khẩu được hơn 30 tỉ USD vũ khí. Còn Nga khiêm tốn hơn: Chỉ gần 10 tỉ USD. Tuy thế, những con số này cho thấy đã có sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước và có thể nói ngành công nghiệp quốc phòng đã bước ra khỏi khủng hoảng.

Trước đó, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, bắt đầu từ mùa thu năm 2008, là nguyên chính khiến nhiều quốc gia cắt giảm bớt ngân sách quốc phòng. Kết quả là xuất khẩu vũ khí trên thế giới gần như chững lại. Còn trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2007, hầu như năm nào doanh thu từ xuất khẩu vũ khí trên thị trường thế giới cũng đều tăng. Năm 2007, tổng giá trị xuất khẩu đã đạt 48,488 tỉ USD.

Mỹ là quốc gia lớn nhất về xuất khẩu vũ khí. Theo đánh giá của SIPRI, thị phần của Mỹ trong năm 2009 trên thị trường mua bán vũ khí chiếm 30%. Nga đứng thứ hai với 24%. Đức thứ ba với 11%, còn thứ tư là Pháp 8% và Anh thứ 5 với 4%.

Hai năm sau đó - 2008 và 2009 hầu như không có sự tăng trưởng trên thị trường vũ khí. Năm 2008, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn thế giới đạt 49,103 tỉ USD, còn năm 2009 là 50,204 tỉ USD. Theo dự báo của Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới, 2010 sẽ là năm kỷ lục trong lịch sử mua bán vũ khí, khi tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn thế giới đạt 75,026 tỉ USD. Đây là con số đã được tính toán dựa trên các hợp đồng mua bán vũ khí đã ký.

Hiện chưa thể đưa ra con số chính xác về lượng vũ khí mà từng quốc gia đã mua trong năm 2010. Bởi theo các chuyên gia, việc ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí vào những tháng cuối năm thường có những diễn biến bất ngờ. Hơn thế, hai "nhân vật" chính trên thị trường mua bán vũ khí đã chính thức lên tiếng, đưa ra các số liệu, thì đó đã là những thông tin đáng để tin tưởng, tham khảo.

Ngày 10.11.2010, Cơ quan Hợp tác quân sự (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo: Năm thứ ba liên tiếp xuất khẩu vũ khí của Mỹ liên tục đạt ngưỡng 30 tỉ USD. Theo kết quả tài chính năm 2010 (kết thúc vào ngày 30.9.2010), con số chính xác là 31,6 tỉ USD. Những bạn hàng lớn của Mỹ là Afghanistan, Israel, Ai Cập chi ra số tiền tương ứng là 4,7 tỉ USD, 4 tỉ USD và 2,6 tỉ USD. 


CH-47F Chinook

DSCA tính toán việc xuất khẩu vũ khí theo hai hướng: Thông qua ký kết với các chính phủ nước ngoài (FMS) và ký hợp đồng trực tiếp. FMS do DSCA làm trung gian để các chính phủ ký thỏa thuận với nhau. Và theo kênh này, Mỹ bán được 25,2 tỉ USD vũ khí. Còn các hợp đồng cung cấp trực tiếp (ký với các hãng sản xuất vũ khí) chỉ đạt 6,4 tỉ USD. Tóm lại, năm 2010, Mỹ chiếm 42% tổng giao dịch mua bán vũ khí trên toàn thế giới. Chỉ số này lý ra có thể cao hơn nhiều, nếu như vũ khí, khí tài của Mỹ không thuộc hàng đắt nhất thế giới. 

Tiếp tục tăng trưởng

Với Nga thì sao? Vào cuối tháng 10.2010, Tổ chức Hợp tác kỹ thuật - quân sự liên bang thông báo: Năm 2010 xuất khẩu vũ khí, khí tài đạt gần 10 tỉ USD. Chính xác hơn là các hợp đồng ký kết được tổng cộng 9,958 tỉ USD. Theo đánh giá của Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport - ông Anatoli Isainik, mua bán vũ khí của Nga năm thứ 11 liên tiếp tăng. Trung bình mỗi năm tăng từ 500 - 700 triệu USD. Hiện Nga bán vũ khí cho 70 quốc gia trên thế giới.


