Lâm Đồng: Phải chăng phép "vua" thua lệ phường?

21/10/2004 23:10 GMT+7

Sau một thời gian khiếu kiện, cuối cùng được UBND tỉnh và TP Đà Lạt giải quyết, nhưng UBND phường sở tại vẫn nại nhiều lý do không chịu cấp quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Dương Quang, ngụ tại 73 Ba Tháng Hai, phường 4, TP Đà Lạt. Ông Quang đã gửi đơn tố giác một nhóm giới chức phường 3, TP Đà Lạt "cố tình kéo dài, cản trở việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" và còn "vu khống, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ danh dự " gia đình ông.

Vào năm 1986, từ tổ hợp chế biến phân cá rộng 1.500m2 được chính quyền TP Đà Lạt cấp, ông Quang (tổ trưởng) cùng gia đình khai hoang thêm phần nửa ngọn đồi hoang hóa tại khu phố 6, phường 3, TP Đà Lạt để canh tác với diện tích 11.379m2. Vào tháng 4/1993, Chủ tịch UBND phường 3 lúc đó là ông Bùi Văn Phong đã dẫn đoàn vào "làm việc" với gia đình ông Quang và thu hồi 2.310m2 (có cà phê đã thu hoạch) với lý do "để bán lấy ngân sách phục vụ cho phường"; và tiếp sau đó, năm 1997, UBND phường 3 lại tiếp tục thu gần 2.500m2 (bằng lệnh miệng) để "làm công ích". Tuy nhiên, chẳng ai dám mua vì đất của ông Quang và kế hoạch "làm công ích" cũng không thực hiện do chưa có chủ trương. Từ đó đến nay, lô đất trên lại một lần nữa bỏ hoang nhưng mỗi lần gia đình ông Quang tái sản xuất đều bị chính quyền phường 3 ngăn cản.

Trả lời báo Thanh Niên về nguồn gốc mảnh đất này, Chủ tịch UBND phường 3 Trần Ngọc Tú lập lờ: "Nghe nói từ trước đến giờ là đất của phường nên phường cứ quản lý", trong khi để chứng minh cụ thể mảnh đất đó là của phường như thế nào thì ông đành chịu. Về mảnh đất trên, UBND phường 3 đã lập tờ trình xin cho khu phố 6 (300m2) xây dựng hội trường và được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận. Trên thực tế, hội trường này cách rất xa khu dân cư khu phố 6, đường đi lại rất khó khăn, từ khi xây dựng (cuối năm 2003) đến nay chưa một lần họp dân vì người dân ngại vào đây do xa, không có đường đi, từ đó cỏ dại đã mọc trùm cả hội trường. Nhiều hộ dân không đồng tình khi phải đóng góp tiền xây dựng hội trường tại vị trí trên: "Không hiểu phường nghĩ như thế nào mà làm hội trường "trên núi" như thế?". Được biết, trên mảnh đất "phường 3 đang quản lý" hiện nay đã có một số hộ dân vào chiếm đất canh tác và cất nhà trái phép nhưng phường lại không có ý kiến gì(!?).

Cần nói thêm về phần đất còn lại gần 7.000m2 (được kê khai đứng tên nhiều người), mặc dù gia đình ông Quang đã đầu tư san gạt, canh tác ổn định từ đó đến nay (trồng rau, hoa), không có tranh chấp, đóng thuế đầy đủ nhưng một lần nữa (năm 2000), UBND phường 3 đã trình UBND TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng thu hồi nốt để xây Trường Cửu Long. Kế hoạch này rồi cũng bị phá sản do không phù hợp, lúc này ông Quang có đơn khiếu nại. Kết quả, ngày 12/11/2003, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng có báo cáo về nguồn gốc lô đất và quá trình sử dụng của gia đình ông Quang, trong đó đề xuất giải quyết cấp quyền sử dụng đất cho ông Quang; tiếp đó là công văn 566/UB và công văn số 399/UB của UBND tỉnh và TP Đà Lạt chỉ đạo Phòng Nhà đất - Địa chính Đà Lạt cùng phường 3 hướng dẫn cho ông Quang làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng về tới phường 3 thì Chủ tịch UBND Trần Ngọc Tú lại có báo cáo (ghi ngày 10/6/2004) không đồng ý cấp sổ đỏ cho một phần diện tích đất của ông Quang vì "Hội đồng đăng ký đất phường 3 không nhất trí" và khẳng định phần đất còn lại "do phường quản lý(!?)" cùng với lời đề nghị của một số cá nhân "đưa diện tích đất hộ ông Quang đang sử dụng vào mục đích công cộng". Trong khi những người khai phá xung quanh trong thời gian sau này cùng với ông Quang như ông Ngợi, ông Hoàng thì đã được chính quyền phường 3 xét cấp sổ đỏ từ lâu và có những mảnh đất đến nay đã sang nhượng đến ba, bốn đời chủ!

Qua sự việc này, chúng tôi lại nhớ đến vụ ông Hoàng Lương (đường Hồ Tùng Mậu, P.3) ngang nhiên chiếm lối đi chung (và duy nhất) vào đất của bà Nguyễn Thị Hoa. Sau hơn 10 năm khiếu kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đã có kết luận giải quyết lối đi chung giữa hai gia đình và chỉ đạo phường 3 cưỡng chế "trả lại nguyên trạng" (báo Thanh Niên đã từng có bài phản ảnh vào tháng 9/2003) nhưng đến nay vụ việc này vẫn còn nguyên! Chẳng hiểu vì sao những quyết định, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, của TP Đà Lạt đều không được UBND phường 3 thực hiện? Phải chăng ở đây phép "vua" thua lệ... phường?

Phong An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.