Làm giàu với vốn vay từ Hội

14/10/2008 10:15 GMT+7

“20 triệu đồng có thể là một số tiền nhỏ đối với nhiều người, nhưng đối với chúng tôi thì quý báu vô cùng. Nó đã giúp tôi cải thiện cuộc sống, chuyển từ gia công sang tự sản xuất và tạo việc làm cho nhiều thanh niên khác” – Phạm Quang Phú xúc động chia sẻ...

Những đồng vốn vay quý báu

Tâm sự của Phạm Quang Phú trong Liên hoan thanh niên sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay diễn ra chiều 12.10 tại Nhà văn hóa Thanh niên (do Hội LHTN TP.HCM tổ chức), có lẽ cũng là cảm xúc của nhiều bạn trẻ đã được nhận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Vợ chồng Quang Phú – Thúy Hằng (ngụ tại Q.7, TP.HCM) có một cơ sở may gia công, túi xách, vali, cặp… từ năm 1990, nhưng do vốn ít nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, với số vốn vay được từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đôi vợ chồng trẻ đã mua thêm máy móc, phụ liệu để sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới.

Việc sản xuất vững vàng hơn, họ còn tạo việc làm cho 4 lao động khác. Chỉ trong 1 năm, hoàn trả được vốn vay đúng hạn, do nhu cầu mở rộng sản xuất, Phú – Hằng lại tiếp tục vay vốn lần nữa. Và tháng 7 vừa qua, với số vốn được vay tiếp là 20 triệu đồng, Phú – Hằng đã đầu tư mua 1 máy ép cao su…

Tại liên hoan, 9 dự án của 9 bạn trẻ đã được trao nguồn vốn vay tổng trị giá 148 triệu đồng. Dự án được trao số vốn vay lớn nhất là 30 triệu đồng, cho bạn Nguyễn Thị Thu Hiền (huyện Hóc Môn, TP.HCM) với mô hình chăn nuôi heo và mua xe tải. Các dự án khác như: buôn bán phụ liệu may, nuôi nhím, trồng nấm, gia công mài cẩm thạch... được vay từ 8 – 20 triệu đồng. Liên hoan cũng tổ chức tư vấn các nguồn vốn vay cho các bạn trẻ và triển lãm các sản phẩm do thanh niên làm ra.

Với Trương Văn Nam, một trong những thanh niên sử dụng vốn vay hiệu quả được tuyên dương lần này, nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã giúp người thanh niên xuất ngũ này “đổi đời”. Gia đình Nam có một cơ sở sản xuất tranh ghép gỗ nhỏ tại nhà, vốn tự có không đủ để mua thêm máy móc, vật liệu và thuê mướn nhân công nên họ chỉ làm túc tắc qua ngày.

Năm 2008, Nam được Hội LHTN xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TP.HCM) giới thiệu cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Với nguồn vốn này, gia đình Nam đã mua thêm máy móc, vật liệu, thuê thêm nhân công… Năng lực sản xuất tăng, các đơn đặt hàng đến ngày càng nhiều hơn, đời sống gia đình Nam và 5 người lao động cũng ổn định hơn. Mỗi tháng, thu nhập của mỗi công nhân từ 1,8 – 3 triệu đồng. “Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất ra thị trường 1.300 – 1.500 sản phẩm, lợi nhuận 8-10 triệu đồng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thuê thêm nhân công và tăng năng suất nữa” – Nam hào hứng cho biết.

“Mong nhiều bạn được vay vốn như mình...”

Những bạn trẻ vay vốn lần đầu có hiệu quả đều có chung nguyện vọng vay vốn lần nữa từ Quỹ để tiếp tục mở rộng sản xuất như Đặng Quốc An (huyện Hóc Môn, TP.HCM). An tình cờ học được kỹ thuật sản xuất thảm lau chân từ một người bạn, với 2 triệu đồng vốn mượn từ gia đình, An đã mày mò tự tạo ra một máy dệt thủ công và mua vải vụn về để sản xuất thảm lau chân.

Thời gian đầu chưa có thị trường tiêu thụ, thảm làm ra mà không có đại lý thu mua. Đến khi An tìm được thị trường và khẳng định được chất lượng thì sản phẩm làm ra lại không đủ để bán. Thấy mô hình của mình hoạt động hiệu quả mà lại thiếu vốn, An đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và được vay 15 triệu đồng. Nhờ đó, An mua thêm nguyên liệu, nâng cấp máy dệt cũ, mua thêm 2 máy mới và thuê thêm 3 nhân công.

Hiện nay cơ sở của An có thu nhập bình quân 10  - 12 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 7 người. An có nguyện vọng sau khi hoàn nợ sẽ xin vay vốn lần 2 để mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa. Còn Phạm Quang Phú thì bộc bạch: “Tôi nhận thấy Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một chương trình ý nghĩa, thiết thực và hữu ích cho thanh niên, đặc biệt là những người có tay nghề, đang ấp ủ những dự án kinh tế khả thi nhưng không có vốn để thực hiện. Tôi mong ngày càng nhiều bạn được vay vốn như mình…”.

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.