Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ - Kỳ 6: “Họ rút đi lẹ lắm, không kịp cho bà con cám ơn”

13/10/2005 21:49 GMT+7

Trận pháo kích vào căn cứ núi Dàng (LZ Bronco) diễn ra vào buổi sáng. Nghe rõ tiếng xé gió của hỏa tiễn 122 ly, vượt qua khu dân cư Đức Phổ đáp xuống mục tiêu. Nhiều tràng âm thanh tiếp nối, mặt đất rung chuyển, tiếng còi hú báo động vang rền. Pháo binh Mỹ phản pháo, trực thăng trực chiến cất cánh nhắm hướng Tây Bắc.


Trong căn cứ, lính Mỹ thập thò lần lượt trồi lên từ các hầm trú ẩn. Nhiều cánh tay chỉ lên núi: có khói trắng bốc lên thành nhiều vệt lơ lửng. Một lát, tiếng trực thăng xạ kích các mục tiêu nghi ngờ dội về nghe rõ. Pháo binh bắn lên cấp tập, tiếng nổ depart nghe thật giận dữ. Ăn pháo kích, chui xuống hầm, chui lên mặt đất, mất hết buổi sáng. Một người bạn Mỹ cho tôi xem bức thư gửi về nhà ở Oklahoma, trong đó có câu: "Việc ăn uống chưa được cải thiện bao nhiêu, nhưng tôi ăn pháo kích của vixi đều đều là 2 lần/tuần".

Chiếc xe cứu thương 4x4 độc nhất của quân y quận Đức Phổ đưa vào bệnh viện dã chiến của tiểu đoàn 1 quân y Hoa Kỳ bảy người bị thương. Đó là bà con xã Phổ Bình. Như thường lệ, nhận được thông báo, nhân viên MID và của Ban 2 đều có mặt. Họ muốn tìm kiếm những điều họ muốn biết về các nạn nhân: tại sao bị thương, xảy ra ở đâu, và lý lịch người bị thương. Trung sĩ Nelson gọi tôi xuống bệnh viện theo yêu cầu của thiếu tá Perkin. Lúc đó, người cố vấn Mỹ của chi khu đang làm thủ tục chuyển thương kèm hồ sơ bằng tiếng Việt. Bốn nam ba nữ, tất cả đều bị trúng miểng đạn pháo binh. Một người cho biết trong lúc mọi người chuẩn bị "làm đồng" thì đạn pháo núi Dàng bắn lên làm họ bị thương. "Sao giờ này mới chuyển ra đây?" - Chơn, thông dịch viên của tiểu đoàn 1 quân y, hỏi. "Mấy ổng làm quá tụi tui đâu dám xuống. Băng bó đỡ rồi chui hầm. Bữa nay êm êm mới làm gan mò xuống", người đàn ông nói. Ai cũng có căn cước hợp pháp. Nelson ghi chú xong. Các câu trả lời của bảy bà con người Việt không có gì đáng để ý. Bác sĩ McLain thắc mắc về một vết thương của người đàn ông đứng tuổi. McLain hỏi ai đã khâu vết thương mở của người đàn ông này. Bác sĩ McLain diễn tả, có lẽ miểng đạn pháo đã tạo nên vết cắt xéo trên bắp thịt đùi phải. Vết cắt khá sâu, nếu không áp dụng cách cầm máu và đóng miệng vết thương kịp thời, chân của ông ấy khó có thể dở lên được. Vị bác sĩ Mỹ nhờ tôi hỏi người đàn ông: "Ai đã làm công việc này?". Theo ngón tay của McLain tôi nhìn thấy các nút thắt khâu kín bằng chỉ mổ, đều đặn và tỉ mỉ, chạy suốt vết thương do miểng đạn phản pháo ngày hôm qua gây ra. Bác sĩ McLain không tin là có ai đó thuộc hàng tay ngang trong ngành y đã dám thực hiện công việc cứu thương hiệu quả như thế. Tôi nghĩ ông chỉ tò mò vì nghề nghiệp. Người đàn ông xoay người nhịn đau nói: "Dạ, có con nhỏ trong xóm học y tá ở Quảng Ngãi làm việc này đó". Bác sĩ McLain nhún vai, miệng huýt sáo nhỏ như khâm phục, cám ơn rồi quay đi. Ông còn bận rộn xem xét vết thương của mấy người kia.

Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nán lại với người đàn ông và hỏi: "Bác sĩ giải phóng đóng vết thương của ông phải không?". Ông như không nghe tôi hỏi. Tích tắc cả chục giây đồng hồ... "Thiệt với chú em, không có họ làm sao tụi tui sống nổi tới bữa nay?" - mặt người đàn ông như giãn ra sau câu trả lời - "Từ nhà xuống bệnh xá quận cũng hết hai tiếng. Mất máu khó sống. Thêm pháo bắn, máy bay bắn, làm sao đi. Mà xuống tới trạm xá quận thì có được gì đâu. Thuốc men không có, không nhờ quý cô trên đó thì sao tui còn nằm đây nói chuyện với chú. Mấy chú dưới này biết hết rồi mà". Ông nhìn tôi như chịu đựng. Tôi không nói gì thêm, nhưng nhìn ông như khuyến khích ông kể tiếp. Ông chầm chậm kể thêm rằng sau đợt pháo bầy từ núi Dàng bắn lên, trực thăng áp tới quần thảo bắn lung tung. Phía dân, lớp chạy vô hầm lớp nằm im tại chỗ chịu trận. Pháo nổ, đạn nổ. Một lát sau nghe tiếng la cứu người bị thương từng chặp. Đợi máy bay đi chỗ khác, bà con mới xúm gom người trúng miểng đạn lại một chỗ. Băng bó sơ qua, tính hè nhau đưa bà con không may xuống bệnh xá quận. Nhưng cứ hụp tới hụp lui vì pháo rải lác đác, tiếng máy bay nghe như xáp lại gần. Rồi nghe tiếng loa vang lên từ đầu xóm: "Bà con ở đâu ở đó có anh em về giúp đây". Cả chục người trùm khăn dù rằn chạy từ mé rừng thấp vô xóm. Mấy cô y tá lanh lẹ ra tay cứu thương. Tui được cô bác sĩ người Bắc cầm máu và may vết thương. Họ làm rồi rút đi lẹ lắm không kịp cho bà con cám ơn". 

Những đồng bào của tôi thật không may khi phải sinh sống trong vùng oanh kích tự do. Tôi nghe lính quận nói họ có anh em thân nhân theo phía bên kia. Tình máu mủ, tình ruộng đất đã giữ chân họ lại tại những vùng đất đầy nguy hiểm. Ở trên đó, nhà cửa bị đốt cháy vô cớ, bản thân không an toàn và bị chính quyền địa phương biệt lập. Ai đi xuống cũng bị tra hỏi, theo dõi, bắt bớ; đi lên bị tịch thu thực phẩm mua ở chợ quận, bị hoạnh họe đủ điều, bị xâm phạm v.v... Những lúc gian nan ấy, thân nhân của họ hoạt động trên núi xanh nào hay biết. Những lúc bị thương thân nhân có ở bên cạnh cũng chịu bó tay.

Những năm ở Đức Phổ, tôi thật không nghĩ ra vì sao họ buộc phải sống chung với bom đạn. Tinh thần truyền thống nổi bật ở chỗ đó. Chưa từng trải qua chẳng thể nào cảm động được. "May nhờ mấy cô mấy cậu trên núi xanh chạy xuống cứu kịp thời. Trời phật phù hộ cho mấy cô mấy cậu trên đó". Tôi nghe người đàn ông nói nhỏ như van vái. Tôi biết ông đang nhắc đến ai.

“...Người Mỹ, người Úc rất trân trọng sự thật. Nhật ký này rõ ràng là một sự thật, không đánh bóng, không tô điểm. Mỹ, Úc và Tây phương nói chung không bao giờ cho phép phái nữ ra chiến trận (women in combat) mà đây lại là câu chuyện của một nữ bác sĩ từ miền Bắc vào Nam thành lập bệnh xá để chữa trị cho thương binh nên cả thế giới, đặc biệt là người Mỹ, rất khâm phục (treat with respect). Sự khâm phục này thể hiện rõ ràng qua tập tài liệu “VietNam the 10.000 day- war”. Sự khâm phục ấy càng to lớn khi người nữ bác sĩ đã quyết định cầm chân lính Mỹ cho 3 đồng đội thương binh chạy thoát và quyết bắn lại chứ không đầu hàng. Đối với tư duy của người Mỹ và Tây u, họ không bao giờ đánh phụ nữ. Tư duy này thấm nhuần trong đầu óc của họ cho đến khi đối diện với bác sĩ Thùy Trâm. Nếu lúc đó, bác sĩ Thùy Trâm giơ tay lên, họ chỉ bắt chị làm tù binh chứ không giết. Nhưng chị đã không làm như vậy! Cũng chính vì vậy nên ông Whitehurst luôn luôn nói bác sĩ Thùy Trâm là một HERO (anh hùng). Danh từ HERO này rất là trân trọng trong ngôn ngữ tiếng Anh. Những người lính Úc mà dám hy sinh thân mình để cứu đồng đội như bác sĩ Thùy Trâm thì sẽ được nhận Medal la VC (Victoria Cross), huy chương cao quý nhất của Nữ hoàng phong tặng" - Anthony Chau Nguyen, Melbourn, Australia. (Đ.N.K trích từ e-mail ngày 10.10.2005).

(còn tiếp)

Lê Thành Giai
(California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.