Nhà nghỉ, phòng trọ, khách sạn mini tại TPHCM - Khi quản lý là… bài toán khó!

03/12/2009 14:13 GMT+7

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2009 của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Chi cục PCTNXH) TPHCM, trong tổng số trên 14.600 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm bị thanh kiểm tra, thì một nửa số đó vi phạm. Qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản cảnh cáo hơn 5.600 cơ sở; phạt tiền và đình chỉ hoạt động 329 cơ sở khác. Tại các cơ sở lưu trú, các cơ quan chức năng đã triệt phá 95 vụ mại dâm, bắt giữ trên 500 đối tượng liên quan, trong đó có 39 chủ chứa, môi giới mại dâm bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không lẽ chỉ chờ tự giác

Qua báo cáo tình hình tại địa phương (quận 9, quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh), nhiều quận huyện cho biết: địa phương không có các địa điểm lưu trú và gái mại dâm hành nghề! Ngạc nhiên về sự “trong sáng” của địa bàn, cấp trên yêu cầu báo cáo lại thì có nơi bổ sung có “hiện tượng” tệ nạn xã hội trên địa bàn, nhưng số liệu rất khiêm tốn.

Một cán bộ Chi cục PCTNXH cho biết: “Có quận thì nói địa bàn rộng không thống kê hết, có địa phương lại bảo mỗi loại hình dịch vụ thuộc một ngành quản lý khác nhau nên không thể “chen ngang”. Có nơi thì nói khó quản lý, hơn nữa khai báo nhiều quá cũng “không hay” cho địa phương (?!), cán bộ lãnh đạo nơi ấy sẽ bị đánh giá là yếu kém về năng lực quản lý và bị hạ thi đua!!!”.

Điều đó khiến cho công tác tham mưu các giải pháp phòng chống, ngăn chặn tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm trong các cơ sở lưu trú nói riêng cho các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xã hội chỉ được phép kiểm tra hành chính cơ sở lưu trú, còn việc triệt phá mại dâm hay ma túy thì đó là nhiệm vụ của công an. Đại úy Lê Hữu Phước, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 8, cho biết, lực lượng công an gặp không ít khó khăn vì nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã trang bị hệ thống chuông, đèn báo hiệu rất tinh vi, khi có đoàn kiểm tra đến thì quản lý, bảo vệ cơ sở chỉ cần… ấn nút báo động là an toàn ngay.

Đó là chưa kể, một vài chủ nhà nghỉ còn thể hiện thái độ bất hợp tác như chần chừ, né tránh, giả bộ mất chìa khóa phòng để “câu giờ”, tạo cơ hội cho đối tượng kịp tẩu thoát. Không chỉ chủ nhà nghỉ tìm cách đối phó mà gái bán dâm cũng tìm cách thay đổi địa điểm liên tục, nay thì “hợp đồng” với khách sạn này, mai lại đến “lưu trú” nhà nghỉ khác để tránh bị phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận 10, cho biết: “Theo Luật Doanh nghiệp, chính quyền địa phương không có chức năng cấp phép cũng như rút giấy phép kinh doanh các cơ sở lưu trú mà chỉ gói gọn trong quản lý hành chính về trật tự xã hội. Để phòng chống các loại tệ nạn xã hội, chúng tôi đã kết hợp với lực lượng 814 kiểm tra hành chính, còn lại chỉ dùng biện pháp nhắc nhở và động viên để các cơ sở lưu trú chấp hành luật pháp.

Theo thống kê, toàn địa bàn quận 10 có khoảng 210 khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ, phòng cho thuê; trong đó có 52 khách sạn có quy mô 2 đến 3 sao. Một địa bàn không gần điểm du lịch, chợ búa, bến xe, chợ đầu mối… nhưng lại có quá nhiều điểm lưu trú. Không ít vụ vi phạm trong các cơ sở lưu trú đã được lập biên bản trên địa bàn quận 10, điều này cũng nhắc nhở cơ quan chức năng quận này quan tâm hơn khi cấp phép mới cho hoạt động này.

