Học nghề miễn phí cũng… miễn học !

25/07/2013 03:00 GMT+7

Mặc dù có những ưu đãi, thậm chí được hỗ trợ toàn bộ học phí nhưng khá nhiều thanh niên ở một số huyện, quận vùng ven TP.HCM vẫn không muốn học nghề.

Chỉ muốn kiếm việc làm ngay

Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: Toàn huyện có hơn 2.000 thanh niên chưa qua đào tạo nghề. Đa số những người này đi làm những nghề lao động phổ thông, công nhân, phụ hồ… Trung tâm phối hợp với địa phương làm công tác vận động học nghề, nhưng số người đi học còn quá ít, chỉ chiếm khoảng 10%.

Học nghề làm tóc tại Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh - d
Học nghề làm tóc tại Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh - Ảnh: Thanh Lịch 

Theo ông Khoa, số lao động nông thôn của huyện trong năm qua đào tạo nhiều nhất là những ngành nghề dành cho nữ, như: nấu ăn, kết cườm, trang điểm. Ông Khoa nhận xét: “Các em rất lười học, nhất là các em thuộc diện hộ nghèo. Được hỗ trợ 3 triệu đồng tiền đi học nhưng các em có suy nghĩ là tui nghèo quá thì tui đi làm luôn chứ không cần đi học. Nói chung, các em chỉ muốn được giới thiệu đi làm những công việc gì cũng được, miễn kiếm tiền được ngay. Đó là cái ưu tư nhất của chúng tôi hiện nay”.

 

Học miễn phí hoàn toàn nhưng vẫn không có người học!

Ông Tạ Quang Sinh
Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Thủ Đức

Ông Tạ Quang Sinh, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Thủ Đức, thẳng thắn góp ý: “Nhiều người dân địa phương mang tư tưởng ỷ lại rất lớn, nhất là bộ đội xuất ngũ. Năm nào cũng vậy, chúng tôi đều đến tư vấn khi nào xuất ngũ về thì nên kiếm cho mình một cái nghề học để có công việc bền vững về sau, chứ lao động phổ thông thì rất bấp bênh, thu nhập thấp. Nhưng ở đây các em ỷ lại, nghề thì không có nhưng muốn đi làm có thu nhập cao”. Ông Tạ Quang Sinh cho biết thêm: “Năm rồi Phòng LĐ-TB-XH Q.Thủ Đức thống kê số thanh niên lao động nông thôn có nhu cầu học nghề theo Đề án 1956 là hơn 1.000 em của 9/12 phường trong quận. UBND TP.HCM giao kinh phí 750 triệu đồng về cho Phòng LĐ-TB-XH để đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn. Nhưng cuối cùng, số lượng thanh niên đi học rất ít.Riêng Trường trung cấp nghề Thủ Đức có khoảng 20 người đăng ký học nhưng thực ra chỉ nhận dạy nghề cho các em với tổng số tiền 21,5 triệu đồng. Học miễn phí hoàn toàn nhưng vẫn không có người học!”.

Chưa có sức hút lớn

Không chỉ là những lý do từ phía học viên, việc đào tạo nghề chưa có sức hút lớn còn có nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, có vấn đề về trang thiết bị, chương trình giảng dạy, đầu ra… chưa đáp ứng nhu cầu của học viên nói chung cũng như thị trường lao động.

Theo ông Cao Tấn Đức, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề Q.Bình Tân, hiện có 7/10 phường còn lao động nông thôn. Ông Đức cho hay: Năm 2012, chỉ tiêu của thành phố giao cho quận là 400 triệu đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và số chỉ tiêu này đã duyệt hết. Năm nay, chỉ tiêu là 500 triệu đồng. 6 tháng đầu năm, trung tâm phối hợp với Hội Nông dân quận dạy nghề cho 313 lao động nông thôn, với những nghề như: trồng rau sạch, lái xe 4 bánh (thi bằng B2)...

Ông Đức nói: “Việc đào tạo nghề cũng có khó khăn. Ở đây, họ chưa học những nghề đảm bảo tính lâu dài để ổn định nghề nghiệp. Kỹ thuật trồng rau sạch hiện nay rất “hot” nhưng đầu ra thì họ phải tự tìm tòi, nghiên cứu thị trường. Hiện nay đầu ra của trồng rau sạch còn khó khăn, hạn chế”. Theo ông Đức, có những nghề trung tâm đưa cho người học tự chọn. Bên cạnh đó, cũng có những ngành nghề dưới địa phương đề xuất lên. Ông Đức thông tin: Hiện nay có những ngành mới như kỹ thuật nuôi lươn, nuôi ếch thương phẩm, trồng nấm… nhưng trung tâm chưa đăng ký những ngành nghề này.