Mig-29

"Nếu như trước đây Nga chủ yếu bán vũ khí cho Ấn Độ và Trung Quốc (chiếm 80% tổng các hợp đồng), thì nay cơ cấu đã thay đổi - ông Anatoli Isainik nói - Hiện đã xuất hiện các quốc gia khác mong muốn mua vũ khí của chúng ta. Cụ thể có tới 10 quốc gia chiếm 90% các hợp đồng mua bán vũ khí". Trong năm 2010, Nga chiếm gần 13% thị trường mua bán vũ khí thế giới. Trong khi đó theo kết quả năm 2009, Nga chiếm tới 17,5% thị phần. Do vậy, từ nay đến cuối năm, rất có thể còn có thay đổi trong mua bán vũ khí của Nga. Cũng cần nói thêm, năm 2009, chỉ riêng Rosoboronexport đã bán được 7,4 tỉ USD trên tổng số 8,4 tỉ USD vũ khí mà Nga bán ra. Khi đó, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá thị phần của Nga trong lĩnh vực này trên thế giới là 24%, chỉ đứng sau Mỹ. Mặt khác, vũ khí Nga thường có giá rẻ, nên được các nước đang phát triển mua khá nhiều.


Su-30MK2

Theo truyền thống, nhu cầu vũ khí cao nhất trên thế giới là trang thiết bị khí tài hàng không. Trong đó máy bay tiêm kích chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chẳng hạn, vào năm 2009, thị phần của máy bay tiêm kích, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chiếm gần 33% trên tổng giao dịch mua bán vũ khí. Đứng thứ hai là hệ thống tên lửa đất đối không và thứ ba là các loại vũ khí cho bộ binh và các hạm đội.

Từ đầu năm 2010, Nga ký vài hợp đồng xuất khẩu vũ khí, trong đó có 6 máy bay huấn luyện Yak-130 cho Libya, 29 tiêm kích Mig-29K cho Ấn Độ, 29 trực thăng Mi-171E cho Argentina, 6 tiêm kích Su-30MK2 cho Uganda. Ngoài ra, còn có 5 trực thăng Mi-17 cho Ba Lan và 38 hệ thống tên lửa Pansyr-S1 cho Algeria. Bên cạnh đó là các hợp đồng cải tiến các trang thiết bị khí tài.   

Cần chú ý rằng, trong năm tới - 2011, rất có thể nhu cầu vũ khí, khí tài trên thế giới tăng. Trước hết đó là từ phía Mỹ. Ngày 8.10.2010 (năm tài chính 2011), Israel mua của Mỹ 20 tiêm kích F-35 Lightning II với tổng giá trị 2,75 tỉ USD. Ngoài ra, trong năm 2011, Mỹ còn có thể cung cấp cho Ả Rập Xê Út một lượng vũ khí lớn. Bởi tháng 8.2010, Ả Rập Xê Út đã đàm phán với Mỹ để mua lượng vũ khí, khí tài có tổng trị giá 60 tỉ USD. Trong đó có 70 trực thăng Apache Block III, 72 Black Hawk, 36 AH-6i và 84 tiêm kích F-15SA. Nhiều khả năng, lưỡng viện Mỹ sẽ không phê chuẩn cả gói hợp đồng, nhưng ký kết từng phần là điều nằm trong tầm tay. Chỉ riêng thế sẽ làm tăng trưởng đáng kể lượng vũ khí Mỹ bán ra trên thị trường thế giới.

Vị thế của Nga trên thị trường vũ khí thế giới năm 2011 hầu như không thay đổi. Theo dự báo từ phía Nga, trong một vài năm tới, xuất khẩu vũ khí của cường quốc này sẽ đạt trung bình từ 9 - 10 tỉ USD/năm. Theo Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí toàn cầu (CAWAT), trong năm 2011, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn thế giới sẽ đạt 62,9 tỉ USD.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.