Ra đảo truy tìm 3.000 bộ... hài cốt!

05/12/2008 10:06 GMT+7

Biển xanh, sóng trắng, "thiên đường du lịch" Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) mênh mông hiện ra trong nắng vàng. Oái oăm thay, cũng trên "thiên đường du lịch" này lại có một "địa ngục trần gian" - nhà tù Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc - nơi địch đã giam giữ tới 40.000 lượt tù cộng sản trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nơi đày ải, tra tấn cho đến chết khoảng 4.000 người; trong đó có 3.000 người vẫn chưa tìm thấy một mảnh xương cốt nào (tính đến tháng 5.2008).

Vừa nhặt xương vừa khóc

Địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc đã kết thúc sứ mệnh đen tối của nó từ hơn ba chục năm trước, nhưng xương cốt của quá nhiều chiến sĩ cách mạng bị tù đày "quẳng xác" ngoài đảo vắng, biển xa vẫn cứ bằn bặt. Đó là món nợ mà tất cả chúng ta phải nỗ lực để trả.

Mới đây, "Ban tìm kiếm" thành lập, một phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang làm trưởng ban, công việc cụ thể giao cho 40 đồng chí lão luyện ở Đội K92 (tỉnh đội Kiên Giang) thực thi. Hơn 100 ngày qua, đội đã tìm được hơn 800 bộ di cốt xung quanh nhà tù Phú Quốc.

Đại tá Ngô Minh Chánh - Đội trưởng K92 - đón tôi ở thành phố Rạch Giá, ông buồn rười rượi: Chúng tôi đã rất thành công, đợt "sơ kết" vừa rồi tìm được 130 bộ hài cốt, đợt mới vừa triển khai chưa đầy hai tháng đã tìm được hơn 700 bộ. Nhiều năm qua, đã đi tìm và bốc hàng nghìn bộ cốt, nhưng chưa bao giờ chúng tôi huy động máy móc nhiều như đợt này. Là bởi vì mật độ di cốt quá dày, lại nằm dưới 6m đất sâu. Hàng trăm cựu tù, cả các vị lãnh đạo có mặt trong lễ cầu siêu cho các liệt sĩ vừa rồi, không ai lý giải nổi, vì sao "bọn ác" có thể vùi thi thể những chiến sĩ cộng sản ở dưới lòng đất sâu đến như vậy?

Sâu đến mức, khi xây dựng tượng đài "Nắm đấm", người ta "vô tình" bới ra hàng trăm bộ hài cốt. Số này được bốc và nhang khói cẩn thận. Không ai có thể ngờ được là bên dưới ngôi mộ tập thể bi thảm ở nghĩa trang kia, vẫn còn ba - bốn lớp xương cốt chồng chất lên nhau. Với giá thuê 4 triệu đồng/chiếc/ngày đào bới, hai chiếc máy xúc liên tục gầm gừ hoạt động, bới mãi xuống lòng đất mà vẫn còn hàng trăm di cốt.

Có bộ xương bị "đóng" tới 16 cái đinh mười to như ngón tay, có bộ bị chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc.

Hàng trăm chiếc đinh tra tấn người được nhặt ra khỏi các mớ xương; trung tá Nguyễn Văn Cao - Đội phó Đội K92 - đem giao nộp cho cán bộ văn hoá địa phương để "trưng bày", ai trông thấy cũng lạnh sống lưng.

Trong khuôn viên của "Nghĩa trang Nắm đấm", 10 anh em của Đội K92 dựng lều dã chiến mà tiến mãi vào rừng sâu tìm kiếm xương cốt. Hàng nghìn mét vuông cây dại và rừng già đã được "dọn sạch" một cách bất đắc dĩ, để lực lượng công binh rà phá bom mìn, rồi Đội K92 mới tiến hành khai quật, tìm kiếm. Tôi ngồi thu lu trên những núi đất đỏ, chằng chịt dây thép gai, nghĩ đến hàng nghìn người còn nằm ở đâu đây, mà nghĩ tới 835 người vừa mới được bới lên từ đất mẹ.

Anh Cao bảo, cửa rừng thâm u, gió biển xạc xào, nơi này hoang vắng tột độ, lại còn bạt ngàn bom đạn ém lại từ thời cũ; đôi lúc, chính anh cũng rờn rợn. Hơn 800 người trong tổng số 4.000 người đã bỏ mạng ngoài hòn đảo có "địa ngục trần gian" này vừa được Đội K92 tìm thấy, chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Khai (người Thanh Hoá) là có tên. Một người nhanh tay nào đó đã viết tên anh, bỏ trong cái túi nilông. Tất cả số còn lại - hơn 800 phần di cốt - đều không biết... ai là ai. Hơn 2.000 bộ xương chưa tìm thấy kia, chắc cũng "chưa xác định được danh tính"...
 

 

 Một số thành viên Đội K92 bên khu mộ lớn, với hàng trăm tấm bia liệt sĩ, ngay ở hiện trường vụ khai quật.

Trung tá Cao phủ một lá cờ đỏ sao vàng lên những cái hòm gỗ, chứa mấy chục bộ di cốt mới tìm thấy. Giọng anh Cao nghẹn ngào: "Chỉ một người có tên tuổi, địa chỉ. Tất cả ai cũng là người cộng sản chân chính, đã sống đến giọt sống cuối cùng vì quê hương. Nhưng họ đã không được trông thấy ngày Bắc Nam sum họp. Nhưng họ vẫn may mắn hơn hàng nghìn người còn nằm đâu đó dưới lòng đất, dưới những tán rừng, hoặc da thịt họ, xương cốt họ chỉ còn là một vệt mờ mờ hoa thổ dưới cõi xa xôi".

