Kinh tế thật

22/10/2008 23:53 GMT+7

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng có đăng các ý kiến của một số giáo sư, tiến sĩ nước ngoài đề cập đến cụm từ "kinh tế thật", có ý phân biệt với "kinh tế tài chính" - mặc dù các chuyên gia này không gọi "kinh tế tài chính" là "kinh tế ảo".

"Kinh tế thật" có thể hiểu là kinh tế hàng hóa, là giá trị thật của hàng hóa, của bất động sản, của cổ phiếu công ty niêm yết. "Kinh tế tài chính" là giá cả của hàng hóa, biểu hiện bằng tiền của giá trị. Giá cả có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị, nhưng chỉ xoay quanh giá trị. Thời gian qua, ở một số nền kinh tế trên thế giới, giá cả của cổ phiếu, của bất động sản, của cả hàng hóa tiêu dùng đã vượt xa so với giá trị thực, tạo ra nền kinh tế bong bóng. Và khi bong bóng quá căng đã vỡ, gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản, rồi khủng hoảng tài chính là khó tránh khỏi. Những nước có "bong bóng" hoặc đầu tư vào chúng sẽ bị tác động trực tiếp và nặng nề hơn.

Những nước chủ yếu dựa vào "kinh tế thật" hoặc ít đầu tư vào những nước có "bong bóng" thì đỡ bị thiệt hại và tác động trực tiếp. Chính vì thế, các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đạt 3,9%, trong khi các nước phát triển chỉ tăng 1,9%, thậm chí có nước còn tăng trưởng âm. Cũng vì thế, các chuyên gia đã khuyến cáo những nước đang phát triển, mới nổi lên hướng về phát triển "kinh tế thật". Tuy nhiên, trong điều kiện toàn cầu hóa, trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng, thì Việt Nam khó tránh khỏi bị tác động; nhưng tác động chủ yếu là thị trường chứng khoán, là xuất khẩu, là đầu tư. Còn thị trường tiền tệ, tài chính chịu tác động không lớn.

"Kinh tế thật" cũng mang ý nghĩa sâu xa là chỉ có giá trị thặng dư nếu năng suất lao động đạt đến mức độ nhất định. Nếu năng suất lao động thấp thì chẳng những không có giá trị thặng dư mà còn ăn cả vào vốn. Muốn có năng suất lao động cao thì phải đổi mới công nghệ, phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí sản xuất. Nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động chẳng những có tác động trị tận gốc nguyên nhân của lạm phát mà còn là động lực của tăng trưởng kinh tế, hơn nữa còn là yếu tố gần như vô hạn so với những yếu tố có hạn về số lượng vốn đầu tư, về số lượng lao động.

"Kinh tế thật" cũng có nghĩa là chi tiêu phải ít hơn thu nhập. Đối với ngân sách, nếu bội chi kéo dài thì nợ nần sẽ tăng lên, vay mới chỉ để trả nợ cũ. Đối với ngân hàng thương mại, nếu người vay không trả được nợ, gặp rủi ro thì ngân hàng cũng sẽ gặp rủi ro theo. Nhà đầu tư không thể "tay không bắt giặc", không có tý vốn nào nhưng lại đi vay để đầu tư, khi có lãi thì còn trả dần được nợ, nếu gặp phải rủi ro, lỗ lã thì nếu có nhà cửa cũng trở thành vô gia cư. Người tiêu dùng chi tiêu cũng không được vượt quá thu nhập của mình, nếu tình trạng đó kéo dài thì nợ nần cũng sẽ tăng lên, đến một lúc nào đó có muốn "thắt lưng buộc bụng" cũng chẳng còn bụng mà thắt. Đối với quốc gia, sản xuất hiện vẫn chưa đủ sử dụng trong nước (mới đạt khoảng 88,8%), 11,2% phải nhập khẩu ròng từ nước ngoài (tương đương khoảng 153,7 nghìn tỉ đồng). Tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam so với GDP năm 2007 đạt khoảng 70,9%, tuy thấp hơn nhiều nước, nhưng đã cao hơn 2 năm trước và một bộ phận dân cư đã tiêu dùng vượt quá số thu nhập làm ra. Mức nhập siêu 9 tháng đã lên đến gần 16 tỉ USD, bằng 32,6% so với kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam liên tục có số dư trong mấy năm nay và dự trữ ngoại hối ròng đến nay đã đạt 21,9 tỉ USD, cao hơn nhiều so với cuối năm 2006 và tăng 1,6 tỉ USD so với cuối năm 2007. Nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn còn thấp (Philippines 36,6 tỉ USD; Indonesia 58,7 tỉ USD; Thái Lan 106,1 tỉ USD; Malaysia 125,1 tỉ USD; Singapore 175,8 tỉ USD). Vấn đề đặt ra là giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối để tăng tính thanh khoản của quốc gia.

Nước Mỹ đã trải qua mấy trăm năm kinh tế thị trường, thế mà các ngân hàng khổng lồ ở đây còn sụp đổ. Điều này hẳn cũng cho chúng ta vài suy nghĩ về "kinh tế tài chính" và "kinh tế thật".                 

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.