Đến năm 2020 chưa chắc hết kẹt xe!

28/11/2007 23:05 GMT+7

Mục tiêu của UBND TP.HCM là phát triển hạ tầng giao thông để đến năm 2020 sẽ chấm dứt tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. Nhưng nhiều đại biểu HĐND cho rằng mục tiêu này cũng khó thành hiện thực!

Nhiều dự án như trong mơ!

Trình bày tại hội nghị chuyên đề Quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông đô thị sáng 28.11, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính đã trình bày nhiều siêu dự án: để đạt mục tiêu năm 2020 quỹ đất giao thông chiếm 16-20% tổng quỹ đất đô thị, thành phố sẽ tập trung nguồn lực phát triển hàng trăm tuyến đường, nút giao thông, hệ thống metro, đường trên cao... Trong đó, đáng chú ý là cải tạo, nâng cấp 6 tuyến quốc lộ (1A phía đông (xa lộ Hà Nội), 1K, 13, 22, 1A phía tây, 50) và 7 tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi: Vũng Tàu, Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt, Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Mộc Bài, Trung Lương - Cần Thơ, Nhơn Trạch và đường cao tốc nối đường Hồ Chí Minh ở phía tây thành phố. Thành phố cũng xây dựng 4 tuyến đường vành đai, trong đó đường vành đai 3 và 4 kết nối các đô thị vệ tinh: Trảng Bom (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Đức Hòa, Bến Lức (Long An)... nhằm giãn dân ra khỏi TP.HCM; xây dựng hàng chục cầu vượt sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải, Nhà Bè và Lòng Tàu; hệ thống đường trên cao và 6 tuyến metro xuyên tâm, hệ thống đường sắt quốc gia liên vùng phía nam... Tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông đô thị khoảng 352.920 tỉ đồng (hơn 22 tỉ USD), chia ra các giai đoạn: 2008 - 2010 cần 126.558 tỉ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 cần 166.896 tỉ đồng và 59.466 tỉ đồng cho 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên báo cáo của Sở Giao thông - Công chính cũng chốt lại, ngân sách thành phố hằng năm chỉ đảm bảo đầu tư cho giao thông được có 5.000 tỉ đồng!

Đại biểu Quốc hội Ngô Minh Hồng cho rằng những gì nêu trong quy hoạch không mới. Bà Hồng nhắc lại chuyện cũ và tỏ ý nghi ngờ về tính khả thi của quy hoạch. Tương tự, đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa cũng băn khoăn: "Cứ cái kiểu làm như chúng ta mấy năm qua thì tôi e rằng 12 năm nữa không thể thực hiện được quy hoạch. Một dự án nho nhỏ cũng mất 5-6 năm triển khai. Cần có một cuộc cách mạng về thủ tục, quản lý và điều hành các dự án". Còn đại biểu HĐND Nguyễn Thế Dũng sau khi nghe trình bày về quy hoạch giao thông "chỉ dám ước mơ" vì thấy nó quá đẹp!

Tranh cãi xung quanh các giải pháp cấp bách

Ngoài đề án quy hoạch giao thông, UBND thành phố cũng báo cáo HĐND 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Trong 8 nhóm này, giải pháp tổ chức thực hiện ngay việc học tập, làm việc lệch ca, lệch giờ được UBND thành phố kỳ vọng và đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, đây lại chính là giải pháp nhận phản ứng ngược nhiều nhất. Các đại biểu băn khoăn về quy định giờ làm việc, học tập trong tờ trình của UBND thành phố sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. "Nếu chứng minh được áp dụng lệch giờ làm việc, học tập mà giảm được kẹt xe thì làm, không thì đừng làm cho thêm rối" - bà Hồng nói. "Giải pháp lệch ca, lệch giờ nên xếp xuống cuối cùng vì có thể ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của người dân" - đại biểu HĐND Dương Văn Nhân kiến nghị và Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo đồng tình. Theo bà Thảo, giải pháp này cần phải nghiên cứu thêm vì có nhiều điểm chưa hợp lý.

Trong khi đó, giải pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân lại được sự đồng tình cao của nhiều đại biểu. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Dũng kiến nghị: "Một số biện pháp cần phải có sự kiên quyết, như việc hạn chế xe cá nhân, lấn chiếm lòng lề đường...". Tuy vậy, ông Dũng cũng khuyến nghị việc hạn chế không nên dùng mệnh lệnh hành chính mà bằng các biện pháp kinh tế. Kiến nghị này được bà Phạm Phương Thảo và ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND thành phố, tán đồng. "Cần phải chấp nhận một số giải pháp hướng đến lợi ích chung.  Kẹt xe năm ngoái có 33 điểm, nay ngành giao thông báo cáo lên 54 điểm, thiệt hại ước tính cả tỉ USD mỗi năm” - bà Thảo kêu gọi.

Giải pháp xử phạt thật nghiêm, thật nặng các lỗi vi phạm giao thông cũng được đặt ra. "Phải phạt thật nặng, chứ chúng ta cứ đặt nặng vấn đề giáo dục nó quá cũ rồi, hiệu quả không cao" - đại biểu Nguyễn Việt Dũng kiến nghị. Nhưng nặng là bao nhiêu? Đại biểu Dương Văn Nhân cho rằng nên tham khảo mức phạt ở Thái Lan, Singapore: "Nhiều cán bộ của ta đi Singapore về kể, thèm hút thuốc lắm, nhưng thấy quy định hút không đúng chỗ bị phạt khoảng 10 triệu đồng Việt Nam thì có thèm mấy cũng đành nhịn. Mức phạt hiện nay của ta chưa đủ sức răn đe, thành phố nên kiến nghị Trung ương, có thể là quy định áp dụng riêng cho thành phố".

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.