Quá nhiều nhân chứng đều nói về việc máy bay của bọn cai ngục đã chở những người đau ốm đi chữa bệnh, rồi không bao giờ trở về. Họ đã bị ném xuống vịnh Thái Lan làm mồi cho cá và đáy biển sâu. Việc họ trở về là bất khả. Việc kiếm tìm cho đầy đủ hàng nghìn người đã chết vì địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc là một nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý, nhưng... không thể hoàn thành trọn vẹn.

Thật khó để trọn vẹn, dẫu có những ngày, anh em khai quật một hố mà được hơn 500 bộ xương cốt! Càng đào, càng nhặt xương càng thấy xót xa, rơi nước mắt. Hai trăm, ba trăm, rồi gần năm trăm bộ di cốt trong một cái hố vùi thây tập thể; 835 phần xương cốt của các liệt sĩ, sau mấy chục năm "biến mất" đã về với bàn tay đồng đội (số liệu tính đến ngày 1.12.2008).

Sẽ là một cuộc kiếm tìm mãi mãi?

Chiến dịch truy tìm 3.000 bộ hài cốt kết thúc giai đoạn 1, với lễ cầu siêu cho linh hồn những người quả cảm đã ngã xuống. Hôm đó, cán bộ T.Ư, cán bộ lãnh đạo từ Sài Gòn, Kiên Giang tề tựu đông đủ ở Phú Quốc. Chỉ có hai ngả đường ra đảo là trên trời (máy bay) và trên biển (tàu thuỷ), thì cả hai ngả đều đông nghẹt, hết vé.

Buổi lễ trang trọng, trời ào ào đổ mưa lớn như khóc than. Tuyệt nhiên không một ai xoè mũ hay dù ra che chắn. Họ đứng trong mưa, nỗi đau và niềm vui còn lớn hơn mưa nắng. Buổi lễ hùng thiêng diễn ra trong mưa, mà không ai có cảm giác trời đang mưa nữa.

Nhắc lại chi tiết này, anh Minh - Trưởng phòng Thương binh - liệt sĩ và người có công của Sở LĐTBXH Kiên Giang - không giấu nổi xúc động: "Chúng tôi đã phải đặt mua hàng trăm chiếc tiểu sành loại tốt từ Đồng Tháp chở xuống Rạch Giá, rồi thuê tàu gỗ vượt gần 200km mặt biển ra với các đồng chí vừa được tìm thấy cốt ngoài đảo Phú Quốc. Vét hết tiểu sành của Rạch Giá cũng chưa đủ".

Giai đoạn 2 của dự án truy tìm hài cốt được triển khai, vẫn trong sự tận tuỵ của Đội K92, vẫn bằng tiền tỉ đầu tư của Nhà nước, vẫn đều đặn, các ban ngành của huyện đảo Phú Quốc có cán bộ đến giao lưu, chia sẻ, động viên, tặng quà cho các chiến sĩ Đội K92. Nhưng, càng về sau, cái khó sẽ càng nhiều hơn. Cốt nằm ở tít dưới lòng đất sâu, thông tin của nhân chứng rồi cũng... cạn kiệt, mà đến nay, hơn 2.000 bộ hài cốt vẫn bặt tăm. Thật ra kẻ địch chỉ ném xác các chiến sĩ ra bãi đất rồi quên hẳn, khiến các bộ xương bị phân huỷ rất nhanh, rễ cây ăn vào đến độ không còn dấu tích của người nằm xuống.

Trung tá Cao phải ghi âm, ghi hình lời kể của quá nhiều nhân chứng. Có người đàn bà đi làm nương về, tìm anh Cao để chỉ một khoảnh đất mà bà ta mới bới, thấy toàn... xương người.

Có cụ Út Minh - ngoài 70 tuổi, nhà ở gần hố khai quật - đã từng bị giam 6 năm, bị cai ngục Bảy Nhu tàn độc khét tiếng (mà nay là hàng xóm của ông) tra tấn bằng cách đè ra nhổ mất 6 cái răng, đã kể lại những thông tin "mộc" về việc chôn xác tù cộng sản vô cùng quý giá đối với Đội K92.

"Vợ tôi nằm viện mấy tháng nay, phải nhờ người trông. Tôi bám trụ ngoài "chiến trường" này, vì cảm thấy trách nhiệm của mình quá lớn. Cả núi xương. Cái vất vả của chúng tôi có thấm tháp gì so với thế giới ngục tù tận khổ mà hơn 40.000 người đã bị tù đày, tra tấn và hy sinh ở Phú Quốc những năm xưa?" - anh Cao rơm rớm.

Những ngày ở Phú Quốc, sự tận tụy của Đội K92 đã khiến tôi nhận ra rằng: Họ làm việc không chỉ vì nhiệm vụ, mà họ đã xả thân vì một nghĩa cử, tìm hài cốt - một món nợ ân tình mà lẽ ra chúng ta phải trả cho hết từ lâu, mà đáng ra tất cả chúng ta đều phải có mặt ở đó để hành lễ trả nợ ân tình.

Theo Đỗ Doãn Hoàng / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.