Giam xe rồi "xẻ thịt", nguyên nhân của tệ hối lộ

07/10/2007 23:22 GMT+7

* Coi tài sản của dân như cỏ rác, phạm tội gì? (Nhân đọc "Xẻ thịt" xe máy vi phạm, Xe vi phạm bị đem "xẻ thịt", luật pháp ở đâu?, TN 6 và 7.10.2007)

Sao không làm như các nước?

Tham gia giao thông phạm luật phải bị xử phạt theo luật là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc giam xe tôi thấy không ổn. Ở những nước phát triển, người vi phạm luật giao thông chỉ cần nhận một mảnh giấy nhỏ từ cảnh sát giao thông và bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn theo luật định. Nếu người vi phạm không thực hiện đúng thì bước tiếp theo là công việc của tòa án. Còn việc giam xe hiện nay ở nước ta không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn làm cho luật pháp bị lợi dụng (người dân tìm mọi cách hối lộ để lấy xe ra ngay).

pchi…@yahoo.com

Cái hại nghiêm trọng hơn

* Bài "Xẻ thịt" xe máy vi phạm rất hay và rất thời sự. Thanh Niên rất nên viết thêm vài bài sâu hơn. Những bài như vậy mới thật sự cần cho người dân. Ít nhất họ cũng xả bớt nỗi ấm ức, và phần nào nhắc nhở các vị lãnh đạo hãy làm những gì thật sự ích nước lợi dân. Tôi cho rằng việc xử phạt vi phạm luật giao thông bằng cách giam xe là một cách làm "hại nhiều hơn lợi". Thử liệt kê những cái hại sẽ thấy: Nhà nước tốn xe lớn thu gom xe vi phạm về nơi giữ; tốn công người khiêng vác, mất uy tín và lòng tin của dân vì giữ xe không tốt, thậm chí mất cán bộ vì khơi gợi lòng tham của một số cán bộ khi thấy trục lợi từ những chiếc xe này dễ quá. Còn người dân thì: không có xe đi làm, lo lắng tổn hại tinh thần, xe bị phá hỏng, bị giữ gìn không cẩn thận... Cái hại này kéo theo cái hại nghiêm trọng khác: Do quá sợ hãi bị giam xe sẽ khiến cho người vi phạm tìm mọi cách mua chuộc cảnh sát giao thông, tạo điều kiện cho cảnh sát giao thông dễ ăn hối lộ.

Vẫn biết không thể cứ nhắc nhở mà không xử phạt, nhưng hãy xử phạt sao cho có kết quả giáo dục cao nhất.

Chuyện này xảy ra không chỉ ở TP.HCM mà ở nhiều tỉnh thành khác. Tôi còn nhớ có lần tôi tham gia đấu giá mua xe thanh lý tại Sở Tài chính tỉnh Bình Phước, hầu hết xe khi mang ra đều không thể nổ máy do mất IC, mất bình, vỏ ruột xe bị mục nát, thậm chí có những xe hàng hiếm lúc đó như mô tô loại lớn bị lấy nguyên cả bloc máy.

khacdung…@yahoo.com

* Tôi cũng là người đã bị giam xe khi đi ngược chiều cách nhà 30m, nếu đi đúng đường là... 3 km. Kết quả là khi lấy xe ra thì gương mất, xăng bị tháo cạn, mất bình ắc quy. Để xe không bị giam, để xe của mình không biến từ "lợn lành" sang "lợn què", người dân sẵn sàng "lót tay" cảnh sát giao thông.

Hoang Anh (Hà Nội)

Chẳng lẽ các anh công an làm vậy sao?