Đề cập đến tổng thể trang thiết bị dạy nghề tại Trung tâm dạy nghề Q.Bình Tân, ông Lê Thanh Vân, Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu. Chúng tôi muốn mở rộng ra những ngành nghề như sửa chữa ô tô, điện lạnh nhưng không đủ cơ sở vật chất. Cái máy tiện cũng đời xửa đời xưa. Những máy đó không bằng máy “nghĩa địa” của Nhật. Còn xưởng hàn vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành. Nói thật là hiện nay cơ sở chúng tôi không đủ phòng học, giữa học lý thuyết và thực hành lẽ ra phải học hai phòng khác nhau nhưng ở một số môn chúng tôi phải gộp chung”.

Do đã xuống cấp trầm trọng nên trụ sở Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh hiện đang được xây mới. Khoảng 1 tháng nay, trung tâm tạm dời về một trường THCS cũ kỹ. Trường học không có điện 3 pha nên trung tâm không mở được một số ngành nghề như cơ khí, ngành may. Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề H.Bình Chánh, nhìn nhận: “Cách đây 3 năm, trang thiết bị thiếu nhiều lắm. Từ năm 2010 đến 2012, nhờ nhà nước hỗ trợ trang thiết bị nên đến nay cũng tương đối ổn. Nói ổn là để đào tạo căn bản thôi, chứ những máy móc hiện đại chưa có”. Bên cạnh đó, theo ông Khoa, giáo viên cơ hữu của trung tâm hiện rất thiếu, chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại chủ yếu là giáo viên hợp đồng.

Nhiều hạn chế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo website Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, số lao động nông thôn hiện nay ở 5 huyện và 43 phường thuộc 7 quận vùng ven của TP.HCM là hơn 1,1 triệu người. Sau 3 năm (2010 - 2012), TP.HCM đã đào tạo được 44.920 lao động nông thôn.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thẳng thắn đánh giá: Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại TP.HCM; kết quả đào tạo nghề chưa đạt yêu cầu đề ra; công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm chưa giúp được nhiều cho người học chọn nghề phù hợp…

Ý KIẾN

Việc dạy nghề cứ như… trên mây

Thanh niên đa phần đi làm lao động phổ thông như phụ hồ, sơn nước trung bình 250.000 đồng/ngày và họ có tâm lý làm ngày nào kiếm tiền ngày đó cho chắc ăn. Không ít thanh niên cho rằng, học một nghề ít nhất cũng mất vài tháng nhưng khi học xong chưa chắc đã tìm được việc làm. Hiện nay, việc dạy nghề cho thanh niên cứ như trên mây vì các trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp chưa thật sự gắn kết với nhau, để đáp ứng được chất lượng đầu ra cũng như giới thiệu việc làm cho người học.

Nguyễn Quốc Tâm
(Thanh niên sản xuất giỏi tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM)

Mỗi lớp chỉ có  khoảng 5 người đến học

Hiện nay, tỷ lệ thanh niên nông thôn không có tay nghề rất cao nhưng ngược lại là họ không chịu đi học nghề. Vừa rồi, xã Phước Vĩnh An (H.Củ Chi, TP.HCM) có mở những lớp học nghề liên quan đến việc nuôi bò sữa, trồng hoa lan cây cảnh, nuôi cá kiểng nhưng dường như thanh niên không quan tâm. Địa phương mở 3 lớp học nghề (dự kiến 80 học viên/lớp) nhưng cuối cùng mỗi lớp chỉ có khoảng 5 người đến học.

Huỳnh Chí Công
(Thanh niên sản xuất giỏi tại xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM)

Như Lịch - Lê Thanh

>> Vừa học nghề, vừa được trả lương
>> Nhật Bản hỗ trợ thanh niên Việt Nam học nghề
>> Giảm 50% phí học nghề cho bạn trẻ
>> Hỗ trợ người khuyết tật học nghề
>> Chọn hướng học nghề
>> Học nghề cho... vui
>> Giảm 50% phí học nghề
>> Tìm động lực khi học nghề
>> Người học nghề bị làm khó
>> Học nghề qua mỗi ngày
>> Người thất nghiệp thờ ơ học nghề
>> Giảm chi phí học nghề
>> Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.