Quốc hội thảo luận về vị trí của Ngân hàng Nhà nước

16/11/2009 14:03 GMT+7

(TNO) Trong buổi thảo luận tại hội trường ngày hôm nay (16.11) về dự Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (sửa đổi), các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã tập trung làm rõ về vị trí của NHNN và chính sách tiền tệ quốc gia.

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) tán đồng với dự luật quy định, NHNN là cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung hưởng ứng: “Đồng ý để NHNN vừa là thành viên Chính phủ, vừa là ngân hàng Trung ương”. Theo ĐB Dung, về lâu dài phải xây dựng Ngân hàng Trung ương độc lập nhưng trong hoàn cảnh như hiện nay, quy định như dự luật là phù hợp. 

ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) chia sẻ: “Trong điều kiện chúng ta chưa thể bãi bỏ được hoàn toàn các quan hệ giữa NHNN với Chính phủ (chưa xây dựng được ngân hàng trung ương độc lập - P.V) thì luật vẫn có thể quy định một hạn mức tối đa mà NHNN có thể tạm ứng cho ngân sách khi Chính phủ can thiệp, giảm dần sự phụ thuộc của Chính phủ”.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) bày tỏ: “Quy định về vị trí của NHNN như dự luật là không phù hợp với chủ trương định hướng của Đảng là tổ chức lại NHNN với cơ cấu, tổ chức và thiết chế như một ngân hàng trung ương”. Theo ĐB Quyền, đáng lẽ dự luật phải giảm chức năng là cơ quan quản lý nhà nước của Ngân hàng, tăng chức năng là ngân hàng trung ương. “Luật bổ sung 10 quyền hạn nữa cho NHNN nhưng đều thuộc về chức năng quản lý nhà nước, trong đó có nhiều chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán”, ĐB Quyền phát biểu.

Đề nghị chưa bỏ quy định về lãi suất cơ bản

Liên quan đến dự luật đề nghị bỏ quy định về lãi suất cơ bản, Phó chủ nhiệm Ủy Tư pháp của QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, quy định này đã được NHNN kiên trì theo đuổi từ năm 2006 đến nay. ĐB Nga đặt câu hỏi: “Việc kiên trì đề nghị sửa đổi luật như vậy là nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của ai ? Của nhà nước, của nhân dân, để ngăn chặn cho vay nặng lãi, ổn định thị trường tiền tệ hay bảo vệ cho lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng” ?

ĐB Nga đưa ra ba nguy cơ lớn khi thực hiện quy định bỏ lãi suất cơ bản: “Nhà nước mất vai trò định hướng thị trường lãi suất, có thể dẫn đến những cuộc chạy đua về lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gây rối loạn thị trường, góp phần làm mất giá đồng Việt Nam. Không kiểm soát được tình trạng cho vay nặng lãi. Làm vô hiệu hóa 6 Điều của Bộ luật dân sự và 1 Điều của Bộ luật hình sự, đẩy hoạt động của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án vào bế tắc”.

ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) bày tỏ: “Nhất trí như ĐB Nga, bỏ lãi suất cơ bản là bỏ biện pháp kiểm soát tín dụng hữu hiệu của Nhà nước”. 

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, lãi suất cơ bản có vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, và nếu bỏ đi sẽ mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự.

Dự luật kiến nghị thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ để tư vấn cho Thống đốc NHNN. Nhưng ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) không tán đồng với quy định này, đề nghị: “Không thành lập Hội đồng trực thuộc NHNN, vì Thống đốc đã có cả một bộ máy tham mưu rồi. Nếu có thì Hội đồng chính sách tiền tệ phải tham mưu cho Thủ tướng”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) góp ý: “Nếu thực sự đổi mới thì Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia phải có thẩm quyền quyết định chứ không chỉ là tư vấn”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.