Chuyện này đã là nỗi ám ảnh từ lâu của người dân rồi, chứ không phải mới đây. Em chưa từng bị phạt hay bị giam xe lần nào, nhưng khi lần đầu tiên có bằng lái, bắt đầu lái xe, em đã được mọi người nói như ba em nói "đi cho đúng luật , đừng để bị giam xe, bị giam là coi như xe đó là đồ bỏ luôn". Lúc đầu em cảm thấy ngạc nhiên, vì sao các anh công an là người bảo vệ tài sản của dân mà lại để xảy ra chuyện như vậy? Liệu kẻ ăn trộm nào có gan to dám mò tới khu vực của cảnh sát để kiếm chác? Liệu có kẻ thông đồng, quen biết chăng? Nếu như không có kẻ nào dám làm vậy, thì chẳng lẽ chính anh công an làm vậy? Đừng để chuyện không đáng có này làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành công an.

minhthanhnguyen…@gmail.com

Nơi bảo vệ công lý, sao lại "trộm vặt"?

Đọc bài này mừng lắm, vì Thanh Niên đã nói lên tiếng nói chung của người dân. Ngay tại nơi mà công lý được bảo vệ ấy thế mà lại để xảy ra những "tình tiết trộm vặt" như thế thì làm sao mà chấp nhận được. Những người ăn cắp là ai? Làm nhiệm vụ gì ? Ăn lương của dân mà làm hại như thế à? Cảm ơn Báo Thanh Niên, mong sao quý báo có những diễn đàn như thế này để những người trong cuộc được chia sẻ. Những ý kiến, những đóng góp, những chia sẻ thế này  đều là những tấm lòng của những người dân Việt đối với đất nước Việt Nam mà họ phải mến yêu và một lòng bảo vệ đó.

daric…@yahoo.com.sg

Tôi xin hiến kế

Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Báo Thanh Niên và cảm thấy xấu hổ thay cho những người có bổn phận giữ xe. Theo tôi, việc tạm giữ xe nên rất hạn chế bởi vì nó tiêu tốn nhiều công sức và làm lãng phí tài sản của cá nhân và cũng là của xã hội. Tuy nhiên, theo một số ý kiến nên bãi bỏ hoàn toàn việc tạm giữ xe thì không nên, vì có một số trường hợp cần thiết phải tạm giữ xe. Vấn đề ở đây là cơ quan giữ xe phải có trách nhiệm đối với tài sản họ đang giữ (và có thu tiền). Thiếu trách nhiệm trong việc này là một hành vi cửa quyền, ức hiếp dân. Ngành công an cần phải xem lại việc này để chấn chỉnh.

Có thể bằng cách nào đó người bị giữ xe cùng tham gia niêm phong xe tại địa điểm giữ xe cùng với cơ quan chức năng, ví dụ: làm thùng lớn hoặc bao nilon lớn để xe vào và niêm phong, người bị giữ xe phải chịu chi phí. Sẽ có nhiều ý kiến hay trong việc này, riêng tôi cũng là một người đã từng bị giữ xe xin tham gia một số ý kiến với mong muốn mọi chuyện tốt đẹp hơn.

lovelykid…@yahoo.com

Cần đặt câu hỏi với Giám đốc Công an thành phố

Đọc bài "Xẻ thịt" xe máy vi phạm, người dân ai cũng bức xúc. Muốn xóa bỏ tệ nạn này thì phóng viên cần đặt câu hỏi trực tiếp đến Giám đốc Công an TP.HCM để đồng chí này đưa ra biện pháp cần thiết. Ở các nước văn minh, khi xử lý vi phạm hay tai nạn giao thông (dù lỗi của chủ xe) thì cảnh sát cũng đều lập biên bản và không giữ xe bao giờ vì ở nước họ có cách xử lý thông minh hơn nhiều mà các nhà làm luật ở nước ta không ai không biết. Tuy nhiên họ cố tình làm ngơ để cho các con sâu này làm vẩn đục hình ảnh người công an liêm khiết và cơ quan bảo vệ pháp luât.

Theo tôi, khi vi phạm hay xảy ra tai nạn, chỉ cần lập biên bản giữ bản số xe và giấy tờ xe là đủ rồi. Điều này phải được thể hiện bằng thông tư, nghị định hẳn hoi.

