Nhật Bản với chiến thuật quyền lực mềm

14/12/2008 00:01 GMT+7

“Quyền lực mềm” là thuật ngữ do giáo sư Joseph S.Nye thuộc Đại học Harvard của Mỹ đưa ra để mô tả cách các quốc gia “đạt được điều họ muốn bằng sự hấp dẫn chứ không phải bằng áp bức”.

Tạp chí Time cho rằng hiện Nhật Bản đang ra sức gây ảnh hưởng bằng văn hóa, xã hội và kinh tế. Nhưng người Nhật thường không muốn cho người khác biết về những nỗ lực của mình.

Vũ khí rất hữu hiệu

Theo tạp chí Time, Heizo Takenaka, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách tài chính Nhật Bản, từng phát biểu: “Quyền lực mềm là loại vũ khí rất hữu hiệu. Nếu chúng tôi có những nhà lãnh đạo chính trị phù hợp, nó còn có thể có hiệu quả mạnh hơn nữa”. Hiện Nhật Bản đang triển khai loại “vũ khí êm ái” này trên nhiều mặt trận. Các ngân hàng Nhật nhiều tiền lắm của đã rót vốn vào các doanh nghiệp nước ngoài đang thoi thóp như Tập đoàn Morgan Stanley của Mỹ. Nhiều công ty Nhật Bản đang đầu tư mạnh ra nước ngoài, xây dựng nhà máy, và mở văn phòng đại diện khắp châu Phi, châu Á. Trong tháng 10.2008, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thậm chí còn trích một phần trong số gần 1.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ cho các nước đang thiếu tiền như Iceland. Trong tháng 11.2008, Nhật cũng ngỏ ý sẵn sàng cho Quỹ Tiền tệ quốc tế vay 100 tỉ USD.

Nhưng vấn đề không đơn thuần chỉ là mạnh tay vung tiền. Kotaro Tamura, một nghị sĩ Nhật Bản, nói với tạp chí Time rằng nhờ hệ thống tài chính ít bị khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng nên Nhật Bản có cơ hội giúp sức thế giới và qua đó đề cao trách nhiệm xã hội. Đây là điểm mới. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cũng học hỏi cách thức Nhật Bản phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh, trở thành một nước công nghệ cao nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Các quốc gia đang tiến hành công nghiệp hóa thì tìm hiểu cách thức bảo vệ môi trường của Nhật Bản - một nước đã phát triển kinh tế ở trình độ cao, nhưng vẫn gìn giữ được môi trường.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại hướng về Nhật vì tiềm lực tài chính hùng mạnh của nước này. Cho dù trong vài năm gần đây, Nhật Bản đã cắt giảm ngân sách viện trợ ra nước ngoài, họ vẫn là nhà tài trợ song phương hàng đầu cho nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Campuchia và Nepal.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của đài BBC về việc quốc gia nào có hình ảnh toàn cầu tích cực, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 2. Đức, với tỷ lệ chênh lệch không đáng kể về phiếu bầu, đã vượt qua Nhật để giành lấy vị trí số 1, Mỹ đứng hàng thứ 7.

Mô hình Nhật

Hiện nay, nhu cầu học tiếng Nhật lớn hơn so với thời kỳ được gọi là “những năm phát triển sôi sục” - khi ấy, kinh tế Nhật mạnh hơn bây giờ nhiều. Theo thống kê của Chính phủ Nhật, trong năm 2006, gần 3 triệu người trên khắp thế giới đã chọn học thêm tiếng Nhật, tăng gấp 3 lần so với năm 1990. Trả lời phỏng vấn tạp chí Time về vấn đề này, Tsutomu Sugiura, cố vấn Viện Nghiên cứu Marubeni, cho biết: “Trước đây, người nước ngoài học tiếng Nhật để kiếm việc làm. Nhưng ngày nay, họ học tiếng Nhật vì quan tâm đến văn hóa Nhật”.

Hồi tháng 5.2008, Nhật Bản đã “bổ nhiệm” mèo Hello Kitty làm “đại sứ du lịch”, 2 tháng sau khi mèo robot trắng Doraemon được chỉ định làm “đại diện ngoại giao hoạt hình” đầu tiên của quốc gia này. Việc “bổ nhiệm” hai “đại diện mèo” vào những vị trí này cho thấy tầm ảnh hưởng của Nhật đối với giới trẻ toàn cầu.

Thủ tướng Nhật Taro Aso luôn ủng hộ mạnh mẽ việc Nhật Bản cung cấp viện trợ ra nước ngoài. Ông đã kêu gọi hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, cho đó là “một cách thức hợp lý và quan trọng để xuất khẩu văn hóa Nhật và truyền bá những giá trị Nhật”. Ông cũng tích cực vận động nâng cao tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nhật Bản. Đầu những năm 1990, nhờ nguồn tài chính hùng mạnh có được từ một thời kỳ phát triển kéo dài, Nhật đã trở thành nhà cung cấp viện trợ lớn nhất thế giới. Giờ đây Nhật chỉ đứng ở vị trí thứ 5, bởi suốt thập kỷ qua Chính phủ Nhật đã cắt giảm ngân sách viện trợ ra nước ngoài. Thủ tướng Nhật đang muốn đưa nước mình quay trở lại vị trí hàng đầu.

