Lật lại hồ sơ vụ "nước tương độc" - Kỳ 2: "Ban chỉ đạo" ở đâu?

30/10/2007 23:30 GMT+7

Dù xác định nước tương là thực phẩm người dân dùng hằng ngày, nhưng người có trách nhiệm lại cố tình để cho các doanh nghiệp "câu giờ".

Như đã thông tin, cuối năm 2005, bức xúc trước thực trạng đáng báo động về ATVSTP nói chung tại TP.HCM, Thanh Niên đã đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo quy mô tại tòa soạn, ghi nhận nhiều ý kiến, tham luận quan trọng của các nhà khoa học cũng như các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này để thông tin đến độc giả.

Bước sang đầu năm 2006, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy) đã ký Quyết định số 1411/QĐ-UBND để kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng VSATTP thành phố, phân công Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài làm Trưởng ban; Phó giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang làm Phó ban thường trực. Nhưng hết năm 2006, "vấn đề nước tương" vẫn không có gì chuyển biến. Hai mũi chủ công của Ban chỉ đạo là Thanh tra Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP.HCM, theo báo cáo thì đã vào cuộc rất quyết liệt và xử lý cũng rất mạnh tay, tuy nhiên, thực tế cho thấy họ hành xử cũng... rất sơ sài. Mà nguyên nhân chính, theo ghi nhận của chúng tôi là do "thiếu lửa chiến đấu" vì ngay từ đầu năm, Sở Y tế TP.HCM đã có chủ trương "cứu" các doanh nghiệp ngành nước tương. 

Một chi tiết nhỏ, là trên toàn địa bàn TP.HCM có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất nước tương, Trung tâm YTDP cũng không trả lời được. Báo cáo số 1574 ngày 28.12.2006 của trung tâm này, tuy mang một đầu đề "rất kêu" là "Sơ kết công tác kiểm tra vệ sinh an toàn cơ sở sản xuất nước tương, tàu vị yểu năm 2006", nhưng lại sử dụng số liệu mơ hồ từ 3 năm trước, rằng: "Hiện nay tại TP.HCM, theo danh sách công bố năm 2003 có khoảng trên 75 cơ cở sản xuất nước tương, tàu vị yểu". 

Theo các nhà chuyên môn, dân gian làm nước tương theo phương pháp thủ công từ hạt đậu nành nấu chín, ủ cho lên mốc 2 - 3 ngày, sau đó cho lên men bằng cách phơi nắng từ 3 - 6 tháng. Kết quả được hạt đậu tương (hoặc ép lấy nước tương). Làm rất tốn công sức và thời gian nhưng sản phẩm không được bao nhiêu nên hầu như ngày nay chẳng ai làm để bán. Tàu vị yểu cũng là nước tương, nhưng được sản xuất theo phương pháp hóa học và sử dụng nhiều hóa chất nên mới xảy ra nhiều chuyện.

Tuy không nắm chắc về số liệu doanh nghiệp sản xuất như đã phân  tích ở trên, song báo cáo 1574 của Trung tâm YTDP cũng thể hiện một thực trạng báo động. Văn bản nêu: "Qua đợt khảo sát, thanh kiểm tra 33 cơ sở sản xuất tàu vị yểu tại TP.HCM, cho thấy, một số ít cơ sở đang tìm cách khắc phục sự tồn dư các hợp chất trên, còn đại đa số cơ sở khác lúng túng trong việc nghiên cứu khắc phục vì giữa việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng là cả một vấn đề cần giải quyết về điều kiện kinh tế cũng như nguồn nguyên liệu ban đầu, trang thiết bị sử dụng, kỹ thuật chế biến... vì hợp chất độc này sinh ra trong quá trình thủy phân protein thực vật có chứa chất béo với axit clohydric (HCl). Trong 33 cơ sở khảo sát chỉ có khoảng 1/2 cơ sở có đủ điều kiện để thực hiện đầy đủ quy trình, nhưng trong đó quy mô chế biến công nghiệp chỉ có khoảng 10 cơ sở". Và khuyến cáo: "Các cơ quan nhà nước cần tăng cường hướng dẫn các quy định về đảm bảo chất lượng VSATTP cho cơ sở sản xuất nước chấm, thông tin cho người tiêu dùng về các sản phẩm đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chất lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Xử phạt nghiêm khắc hơn về những vi phạm có tồn dư hợp chất chloropropanol 3 - MCPD trong sản phẩm quá mức quy định của Bộ Y tế".

Còn Thanh tra Sở Y tế, đầu năm 2005 đã từng có một "chiến dịch" quy mô, phối hợp với Viện Vệ sinh y tế công cộng (thuộc Bộ Y tế) gõ cửa Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm (Nosafood), vì được cảnh báo của Ủy ban ATVSTP Liên minh châu u về hàm lượng chất 3-MCPD trong những sản phẩm nước tương của doanh nghiệp này xuất sang châu u vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Kết quả thanh tra đợt ấy đã phát hiện ít nhất 4 sản phẩm của Nosafood đều có hàm lượng 3-MCPD vượt rất xa giới hạn cho phép. Cụ thể: nước tương 22 độ đạm: 78,86 (mg/kg); nước tương tỏi: 95,42 (mg/kg); nước tương tỏi ớt: 45,86 (mg/kg). Và đặc biệt là nước tương 12 độ đạm lên đến 119,29 (mg/kg). Thế nhưng Nosafood lúc đó cũng chỉ bị phạt hành chính và được giữ kín mọi chuyện.

Tháng 8.2006, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã từng mở một "chiến dịch nước tương" rầm rộ hơn, gõ cửa đến 29 doanh nghiệp và cũng phát hiện hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép rất cao. Đầu năm 2007, Thanh tra Y tế lại gõ cửa thêm 21 doanh nghiệp và cũng phát hiện tình hình chất 3-MCPD trở nên rất nghiêm trọng. Nhưng người tiêu dùng vẫn hoàn toàn không được cảnh báo gì.

Thậm chí là đến thời điểm tháng 4.2007 (vài tuần trước khi dư luận bùng nổ sự kiện nước tương độc), không riêng Sở Y tế mà ngay cả Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP của TP.HCM cũng chẳng hề lưu ý gì đến vấn đề này. Tại hội nghị "tổng kết hoạt động chương trình đảm bảo VSATTP thành phố năm 2006 và triển khai kế hoạch hành động năm 2007" được tổ chức quy mô tại TP.HCM, nhiều báo cáo tham luận và báo cáo tổng kết được trình bày nhưng chỉ có một câu chung chung, rất khó hiểu là "đối với các mẫu nước tương mua tại các chợ đánh giá là không đạt do độ đạm quá thấp (dưới 5g/l sản phẩm)"!

Giờ đây, khi cơ quan thanh tra công vụ đã vào cuộc thì thiết nghĩ những thông tin trên rất cần được xem xét và đánh giá một cách khách quan để truy đến tận cùng trách nhiệm của những cán bộ đã quan liêu, hay cố tình coi thường sức khỏe của cộng đồng vì một động cơ nào đó!

 Nhóm PVTS  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.