Hiến tinh trùng, trình độ tối thiểu phải tốt nghiệp trung học cơ sở

21/11/2005 21:35 GMT+7

Mới đây, Báo Thanh Niên có đăng bài Nỗi lo trong điều trị vô sinh, nói về tình trạng nhiều cặp vợ chồng bị hiếm muộn đến điều trị vô sinh tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ và BV Hùng Vương (TP.HCM) cần đến nguồn tinh trùng (TT) được cho từ người khác, nhưng phải "xếp hàng" chờ đợi rất lâu, vì tìm được người cho là rất khó... Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả phái nam có ý muốn hiến tặng TT, cũng như muốn biết những quy định đối với người cho...

"Ngân hàng không có vốn"

Đó là câu nói vui mà bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn của BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) và nhân viên khoa Hiếm muộn của BV này thường dùng để ví "Ngân hàng TT" tại đây như thế, bởi ngân hàng này đã được thành lập từ mấy năm nay, nhưng "tiền mặt" của ngân hàng không khi nào có được một "xu", vì số người tình nguyện đến "góp vốn" gần như là không có. Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, khác với ở ta, ở một số nước, kể cả châu ÁÁ như Thái Lan, Trung Quốc... "vốn" của "Ngân hàng TT" của họ mạnh hơn rất nhiều, do có nhiều người đến hiến tặng. Ở Singapore, còn có chương trình vận động nam giới đi hiến TT, nhà nước đài thọ chi phí. Còn ở ta, phần lớn quý ông e ngại, mặt khác, nhiều người còn chưa biết nhiều thông tin về việc hiến tặng TT như thế nào, cũng như cứ nghĩ rằng đến đó sẽ bị nhiều nhân viên y tế "dòm ngó", hay ngại quy trình phức tạp... Do ngân hàng không có vốn, vì vậy, nhiều cặp vợ chồng bị hiếm muộn do “trục trặc" từ phía người chồng (nguồn TT không có, hoặc không sử dụng được...), phải cần đến nguồn TT của người đàn ông khác thì phải chờ đợi rất lâu, thường cả năm trời mới có người cho. Đã vậy, có khi không may, TT được cho đó không đảm bảo chất lượng, không thể làm thụ tinh trong ống nghiệm được thì lại phải tiếp tục chờ người cho khác, kéo dài thời gian chờ đợi! Đó không chỉ là nỗi khổ tâm của nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh, mà còn là nỗi day dứt của cả những y, bác sĩ làm công tác điều trị vô sinh, bởi khả năng, kỹ thuật điều trị vô sinh thì có đủ, mà nguồn "nguyên liệu" để làm thì không đáp ứng được!

Một số quy định đối với người cho và người nhận TT

Bác sĩ Lê Tấn Cảnh (khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ) - người phụ trách "Ngân hàng TT" của BV cho biết, để cho tặng TT, không có gì là phức tạp cả, chỉ tốn một ít thời gian đi lại mà thôi. Người hiến TT sẽ được BV miễn phí rất nhiều loại xét nghiệm được làm tại BV (cũng là dịp để kiểm tra sức khỏe luôn!), được hỗ trợ chi phí đi lại (nếu có nhu cầu). Tuy nhiên, bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn TT cho có chất lượng tốt, một số quy định, điều kiện cần thiết cũng được đặt ra đối với quý ông hiến tặng TT. Chẳng hạn như: trình độ học vấn tối thiểu phải từ trung học cơ sở trở lên (học hết lớp 9); phải đủ 20 tuổi và dưới 55 tuổi; sức khỏe bình thường, không mắc các bệnh tâm thần và di truyền; các xét nghiệm sàng lọc về viêm gan (HbsAg, HCV), bệnh giang mai (BW), HIV, nhóm máu... bình thường; chất lượng TT phải tốt (tinh dịch đồ bình thường theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO; tỷ


Lưu trữ lạnh tinh trùng bằng ni-tơ tại Bệnh viện Từ Dũ

lệ TT sống sau trữ lạnh trên 50%); nhiễm sắc thể đồ bình thường; HIV kiểm tra sau 3 tháng (tính từ mẫu lấy lần cuối) âm tính; riêng việc độc thân hay đã có gia đình thì không quy định, mà ai cũng có thể hiến, miễn là đạt chất lượng tốt qua kiểm tra, nhưng quy định hiện nay 1 người chỉ được cho TT 1 lần (ở Singapore 1 người được cho đến 3 lần); bên cạnh đó, một số yếu tố cũng cần biết đó là trước ngày hiến TT thì không được xuất tinh từ 3 - 5 ngày (nhằm đảm bảo tính chính xác khi kiểm tra chất lượng TT);...!

Còn về thủ tục hành chính, chỉ cần bản photocopy CMND, bằng tốt nghiệp PTCS (không cần công chứng, chỉ đối chiếu bản gốc); điền vào tờ cam kết về việc cho TT với nội dung: cho phép cơ sở điều trị được quyền sử dụng nguồn TT đã hiến, không được tìm hiểu về nhân thân, tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh... của người nhận TT cũng như em bé sinh ra sau này. Đồng thời không có nghĩa vụ, quyền lợi gì đối với gia đình đứa bé sinh ra từ TT của mình đã cho...

Riêng đối với người phụ nữ nhận TT cũng phải tuân thủ một số điều kiện như: phải đủ 20 tuổi và dưới 45 tuổi; có đủ sức khỏe mang thai và sinh đẻ; đảm bảo một số quy định về xét nghiệm, cùng một số điều kiện về sức khỏe tương tự như người cho TT; không cần quy định về trình độ học vấn... Ngoài ra, người nhận phải thanh toán chi phí 2 triệu đồng (chi phí bảo quản, xét nghiệm...) cho một lần nhận mẫu TT, phải cam kết có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đứa trẻ sinh ra sau này; không được tìm hiểu tên, tuổi, địa chỉ, nhân thân của người cho TT...

Một khi đã đủ một số điều kiện nói trên, người cho TT sẽ được hẹn ngày để đến BV lấy TT. Thông thường BV sẽ lấy 3 mẫu, được lấy từ 3 lần khác nhau để lưu trữ. Tại BV có phòng riêng, để người cho vào một mình trong đó để lấy (đựng vào mẫu lọ vô trùng). Trường hợp ngại không lấy được ở BV thì có thể đem mẫu lọ của BV về nhà... lấy, nhưng trong vòng 45 phút sau khi lấy phải đưa mẫu TT vào BV để lưu trữ đúng những tiêu chuẩn như quy định. Sau khi trữ được 3 mẫu TT, 3 tháng sau đó, người cho sẽ được thử lại xét nghiệm HIV lần cuối (để loại trừ trường hợp kết quả âm tính giả ở giai đoạn cửa sổ ở lần xét nghiệm trước). Trong khoảng thời gian đó, các bác sĩ sẽ cho tiến hành việc tư vấn, điều trị cho cặp vợ chồng hiếm muộn (điều trị bệnh lý ở người vợ - nếu có).

Khi kết quả lần thụ tinh với mẫu TT đầu tiên cho kết quả thì BV vẫn giữ lại hai mẫu TT còn lại, đợi đến khi nào đứa bé được sinh ra tròn vẹn...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.