Bởi khó khăn có thật cho những người quản lý địa bàn đó là hiện nay pháp luật không quy định các cơ sở lưu trú kinh doanh ngắn giờ hay dài giờ hay hạn chế đối tượng. Nếu đủ giấy tờ tùy thân thì chủ cơ sở lưu trú giải quyết cho thuê phòng. Sự lỏng lẻo trong quản lý đã khiến nhiều đối tượng phạm pháp sử dụng phòng cho thuê làm “bãi đáp” và chúng tôi đã áp dụng biện pháp kêu gọi tính tự giác của chủ cơ sở qua bản cam kết.

Công tác quản lý các cơ sở lưu trú lại gặp khó khăn khác khi thành phố quy hoạch lại và không cấp phép kinh doanh lĩnh vực này thì đã nảy sinh tình trạng mua bán giấy phép. Các chủ cơ sở đã chuyển nhượng giấy phép, nhưng không sang tên được và nhiều chủ cũ đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tên giấy phép vẫn là họ chứ không phải là người mua lại bằng giấy tay.

Nơi nghỉ không dành để nghỉ

Thời gian qua, Công an TPHCM đã triệt phá nhiều động lắc, ổ ma túy, sòng bạc, truy bắt nhiều băng cướp, tội phạm nghiêm trọng ẩn náu trong các nhà nghỉ, cá biệt có những vụ cướp của, giết người xảy ra tại đây.

Cách đây không lâu, một cặp tình nhân đã hò hẹn đến nhà nghỉ M.N (quận 8). Sau khi “xong việc”, gã thanh niên lộ nguyên hình là kẻ cướp. Hắn lột hết quần áo của “bạn tình”, trói tay chân cô lại, nhét khăn vào miệng và cướp tất cả các tài sản có giá trị rồi tẩu thoát. Linh tính có điều bất ổn ở phòng nghỉ trên lầu, chủ nhà nghỉ chạy lên phòng kiểm tra. Nạn nhân đã bị ngất xỉu trong tư thế lõa lồ và nếu không phát hiện kịp thời thì có thể chết vì ngạt thở.

Theo quy định, khi cho khách thuê phòng (nếu đi hai người) thì quản lý khách sạn, nhà nghỉ phải giữ đủ 2 CMND của khách, nếu một trong hai người không có giấy tờ tùy thân thì người kia phải viết giấy bảo lãnh, cam kết ngay tại quầy lễ tân. Ngoài ra, quản lý cơ sở lưu trú phải vào sổ họ tên, địa chỉ thường trú của khách để thông báo cho công an địa phương. Tuy nhiên, không phải cơ sở lưu trú nào cũng tuân thủ đúng quy định này.

Anh P., chủ một khách sạn trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, cho biết: “Để tạo mối quan hệ lâu dài với khách, chúng tôi hơi thoáng về khoản giấy tờ. Họ vào ra có một chút, mình làm khó dễ họ đi luôn rồi sao. Mặt khác, nếu kê khai số lượt người đến thuê phòng nhiều thì tiền thuế phải đóng cũng cao hơn!”. Sự dễ dãi nêu trên đã vô tình biến cơ sở lưu trú thành nơi chứa chấp tội phạm các loại. “Một số nhà nghỉ quá chủ quan, chạy theo lợi nhuận, không kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân của khách đến thuê phòng, không tuân thủ những quy định bắt buộc về khai báo tạm trú nên vô tình đã trở thành nơi ẩn náu của tội phạm”, một trinh sát hình sự ở quận 5 cho biết như vậy.

Vừa qua, Công an quận Thủ Đức khám phá một băng cướp xe gắn máy tại nhà nghỉ U.N. Sau khi thực hiện vụ cướp, bọn chúng vào nhà nghỉ này ẩn náu qua đêm, đợi đến sáng sẽ đem các xe gắn máy đi tiêu thụ. Chúng không xuất trình giấy tờ tùy thân, nhưng chủ nhà nghỉ này vẫn cho thuê phòng. Khi công an phát hiện và bắt giữ thì trong người chúng có đầy đủ hung khí và công cụ mở khóa xe.

Chủ một nhà nghỉ ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, kể: “Có bà rất giàu thuê đứt một phòng tại nhà nghỉ này để “nuôi” người tình (thường là Tây “ba lô”). Cứ cuối tuần bà ta lại tới, mua đồ ăn sẵn, rồi ở trong đó mấy ngày liền. Dần dần, bà ta trở thành khách quen và chúng tôi cho bà ta ra vào tự nhiên. Đêm đó, khoảng 2 giờ sáng, bà con bán hàng quán quanh đây hoảng hốt khi thấy bà ta… trần truồng, nhảy từ lầu 1 xuống và kêu cứu thất thanh.

