Đừng sợ té ngã mà lười vận động

09/11/2010 09:48 GMT+7

Theo kết quả khảo sát ở Sulzbach, CHLB Đức, 90% số nạn nhân đã té không vì hậu quả của bệnh chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, tiểu đường... mà vì mất thăng bằng trong lúc di chuyển.

Tai nạn thường xảy ra khi ngồi dậy, khi xoay người. Tình trạng này càng rõ nếu trước đó nạn nhân đã bị chóng mặt nhiều lần vì rối loạn tiền đình, viêm tai giữa, huyết áp dao động, tụt đường huyết...

Đáng quan tâm không kém là hậu quả lâu dài trên tâm lý của nạn nhân khi 2/3 người già bị té ngã sau đó có khuynh hướng sợ vận động, không chỉ vì đau đớn mà vì mặc cảm là gánh nặng của con cháu qua đợt chấn thương.

Họ thường chọn thái độ ngồi yên trong góc tối cô đơn để tránh chấn thương lần nữa. Đó là lý do tại sao bệnh trầm uất, bệnh tĩnh mạch, bệnh tiểu đường do thiếu vận động chiếm tỉ lệ rất cao ở người lớn tuổi đã có lần té ngã.

Thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở châu u cho biết không dưới 1/3 số người trên 65 tuổi ít nhất đã té ngã một lần trong năm khi ở trong nhà, ngoài đường... Số nạn nhân từ tuổi 70 thậm chí tăng lên đến 40%! Đáng nói hơn nữa là gần 1/5 số nạn nhân bị chấn thương nghiêm trọng như gãy cổ xương đùi, gãy đốt sống... đến độ đành chịu kiếp phế nhân!
Trong khi đó, chuyên gia về bệnh lão hóa từ lâu khuyến khích người cao tuổi thường xuyên vận động nhẹ nhàng càng tốt, bởi hệ cơ khớp tuy không dẻo như xưa nhưng vẫn dai, cộng với việc hòa nhập cộng đồng sẽ tốt hơn nhiều việc quá sợ té nên ngồi yên để rồi vẫn... ngã!

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Đa số người cao tuổi té ngã vì mất khả năng phối hợp vận động cũng như do mất phản ứng tinh tế. Bằng chứng là, cũng theo kết quả nghiên cứu hẳn hòi, 4/5 nạn nhân thiếu dưỡng khí trong tế bào thần kinh trung ương.

Các nhà nghiên cứu ở đại học thể dục thể thao Cologne (Đức) đã không vô cớ khi thiết kế một chương trình phòng chống té ngã cho người cao tuổi, gồm:

- Dưỡng khí liệu pháp theo phương pháp von ardenne, qua đó bệnh nhân vừa thở dưỡng khí vừa dùng các loại sinh tố và khoáng tố cần thiết cho tiến trình dung nạp và biến dưỡng oxy.

- Dược thảo liệu pháp với các cây thuốc chọn lọc có tác dụng ổn định dẫn truyền thần kinh như bạch quả, đinh lăng, nhân sâm, phúc bồn tử...

- Thể dục cột sống để tối ưu hóa chức năng của trung khu giữ quân bình.

- Thiền định nhằm mục tiêu cải thiện chức năng tư duy, vừa đảm bảo giấc ngủ vốn dễ bị xáo trộn ở người cao tuổi.

Điểm đáng tiếc là ở xứ mình, khoa lão học dường như vẫn còn ở vị trí lu mờ. Nghĩ đến người cao tuổi nên ở góc nhìn đồng cảm, thay vì chỉ thông cảm...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.