Rau quả không rõ nguồn gốc: Ai kiểm soát?

26/11/2008 11:25 GMT+7

Cứ vào khoảng 1 – 2 giờ sáng, hàng ngàn tấn rau quả đổ xuống chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Thủ Đức TPHCM). Mặc dù chở bằng ô tô và đi đường dài nhưng những sọt rau củ, thùng trái cây đủ loại vẫn tươi rói, xanh mơn mởn như vừa mới thu hoạch, thậm chí nhiều loại còn nguyên phấn trắng như bắp cải, bông cải, cà chua, củ cải đỏ, hành tây, tỏi…

Theo Ban quản lý chợ Tam Bình, mỗi đêm có hàng ngàn tấn rau xanh, trái cây về chợ, trong đó trái cây ngoại (chủ yếu của Trung Quốc (TQ) chiếm 30%. Các loại rau nhập khẩu từ TQ gồm bắp cải, củ cải, cà chua, cà rốt, hành tây… giá cao hơn rau nội địa từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Trong vai người đi mua hàng về bán lẻ tại các chợ nhỏ, tôi hỏi thăm nhiều chủ vựa về nguồn gốc, giấy chứng nhận rau, củ an toàn nhưng ít ai biết. Ông Trần Kiến Đường, bán rau củ tại vựa Hồng Sành, chợ Tam Bình nói: “Từ trước đến nay có ai đi mua hàng lại hỏi giấy chứng nhận hay nguồn gốc gì đâu. Rau, quả mà phải có chứng nhận thì đến lạ. Cứ quen mối bên TQ thì nhập đại trà, rau, củ nào bán chạy thì lấy nhiều...”. Quả thật, mặc dù trên các thùng giấy đựng các loại rau củ đều ghi, hoặc dán mác “an toàn” nhưng không người mua hàng nào dám tin rau củ trong thùng giấy có thật sự an toàn không.
 
Là một trong những người đến chợ Tam Bình lấy rau về chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh bán, anh Nguyễn Thành Lâm cho biết: “Chúng tôi cũng chẳng thể nào phân biệt được đâu là hàng TQ và hàng nội địa. Cứ thấy loại nào dễ bán thì mua thôi”. Hầu hết sản phẩm có nguồn gốc từ TQ thường đóng thành thùng có ghi chữ Hoa phía ngoài, thời gian bảo quản khoảng 1 tháng. Còn nhiều loại rau khác như bắp cải cuộn tròn căng bóng, súp lơ, cà rốt, cà chua, có màu sắc tươi… đóng vào từng thùng nhưng không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Một chủ vựa tâm sự: “Gần đây, do tâm lý người tiêu dùng không thích rau, củ, quả có nguồn gốc từ TQ nên người bán thường giới thiệu các loại rau, củ, trái cây mình bán là… “rau nội”.

Quả thật trước một “rừng” rau, củ, trái cây chất đống tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình mỗi đêm, để kịp phân phối về các chợ lẻ, người mua, kẻ bán chỉ kịp thỏa thuận với nhau về số lượng, chủng loại rồi vội vã chất hàng lên xe cho kịp giờ bán. Trước khi bán, người bán tự dán những nhãn mác an toàn như rau Đà Lạt, Hóc Môn, trái cây Thái Lan, Australia, Mỹ…

Dù bán tín, bán nghi nhưng người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác, đành phải nhắm mắt “ăn liều” trước những sản phẩm rau, trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng sinh học, thuốc bảo quản sau thu hoạch, thậm chí cả hóa chất làm đẹp mẫu mã sản phẩm... Vậy ai phải chịu trách nhiệm về việc bày bán tràn lan những sản phẩm rau, trái cây không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn này?

Phải “gác cửa” cho sức khỏe người dân

Tôi là một phụ nữ thường xuyên lo chuyện chợ búa, cơm nước cho gia đình nên rất lo lắng, hoang mang trước tình trạng rau xanh, củ quả và cả thịt, cá… đều nhiễm chất độc hại. Mỗi lần ra chợ, đứng trước “rừng” rau củ quả, thực phẩm trông bề ngoài thơm ngon, tươi đẹp chúng tôi băn khoăn không biết nên mua thứ nào cho an toàn. Bởi lẽ loại rau, trái cây nào cũng có chất độc hại như: khí đá, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng… Nhìn những trái “quýt Thái Lan”, “táo Mỹ” rồi bưởi, ổi, đu đủ, hồng… tươi ngon, nhiều màu sắc rất hấp dẫn nhưng khi mua về nhà bổ ra ăn đều bị “trong thối ngoài tươi” thì thật sợ hãi! Nghi ngờ hàng hóa trôi nổi tại chợ, tôi vào siêu thị mua hàng cho chắc ăn, nhưng ngay cả trong siêu thị, nhiều mặt hàng ngoại nhập, từ các tỉnh đưa về cũng bị “thả nổi” chưa qua kiểm dịch nên chẳng lấy gì đảm bảo an toàn như giới thiệu.

Đáng lo ngại nhất là nguồn rau, củ, trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc đang đổ về các TP lớn nhưng không được kiểm dịch. Mặc dù dư luận và công luận bức xúc nhưng đến nay, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Y tế vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu hoặc nếu có biện pháp đi chăng nữa thì cũng đang trở bộ rất chậm. Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước tình trạng rau củ quả có chất độc hại? Ai sẽ là người “gác cửa” cho sức khỏe người dân? Một sự chậm trễ đáng phê phán nữa là phản ứng chậm trễ từ phía các cơ quan chức năng. Chỉ khi báo chí phát hiện thực trạng sức khỏe của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị hủy hoại bởi các hóa chất, độc tố thì Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN-PTNT) và Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) mới thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tình hình kinh doanh và lấy mẫu rau để phân tích. Nhưng phải vài ngày nữa mới có kết quả! Thậm chí, ngay một số cán bộ lãnh đạo của các cơ quan có chức năng cũng phát biểu mơ hồ rằng: chưa phát hiện có chất độc hại trong rau củ quả!?

Người tiêu dùng trong cả nước đề nghị Nhà nước, các cơ quan chức năng phải sớm có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát việc kinh doanh những sản phẩm rau, trái cây, thực phẩm không đảm bảo an toàn và xử phạt thật nặng những kẻ kinh doanh thiếu đạo đức, thiếu lương tâm.

Mạnh Hùng (TPHCM)

Theo Ngọc Hiếu / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.