Béo phì và suy dinh dưỡng cùng một khẩu phần!

11/11/2007 23:09 GMT+7

Không có khẩu phần riêng cho học sinh nội - bán trú mắc bệnh béo phì và suy dinh dưỡng là nỗi lo lắng của phụ huynh.

Chỉ cần ăn đủ chất!?

Nếu kết quả học tập của con cái là mục tiêu quan tâm hàng đầu của hầu hết phụ huynh, thì với vợ chồng chị Hảo (Đà Nẵng), mục tiêu quan trọng nhất hiện tại chỉ là làm cách nào cho cậu con trai giảm cân. Mới học lớp 3, cu Bơ con chị đã nặng 45 kg. Cháu học bán trú tại trường nên chỉ có buổi chiều mới ăn cơm tại nhà theo thực đơn giảm béo. Tuy nhiên, dù có cố công tốn sức nhưng chỉ số cân nặng của cậu con trai chị Hảo vẫn không thay đổi là bao. Chị thở dài: "Ở nhà mình hãm ăn bao nhiêu thì lên trường, cháu ăn bù lại bấy nhiêu, mà thức ăn trên trường đâu có chế độ riêng cho trẻ béo phì. Nhiều lần dỗ ngọt, cháu thật thà kể lại rằng ăn phần cơm của mình không đủ no nhưng cũng không dám xin thêm cô giáo (vì gia đình đã dặn cô trước) mà  xin... cơm của bạn cùng lớp! Nhiều bạn kén ăn thì cu Bơ cũng... "thầu" luôn". Và đây cũng không phải là trường hợp hiếm ở các trường tiểu học, khi với lượng học sinh quá lớn, các cô bảo mẫu không thể quản lý hết học trò.

Lật cuốn sổ theo dõi tình hình sức khỏe học sinh, cán bộ y tế của trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng) thống kê: ở khối lớp 3, 4, 5 trung bình một lớp có khoảng 10-12 học sinh bị béo phì. So với số lượng 1.034 học sinh toàn trường, số lượng học sinh bị béo phì không phải là nhỏ. Ở các trường tiểu học khác, con số này cũng tương đương và đang có chiều hướng gia tăng. Mặc dù vậy, khẩu phần ăn tương đương 8.000 đồng/ngày vẫn được nhà trường áp dụng chung cho tất cả các học sinh, việc "quy hoạch" khẩu phần ăn riêng cho đối tượng học sinh suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì vẫn là điều chưa nghĩ đến.

Khi được hỏi, hầu hết các trường đều quan niệm nhiệm vụ chính là dạy học, chuyện ăn uống là phụ, chỉ cần ăn đủ chất. "Nhà trường không có công thức, chế độ ăn riêng dành cho các học sinh. Chỉ có thể chờ vào ý thức tự giác của học trò qua những bài học về bệnh béo phì trên lớp", Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ - cô Tôn Nữ Bích Ngọc chia sẻ. Cũng chính vì vậy, việc kiểm soát vấn đề dinh dưỡng, chăm sóc trẻ thừa cân, béo phì tại các trường tiểu học gần như hoàn toàn thả nổi.

Còn với trường mầm non, tuy vấn đề dinh dưỡng cho học sinh là mục tiêu quan tâm đầu tiên nhưng tình hình cũng không khá hơn là bao, kể cả các trường đạt chuẩn quốc gia. Tại đây, với 3 suất ăn/ngày bao gồm sáng, trưa, xế tương đương 10.000 đồng cũng được áp dụng đại trà cho tất cả học sinh. Chỉ khác một điều là trong chế độ dinh dưỡng cho các cháu bị béo phì, nhà trường không nhận quà ăn thêm của gia đình gửi. Hiện tại nhà trường chỉ tăng cường thời gian vận động thể lực kết hợp với việc giảm lượng thức ăn, không cho trẻ béo phì ăn thêm. 

Vướng kinh phí?

Khi đề cập đến vấn đề nên chăng có chế độ khẩu phần ăn riêng cho các đối tượng học sinh bị béo phì, suy dinh dưỡng tại những trường học bán trú, một mẫu số chung với các trường là bài toán kinh phí. Với nhiều trường, để thực hiện việc này đồng nghĩa với tăng thêm bếp ăn, người nấu... và hàng loạt những vấn đề phát sinh khác. Chính vì vậy mà hiện nay, các trường gần như phớt lờ vấn đề này - đặc biệt là ở các trường tiểu học có bán trú - và quy trách nhiệm chăm sóc duy nhất là của gia đình.

Trong lúc mức độ báo động và cần thiết quan tâm của xã hội đối với trẻ béo phì hiện nay được ưu tiên hàng đầu, song hành với trẻ suy dinh dưỡng thì "các trường hiện đang phải tự thực hiện chế độ chăm sóc trẻ béo phì theo cách riêng của mình chứ không có một mức chuẩn chung" -  cô Tạ Thụy Kim Lan, Hiệu trưởng trường Mầm non Cẩm Nhung, một trường đạt chuẩn quốc gia bày tỏ. Thầy Lê Văn Lạc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thanh cũng cho rằng: "Áp dụng chế độ ăn riêng cho trẻ có sức khỏe đặc biệt là điều rất tốt. Nhưng để thực hiện được, cần phải có chủ trương chung, thêm vào đó cần sự phối hợp đồng bộ giữa ngành giáo dục và y tế để sàng lọc các học sinh bị bệnh và áp dụng chế độ ăn uống khoa học theo tiêu chuẩn. Nhà trường không thể làm độc lập".

V.P.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.