CDMA loay hoay tìm chỗ đứng

18/11/2007 23:08 GMT+7

Kết quả công bố chất lượng dịch vụ viễn thông vừa qua của cơ quan chức năng càng khiến các mạng di động sử dụng công nghệ CDMA mất điểm trong mắt người tiêu dùng.

Dù kết quả được Cục Quản lý chất lượng bưu chính viễn thông (BCVT) và công nghệ thông tin (CNTT) công bố chưa hẳn mang tính tổng quát (mỗi mạng chọn 1 tỉnh thành để đo kiểm một số chỉ tiêu chất lượng: S-Fone tại Lâm Đồng, MobiFone tại Lào Cai, VinaPhone tại Khánh Hòa, E-com tại Hà Nội...), tuy nhiên sự thua kém về chất lượng của các mạng di động sử dụng công nghệ CDMA so với các mạng khác là không có gì bất ngờ.

Thực ra, chưa cần phải chờ đến việc công bố chất lượng của Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT, việc phát triển thuê bao một cách khó nhọc của các mạng sử dụng CDMA vài năm gần đây là hình ảnh minh chứng cho việc khách hàng chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ của các mạng này. Công nghệ CDMA có mặt khá trễ ở Việt Nam so với GSM (được mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone ứng dụng) nên việc tiếp cận với khách hàng cực kỳ vất vả, thậm chí gặp khó khăn trong việc giải thích cho người tiêu dùng hiểu. Chẳng hạn 1 trạm thu phát sóng (BTS) của mạng dùng CDMA có bán kính phủ sóng khoảng 3 - 4 km, còn 1 trạm BTS của mạng dùng GSM có bán kính phủ sóng khoảng 1,5 - 2 km, thế nên trên cùng một diện tích địa bàn, các mạng dùng CDMA có số trạm BTS ít hơn mạng dùng GSM. Trong khi đó nhiều người tiêu dùng lại hiểu rằng, mạng nào có ít trạm BTS hơn thì chất lượng sóng kém hơn (thực tế chất lượng sóng phụ  thuộc vào nhiều yếu tố như máy đầu cuối, trạm BTS, đường truyền...). Hoặc khách hàng luôn kêu ca máy đầu cuối CDMA không phong phú, nhưng thực tế trên thế giới các nhà sản xuất máy đầu cuối CDMA rất nhiều, chỉ có điều thị trường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn các hãng sản xuất đó. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Viễn thông điện lực miền Nam thú nhận, một trong những khó khăn lớn nhất của EVN Telecom là "xã hội hóa" máy đầu cuối.

Bưu điện TP.HCM (thuộc Tập đoàn VNPT, vốn đang nắm 2 mạng VinaPhone, MobiFone sử dụng công nghệ GSM với số thuê bao áp đảo trên thị trường) cũng bắt đầu kinh doanh ở sân chơi mới: CDMA 2000-1X, với một tổng đài 70.000 số vừa được đưa vào sử dụng.

Cái dở nhất của các nhà cung cấp dịch vụ mạng dùng CDMA là tiếp cận thị trường. Ở EVN Telecom, việc kinh doanh vẫn còn bóng dáng của một "ông độc quyền" trong ngành điện: chờ khách hàng tìm đến mình; trong khi kinh doanh viễn thông khác hẳn hoàn toàn: nhà cung cấp dịch vụ phải đi tìm khách hàng. Tháng 10 vừa qua, EVN Telecom tuyên bố đạt 2 triệu thuê bao, nhưng thực ra đây là phép cộng của cả 3 loại: E-com (dịch vụ cố định không dây), E-phone (di động nội vùng), E-mobile (di động toàn quốc).  Chứ chỉ xét riêng E-mobile (mạng 096) thì số thuê bao không quá 500.000. Cả HT Mobile (mạng 092) cũng chưa vượt con số này. HT Mobile lẹt đẹt bởi thời gian qua đã "lỡ quên" thị trường phía Nam, nhất là TP.HCM vốn sôi động nhất thị trường viễn thông cả nước.

S-Fone là mạng đi đầu dùng CDMA hiện đã vượt 3 triệu thuê bao, nhưng con số này chưa bù đắp được những gì đã đầu tư.

Thay đổi cách tiếp cận người tiêu dùng, nâng cao chất lượng để phát triển là điều mà các mạng dùng CDMA cần phải làm nhanh để tìm chỗ đứng trên thị trường. Cứ mãi loay hoay như hiện nay sẽ tụt hậu so với các mạng dùng GSM.

T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.