Bức xúc từ những dự án treo

11/07/2013 10:18 GMT+7

Kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 8, nhiệm kỳ 2011-2016 nóng hẳn khi các đại biểu tập trung vào vấn đề quy hoạch treo tại các vùng nông nghiệp, nông thôn.

Kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 8, nhiệm kỳ 2011-2016 nóng hẳn khi các đại biểu tập trung vào vấn đề quy hoạch treo tại các vùng nông nghiệp, nông thôn.

Theo Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn các quận, huyện có hơn 30 dự án đã kiểm định nhưng ở vào tình trạng quy hoạch treo, trong đó Q.Liên Chiểu có 10 dự án, Q.Ngũ Hành Sơn 7 dự án, Q.Cẩm Lệ 3 dự án, H.Hòa Vang 8 dự án... Đây là những khu vực chiếm nhiều diện tích đất nhưng chậm được sử dụng hoặc bỏ hoang, gây lãng phí, trong khi nhân dân không có đất sản xuất, không dám đầu tư mở rộng ngành nghề. Cũng theo Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, cùng với quá trình quy hoạch, đô thị hóa đang diễn ra trên diện rộng ở một số vùng nông thôn thì nhân dân trong diện di dời, giải tỏa cũng được chuyển đến khu tái định cư. Tuy nhiên, tại nơi ở mới, đời sống, việc làm của người dân chưa thực sự ổn định; các hộ nông dân thiếu đất sản xuất và lúng túng trong việc chuyển đổi nghề. Có nơi dự án đang triển khai, nhân dân đã di dời, nhưng tình trạng thiếu đất để bố trí đất tái định cư thực tế cho người dân hoặc cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ vẫn còn tiếp diễn; hệ thống điện, nước, đường giao thông, chợ và trường học chưa được xây dựng... Trên địa bàn thành phố, hiện còn 1.105 hộ dân thuộc các dự án đã bàn giao mặt bằng từ hai đến ba năm, có những trường hợp đã bốn năm nay nhưng chưa được bố trí đất tái định cư thực tế nên nhân dân phải đi thuê nhà hoặc ở nhà tạm, cuộc sống tạm bợ chật chội, mùa hè nắng nóng, mùa mưa ngập lụt; việc học hành, khám chữa bệnh của con em gặp nhiều trở ngại, công ăn việc làm bị gián đoạn, nhân dân phải đi lại nhiều lần để nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ thuê nhà… đã gây bức xúc trong nhân dân. Các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng cũng chỉ rõ những bất cập mà người dân sống trong vùng quy hoạch treo phải gánh chịu như: sống trên đất mình mà muốn xây nhà cũng không được, muốn tách thửa cũng không, muốn bán cũng không được...

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, người dân kiến nghị trong điều kiện hiện nay, thành phố nên thông báo cụ thể những dự án tiếp tục triển khai và những dự án ngừng thực hiện để nhân dân biết, nhân dân sửa sang nhà cửa, tách thửa đất cho con cái, và làm đường giao thông kiệt hẻm phục vụ sinh hoạt của người dân.

Bức xúc từ những dự án treo
Nhiều khu vực ở P.Hoà Quý (Q.Ngũ Hành Sơn) nằm trong quy hoạch nhưng chậm giải toả - Ảnh: H.T

Hứa nhiều vẫn xuất hiện ngộ độc

Theo UBND TP.Đà Nẵng, tính đến ngày 31.5, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết, vệ sinh dụng cụ, điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo; nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc. Trước tình hình đó, thành phố đã tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong mùa hè, đặc biệt tập trung vào các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội. Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Đà Nẵng là do chế biến và bảo quản. “Chỉ cần pa tê, thịt nguội để qua đêm trong điều kiện bảo quản không đảm bảo thì sẽ bị hư hỏng ngay”, ông Chiến dẫn giải. Cũng theo ông Chiến, bình thường ngành y tế kiểm tra VSATTP các cơ sở mỗi năm 2 lần. Tuy nhiên, khi “có vấn đề” thì tăng số lần kiểm tra lên 3 lần/năm. Ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nêu ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm và cảnh báo ngành y tế phải tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và du khách chứ đừng “hứa nhiều nhưng vẫn xuất hiện ngộ độc thực phẩm”.

Một trong những vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm chính là vấn đề xả nước thải trực tiếp ra biển. Đại biểu  Nguyễn Hoàng Sơn yêu cầu ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT phải đưa ngay giải pháp, chứ nếu không thì khách du lịch sẽ bỏ đi hết. Về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu cho biết Đà Nẵng có tất cả 45 cửa xả thải lớn nhỏ ra biển. Tuy nhiên, theo ông Điểu, muốn nước thải ra biển được sạch, không bị ô nhiễm thì phải tách nước thải và nước mưa ra riêng. “Để làm được điều này thì cần nguồn kinh phí rất lớn, mà hiện tại thì chúng ta không thể làm được do thiếu tiền”, ông Nguyễn Điểu nhấn mạnh...

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2013 là tập trung chỉ đạo điều hành, rà soát, tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư để có đất thực tế bố trí cho các hộ dân giải tỏa, nhất là tại các quận: Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và H.Hòa Vang. Đồng thời, rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ. Đẩy mạnh công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, dự kiến tổng cộng bố trí trong năm 2013 khoảng 1.715 hộ. Ngoài ra, UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành tăng cường quản lý nhà nước về đô thị, môi trường, giải quyết các điểm đen và bức xúc về môi trường, nhất là tình trạng môi trường các bãi biển, ngập úng ở các khu dân cư...

Ông Trần Thọ chỉ rõ 10 điểm có xe dù, bến cóc, đi không đúng tuyến, thường xuyên gây ra tai nạn giao thông. Ông Trần Thọ yêu cầu ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GT-VT Đà Nẵng phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra giao thông khẩn trương làm rõ, xóa bỏ ngay để lập lại trật tự, kỷ cương.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.