Qua tìm hiểu mới biết, ông bồ của bà ta đã dắt thêm khoảng chục ông Tây nữa đến “vui chơi” cùng bà… Chịu “hết xiết” nên bà ta đã tìm cách thoát thân liều mạng như thế. Kể từ đó, tôi không dám cho những “cặp” như vậy thuê phòng nữa”.

Thực tế cho thấy, cứ gần dãy cơ sở lưu trú thì lại có một tụ điểm mại dâm trá hình hay mại dâm công khai ngoài đường phố. Qua điều tra thực tế, khu nhà trọ ở đường D2 là “điểm đáp” của các tiếp viên nhà hàng bia ôm gần đó hay tiệm gội đầu trên đường Đinh Bộ Lĩnh. Dãy nhà trọ trên hai tuyến đường Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh là “bến đỗ” của các “em gái” ở tụ điểm mại dâm đường phố Trần Nhân Tôn, Hùng Vương; còn các phòng trọ trên bờ kênh Nhiêu Lộc là “sân chơi” của gái di động trên cầu Thị Nghè, đường Lê Duẩn; trên Quốc lộ 22, gần ngã tư Trung Chánh, ấp Hưng Long, xã Bà Điểm là nơi “đậu” của các “bướm đêm” lỡ thì.

Qua khảo sát cơ bản, có nhiều quận, phường không gần bến xe, khu du lịch, điểm tham quan, chợ, trung tâm thương mại… nhưng lại có rất nhiều cơ sở lưu trú. Quận 1, đầu đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Thủ (giáp đường Trường Sa, thuộc phường Đa Kao) có đoạn chưa đầy 20 m, nhưng lại có đến 5 khách sạn nối tiếp nhau. Quận 10, tại phường 12 thì… không đếm xuể. Đoạn đường Lê Hồng Phong (từ đường Ba Tháng Hai đến Trung tâm văn hóa Kỳ Hòa) có hơn chục khách sạn; đường Sư Vạn Hạnh (cũng từ đường Ba Tháng Hai đến đường Tô Hiến Thành) có 25 khách sạn san sát nhau (đó là chưa tính trong hẻm); đường Trần Thiện Chánh có chiều dài không đáng kể lại có tới 20 khách sạn nằm san sát nhau ở hai bên đường…

Các quận, huyện ngoại thành cũng không thua kém. Trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 có hơn chục nhà nghỉ với bảng giá được trưng bày công khai – lưu trú 1 giờ đồng hồ: 30.000 đồng; qua đêm: 70.000 đồng. Khu vực từ cầu vượt Ngã tư ga đến cầu An Lộc (trên đường Hà Huy Giáp, giáp ranh giữa các phường 16, 17 quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12) có 17 khách sạn san sát nhau. Chỉ là “ấp” nhưng Hưng Long (gần ngã tư Trung Chánh, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đã có 17 cái khách sạn, phòng trọ lớn nhỏ nằm san sát nhau. Con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thông (thuộc phường 10, quận 3) chỉ vừa đủ 1 xe gắn máy lưu thông, nhưng cũng có đến 6 nhà trọ.

***

Việc mở các cơ sở lưu trú với giá thuê bình dân thực tế đã giúp giải quyết khó khăn về nơi ở cho nhiều người dân các tỉnh lên thành phố khám chữa bệnh, giải quyết việc gia đình. Thế nhưng công tác quản lý lỏng lẻo, thậm chí nhiều nơi cố tình bỏ qua thủ tục đăng ký lưu trú khách đến nghỉ đã biến nhiều CSLT trở thành nơi ẩn náu của các đối tượng xấu, các vụ mua bán ma túy mà thời gian qua lực lượng công an đã phải khó khăn khi truy bắt bọn xấu. Để bảo đảm an toàn trật tự xã hội, điều này cần được chấn chỉnh bằng nhiều biện pháp và từ nhiều cấp, nhiều đơn vị.

Theo Đoàn Hiệp - Hoàng Hoa / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.