 
Một mẫu xe mang tính đột phá của người Nhật - Ảnh: AFP


Đại sứ du lịch mèo Hello Kitty - Ảnh: Reuters

Hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đề xuất tăng 13,6 % ngân sách viện trợ. Trong tháng 10, ông Aso đã đặt bút ký một khoản cho vay kỷ lục 4,6 tỉ USD dành cho Ấn Độ. Hồi tháng 5, Nhật cũng cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi, từ nay đến năm 2012. Các khoản trợ giúp nước ngoài không hoàn toàn bất vụ lợi. Khi Chính phủ Nhật cam kết hỗ trợ tài chính, chẳng hạn, cho một nước châu Phi xây dựng đường sá, các công ty Nhật sẽ được lợi. Bởi lẽ họ sẽ nhận được những hợp đồng tốt.

Nhưng ngoài chuyện làm ăn, ngày càng có nhiều người Nhật mong muốn truyền bá các giá trị và lý tưởng “kiểu Nhật”. Một trong những giá trị đó là khả năng hiện đại hóa mà không đánh mất giá trị truyền thống. Kazuo Ogoura, Chủ tịch Quỹ tài trợ Nhật (Japan Foundation), cho tạp chí Time biết: “Thời hiện đại, Nhật đã đạt được những thành tựu về kinh tế và chín muồi về dân chủ nhưng vẫn không làm biến mất các giá trị văn hóa truyền thống”.

Bảo vệ môi trường cũng là một giá trị được trân trọng tại đất nước quê hương của Nghị định thư Kyoto. Takashi Hongo, cố vấn đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật, nói thêm: “Các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu, vì vậy họ rất chú trọng đến việc sử dụng năng lượng như thế nào cho có hiệu quả. Và chúng tôi có thể giúp đỡ các quốc gia đang phát triển xây dựng một nền công nghiệp phát triển nhưng không hủy hoại môi trường”.

Trả lại cho người

Hiện nay, nhiều người Nhật - những người sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên toàn cầu hóa - còn cho rằng đất nước họ có trách nhiệm phải giúp đỡ những quốc gia khác.

Thay vì làm việc cho các tập đoàn trong nước, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại ưu đã hăm hở ra nước ngoài làm việc. Năm 2004, số người Nhật học tập tại các trường nước ngoài cũng tăng gấp 3 lần so với năm 1990, lên tới 82.925 sinh viên. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, số lượng chuyên gia Nhật là tình nguyện viên Liên Hiệp Quốc đã tăng gần đến 700 người, so với con số dưới 500 người năm 2001. Watanabe, đồng chủ biên một tờ báo, phát biểu với Time: “Nhiều người Nhật nhận thức họ có nghĩa vụ trả nợ vì 60 năm trước đây một số nước đã giúp Nhật tái thiết đất nước”.

Những người có lý tưởng như vậy đã được tập hợp vào Tổ chức Tình nguyện viên hợp tác quốc tế do Chính phủ điều hành. Từ năm 1965, tổ chức này đã gửi hơn 30.000 tình nguyện viên đến trên 70 nước. Ngày nay, phần lớn các tình nguyện viên là phụ nữ hay người lớn tuổi, những người đang kiếm tìm ý nghĩa cho cuộc sống.

Đa số đều công tác và cống hiến trong những lĩnh vực Nhật có thế mạnh: trồng lúa năng suất cao, điều hành các chương trình giáo dục môi trường, dạy toán và khoa học bậc phổ thông.

Có hai nhân tố khác buộc Nhật phải xem xét lại vai trò của mình đối với thế giới. Thứ nhất, nước này thiếu nhân lực. Để bù đắp cho số dân đang ngày một già đi và đáp ứng nhu cầu nhân lực của các nhà máy, Nhật sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn nhân lực nước ngoài. Có cách nào thu hút những người nước ngoài có tay nghề tốt hơn tuyên truyền các giá trị Nhật?

Thứ nhì, các doanh nghiệp Nhật cần không gian phát triển để duy trì tăng trưởng. Do đó, họ phải mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Theo nghiên cứu của Recof Data Corp, 10 tháng đầu năm nay, các tập đoàn Nhật đã ra sức mua lại công ty nước ngoài, tăng gần bốn lần so với cuối năm ngoái, với tổng giá trị lên tới gần 67 tỉ USD. Và trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, chiến thuật “quyền lực mềm” của người Nhật Bản vẫn được triển khai một cách ráo riết.

Ngọc Trung (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.