Vẫn là môi trường đầu tư

15/12/2005 14:22 GMT+7

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn trong một bữa cơm tối ở Hội An, kể một câu chuyện thú vị về đầu tư ở hai tỉnh. Hôm đó có các nhà lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và chị Nguyễn Thị Bình.

Câu chuyện thứ nhất bắt đầu từ tỉnh Thái Bình. Có mấy nhà đầu tư người Đài Loan đến Thái Bình tìm cơ hội đầu tư. Họ đến các cơ quan thẩm quyền không bằng xe hơi mà dùng phương tiện xe thồ hoặc xích lô. Họ đến Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND và nhiều cơ quan khác cho đến hết giờ. Điều đáng ngạc nhiên là khi họ rút tiền trả cho các chủ phương tiện - đã đưa họ đi trong suốt ngày làm việc thì những người này không lấy với lý do là: "Các ông về đầu tư ở Thái Bình, quê chúng tôi mà chúng tôi lấy tiền thì còn ra gì nữa!".

Từ một cử chỉ như vậy, các nhà đầu tư Đài Loan quyết định dứt khoát đầu tư vào Thái Bình. Họ cho rằng: "Ở một môi trường, một nơi chốn mà từ người dân thường đã có một thiện chí, một thái độ như vậy thì nơi ấy xứng đáng để đầu tư quá!". Nghe nói dự án đầu tư vào Thái Bình đó không phải là nhỏ.

Một trường hợp khác, có một nhà lãnh đạo cao cấp thấy tỉnh mình sao có ít nhà đầu tư vào, đã triệu tập một cuộc họp với các doanh nghiệp để đặt ra câu hỏi: "Tại sao các nhà đầu tư gốc gác của tỉnh nhà lại không đầu tư vào quê hương của mình?". Các nhà đầu tư trả lời gọn lỏn: "Vì một sở chức năng của địa phương công bố rằng: bí thư tỉnh ủy chỉ thị phải vượt qua 7 điều kiện của tỉnh đặt ra thì mới được đầu tư vào tỉnh nhà". Sau đó, kiểm tra lại thì mới biết vị bí thư tỉnh ủy này không hề ra bất cứ một điều kiện nào với các nhà đầu tư như một số "quan cấp dưới" tự đặt ra. Từ tuyên bố đó, các nhà đầu tư dù là gốc gác ở tỉnh nhà cũng nản lòng chẳng muốn làm ăn ở quê mình, dù biết rằng ai mà chẳng yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Tới giờ phút này, thành tựu về đầu tư vào Việt Nam là lớn. Môi trường chính trị của chúng ta ổn định làm yên lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng thật lòng mà nói, tôi chưa thấy nhiều lắm việc các nhà đầu tư khen hệ thống thủ tục và cấp giấy phép đầu tư của ta, nhất là thái độ của những người được giao làm công việc này.

Biết bao nhiêu đoàn lãnh đạo, từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, các cơ quan sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đều ra nước ngoài kêu gọi đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của nền kinh tế và môi trường của ta, song "gọi thì cứ gọi", "kêu thì cứ kêu" nhưng khi nhà đầu tư vào "đụng" cụ thể các quan chức hành chính của ta và bao nhiêu thứ thủ tục phiền hà thì họ kêu trời, ngoại trừ một số tỉnh và một số lãnh đạo cơ quan thực sự tâm huyết và trực tiếp theo dõi giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng Phan Văn Khải và các quan chức Chính phủ Việt Nam mỗi lần ra nước ngoài đều tranh thủ gặp các chính giới và doanh nhân nước ngoài để kêu gọi và giới thiệu về hình ảnh của đất nước, từ môi trường chính trị ổn định đến tài nguyên thiên nhiên phong phú của Việt Nam. Có những đoàn tranh thủ tổ chức hội thảo, quảng bá có hiệu quả đối với doanh nhân nước ngoài nhưng môi trường bên trong, nhất là các sở, bộ, ngành có trách nhiệm đối với công tác đầu tư đã chưa đảm nhận tốt được vai trò của mình, thậm chí để cán bộ, nhân viên dưới quyền vòi vĩnh gây khó khăn cho đối tác, mà những người ở cấp trên trực tiếp hoặc gián tiếp không chịu bất cứ một hình thức chế tài nào về trách nhiệm.

Một Việt kiều làm ăn khá ở Mỹ, khi được Tổng lãnh sự quán của ta khuyên nên vận động các doanh nhân Mỹ ở Cali về Việt Nam làm ăn, anh bảo: "Bản thân tôi về còn gặp rắc rối và làm chưa được gì thì làm sao tôi vận động được người khác?". Họ nói rất chân tình. Cho nên muốn đất nước của ta trở thành một nơi hấp dẫn đầu tư cho mọi doanh nhân trong nước và cả nước ngoài, chỉ còn một cách duy nhất là hãy củng cố thật dứt khoát bộ máy nhân sự của các cơ quan liên quan đến việc cấp phép đầu tư, từ tỉnh, thành phố cho đến các bộ. Lãnh đạo bộ, cấp vụ, chủ tịch UBND các tỉnh thành, giám đốc sở phải bị kỷ luật nếu cấp dưới mình tham nhũng, vòi vĩnh, gây khó khăn cho dân và doanh nghiệp.

Tất nhiên ta còn cần phải chú ý hoàn chỉnh sửa đổi các luật, nghị định, quy định về lĩnh vực này theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, đơn giản hơn, thu hút hơn chứ không phải để tăng thêm quyền hành "xin, cho" cho bộ máy quản lý, để dễ bề gây nhũng nhiễu và tiêu cực đối với người dân và doanh nghiệp.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 31/8/2005)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.