Trần Vũ Chương (Tân Bình, TP.HCM)

Đề nghị Bộ Công an điều tra

* Sau khi đọc xong bài báo tôi cảm thấy đã có sự vô cảm đang chiếm lĩnh trong ngành cảnh sát giao thông. Bác Hồ đã đặt tên cho ngành công an với cái tên gắn chặt với nhân dân là "Công an Nhân dân", đã gửi gắm biết bao điều về sự tin tưởng của người dân. Đề nghị Bộ Công an cần điều tra lại toàn bộ việc giam xe tại các tỉnh, thành, không thể chấp nhận việc xe của dân lại bị "xẻ thịt", đổi đồ... như thế được. Cái xe dù là xe 2 bánh,  cũng đều là mồ hôi nước mắt của dân, nếu có vi phạm nên dùng phương cách khác là giam biển số, dân vừa tự giữ tài sản của mình, các thủ tục giam biển số cũng đơn giản và nhất là không phải tốn diện tích để xe.

hoangnam…@gmail.com

* Việc xe vi phạm bị đem "xẻ thịt" đã được dân chúng biết đến trong các khu giam giữ xe của cảnh sát giao thông từ rất lâu, dư luận đã bàn đến rất nhiều nhưng các cơ quan chức năng dường như không đoái hoài đến, đến nay nó đã được phơi lộ rõ. Mong rằng Bộ Công an có hình phạt thật nghiêm đối với những cá nhân, đơn vị có những hành vi làm ô danh hình ảnh người chiến sĩ công an, cảnh sát giao thông để lấy lại niềm tin trong lòng dân.

Tôi xin chân thành cảm ơn Báo Thanh Niên đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện để người dân chúng tôi có cơ hội góp tiếng nói thể hiện sự phẫn nộ trước tình trạng tiêu cực này.

Mỹ Duyên (Bình Thạnh, TP.HCM)

Coi tài sản của dân như cỏ rác, phạm tội gì?

* Chuyện này thật ra là đã lâu lắm rồi. Khi bạn gửi xe ở các bãi xe với giá 2.000đ, chủ xe mặc nhiên có trách nhiệm bảo đảm là xe của bạn còn nguyên trạng, nếu làm hư hỏng hay mất thì phải bỏ tiền đền. Một công dân bình thường còn phải chịu trách nhiệm như thế, vậy mà cảnh sát giao thông khi giữ các xe vi phạm thì khi đóng phạt xong xe nào xe nấy đều bị hư, bị mất mát mà lại không đền. Cảnh sát giao thông là công bộc của dân, sao lại được quyền vô trách nhiệm như thế ? Có thể nói hiện nay cảnh sát giao thông đang lạm quyền.

cuonglq...@yahoo.com

* Coi tài sản của nhân dân như cỏ rác, hủy hoại một cách vô tội vạ, hành vi như vậy có thể truy tố được chăng?

tuluu4300...@yahoo.com.vn

* Theo tôi nếu còn việc giam xe như thế này thì tiêu cực vẫn còn. Hầu như ở đâu cũng vậy, nếu xe của bạn chẳng may bị bắt thì y như rằng sẽ mất một món đồ gì đó sau khi xe được lấy ra, ấy là chưa kể số lượng xăng trong xe cũng bị lấy (vì lý do cháy nổ) cũng không được trả lại.

allriver...@yahoo.com

* Nói trắng ra, cái việc xe vi phạm sau khi bị cảnh sát giao thông giam sẽ "biến hình" là cái điều đã được người dân chúng tôi xem là chuyện "hiển nhiên" rồi. Giờ chỉ mong Báo Thanh Niên làm cho kỹ vụ này, hy vọng người dân chúng tôi đỡ khổ.

Trần Thanh Nam  (Vũng Tàu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.